Thứ năm, 12/09/2024 08:30 (GMT+7)
Thứ ba, 22/03/2022 15:00 (GMT+7)

Cần có chế tài mạnh tay xử phạt nạn 'cát tặc' hoành hành

Theo dõi KTMT trên

Hoạt động khai thác cát sỏi trái phép quá mức phát triển với quy mô lớn vẫn đang diễn ra, gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tiêu tốn tài nguyên, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, đe dọa các công trình.

Khai thác cát trái phép ở Vĩnh Long, 4 đối tượng bị xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng

Ngày 22/3, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 đối tượng khai thác cát trái phép, với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Cụ thể, 4 đối tượng gồm ông Hồ Văn Long (37 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre), Phạm Nhật Thảo (28 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Văn Phong (33 tuổi), Nguyễn Văn Bình (29 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bến Tre), mức phạt mỗi người là 175 triệu đồng. Theo đó, những đối tượng đã thực hiện hành vi khai thác cát lòng sông mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tổng khối lượng cát đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm là 81,9 m3.

Căn cứ vào đề xuất của cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định xử phạt 4 đối tượng trên, mỗi người 175 triệu đồng. Bên cạnh tịch thu số cát sông đã khai thác trái phép, các loại phương tiện, thiết bị sử dụng khai thác cát cũng phải bị tịch thu, bao gồm sà lan BS TG14716 (trị giá hơn 812 triệu đồng đồng). Do đó, mỗi người phải nộp thêm số tiền hơn 200 triệu đồng trị giá của sà lan, tổng cộng hơn 375 triệu đồng/người. Còn sà lan BS TG14716 trả lại cho chủ hợp pháp.

Cần có chế tài mạnh tay xử phạt nạn 'cát tặc' hoành hành - Ảnh 1
Việc khai thác cát trái phép làm cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ra sạt lở đất hai bên bờ sông, nguy cơ thiệt hại đến tính mạng con người. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép hiện nay vẫn còn đang tồn tại ở nhiều địa phương, trên nhiều sông lớn mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc khai thác này làm ảnh đến đời sống của người dân xung quanh, gây ra sạt lở đất hai bên bờ sông, nguy cơ thiệt hại đến tính mạng con người.

Việc khai thác trái phép này còn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân "cát tặc" lộng hành là do địa phương buông lỏng quản lý. Vì vậy, để xảy ra trình trạng khai thác cát trái phép cần phải xử lý nghiêm người đứng đầu.

“Cát tặc” lộng hành gây "chảy máu" tài nguyên

Do phát triển vượt tầm kiểm soát của nhà nước, cát sỏi dần trở thành một nguồn tài nguyên khan hiếm. Bởi nguồn thu từ khai thác, buôn bán loại vật liệu này ngày càng trở lên hấp dẫn, lợi nhuận cao nên hoạt động khai thác cát sỏi trái phép quá mức phát triển với quy mô lớn, gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tiêu tốn tài nguyên, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, đe dọa các công trình.

Siêu lợi nhuận, dễ lách luật, thiếu cơ chế giám sát, quản lý nên tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, cát sỏi lòng sông diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng tăng.

Bên cạnh Luật Khoáng sản đã có hiệu lực, để ngăn chặn, kiểm soát tốt hơn tình trạng này, tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành thêm Nghị định 23 quy định rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố khi cấp phép thăm dò khai thác cát sỏi lòng sông. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tình trạng khai thác sai quy định, lách luật vẫn đang diễn ra.

Tiêu biểu, việc hút cát quá mức, bừa bãi khiến đáy sông Hồng càng ngày bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, kè đoạn thuộc địa bàn huyện Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Phú Xuyên… Thực tế hiện nay, nhiều vị trí đáy sông Hồng, đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội đã bị sụt 2-3 m so với 5-10 năm trước đây. Cá biệt, tại khu vực kè Sen Hồ (huyện Gia Lâm) có một số vị trí đáy sông bị hạ thấp tới 10 m so với 10 năm trước. Còn tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đáy sông bị hạ thấp khoảng 8 m và không riêng thành phố Hà Nội, các tỉnh nằm trong lưu vực sông Hồng cũng diễn ra tình trạng khai thác cát quá mức, tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội.

Không chỉ đồng bằng sông Hồng, tại các con sông ở ĐBSCL cũng đang diễn ra thực trạng tương tự. Hiện hơn 1/2 chiều dài bờ biển của vùng này bị sạt lở, tương đương hơn 300 km. Nguyên nhân là tổng lượng phù sa sông Me Kong giảm một nửa và hoạt động khai thác cát tràn lan trên các sông.

Hệ quả là nhiều hệ thống sông lớn ngày càng biến dạng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, đe dọa cuộc sống của người dân. Những lòng sông nếu chậm được "giải cứu", cái giá phải trả sẽ là rất lớn.

Hiện nay, Việt Nam có 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông, trong đó có 166 dự án địa phương cấp song song với việc nạo vét luồng tuyến và bên cạnh đó vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép.

Ngoài tình trạng sạt lở mất đất sản xuất của người dân, việc bị thay đổi dòng chảy do khai thác cát sỏi quá mức không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên mà còn gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, dẫn tới những hệ lụy khôn lường cả về xã hội và kinh tế.

Trước những tác động xấu của việc khai thác quá mức cát sỏi trên sông dẫn đến sạt lở lòng bờ, chuyên gia cảnh báo, tài nguyên này sẽ cạn kiệt trong tương lai nếu không có những biện pháp thật sự hiệu quả.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…

Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…

“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cần có chế tài mạnh tay xử phạt nạn 'cát tặc' hoành hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới