Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 23/5
Mưa lớn kéo dài gây nhiều thiệt hại tại một số địa phương; WWF Na Uy hỗ trợ hơn 460 thùng lưu chứa rác cho TP.Huế; Đồng Nai: Đổ trái phép 18 tấn chất thải rắn xuống hồ nước... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 23/5.
Mưa lớn kéo dài gây nhiều thiệt hại tại một số địa phương
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, mưa lớn từ ngày 18-22/5 đã gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Bình Thuận, Lâm Đồng và TP.HCM. Ước tính tổng thiệt hại do mưa lớn gây ra tại các địa phương khoảng trên 2 tỷ đồng.
Cụ thể, tại tỉnh Lai Châu, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện các điểm sạt lở ta luy dương, đá rơi, gây ách tắc giao thông cục bộ. Tại hiện trường sạt lở ghi nhận nhiều tảng đá lớn có trọng lượng lên đến vài tấn án ngữ trên mặt đường, phía dưới đường là nhà của một số hộ dân sinh sống.
Tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, mưa lớn đã làm 200 ha lúa mới gieo sạ bị ngập, trôi 100 ha giống đang sạ, sạt lở 100 m đường giao thông nội đồng, sập 1 cống, sạt lở 100 m bờ bao, 32 m bờ rào.
Mưa lớn xảy ra chiều 21/5 trên địa bàn quận Gò Vấp, TP. HCM đã làm 4 tuyến đường bị ngập sâu khoảng 0,30 m khiến nhiều phương tiện giao thông bị chết máy.
Tại các tỉnh Điện Biên, Bình Thuận, Lâm Đồng, Cà Mau mưa lớn đã làm 10 nhà bị hư hỏng, 1.059 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 36 m đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng khoảng 7.550 m3; 1 cầu bị hư hỏng.
Để tiếp tục chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp trong thời gian tới, đồng thời tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tổ chức thực hiện theo Công văn số 272/VPTT ngày 20/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai. Trong đó tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; chủ động sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Tham vấn dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia các tỉnh có biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi
Chiều 23/5, tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình), Bộ Tài nguyên và Môi trương (TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì Hội thảo.
Thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia góp phần triển khai các chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển. Thời gian qua, để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch theo nhiệm vụ được giao, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, song song với việc lấy ý kiến bằng văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai tổ chức các cuộc họp và hội thảo cấp vùng để trực tiếp tham vấn các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý nhằm hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch đúng tiến độ.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, Quy hoạch không gian biển quốc gia là 1 trong 3 quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch (bên cạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia). Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia là nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
Đây là quy hoạch đa ngành; phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển; định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển, giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
“Quy hoạch này cụ thể hóa một số nội dung trong quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 36 NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.
Theo đó, Thứ trưởng Lê Minh Ngân mong muốn các đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý đi sâu vào phân tích tiềm năng, lợi thế của các tỉnh; Các tỉnh tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình quản lý biển trong thời gian qua, đặc biệt quan tâm đến việc khơi thông các nguồn lực về tài nguyên biển để phục vụ cho phát triển kinh tế nhất là năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, du lịch…
WWF Na Uy hỗ trợ hơn 460 thùng lưu chứa rác cho TP. Huế
UBND TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) vừa phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Na Uy (WWF Na Uy) tổ chức lễ bàn giao và tiếp nhận thùng lưu chứa rác.
Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF) viện trợ được phê duyệt vào đầu năm 2022 với mục đích giúp Huế ngày càng xanh hơn, sạch hơn. Hiện nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1; UBND TP. Huế đang tích cực phối hợp cùng WWF - Việt Nam để hoàn tất việc điều chỉnh, bổ sung văn kiện trình UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt để làm cơ sở triển khai dự án trong giai đoạn 2.
Trong khuôn khổ đó, dự án đã hỗ trợ cho TP. Huế 468 thùng lưu chứa rác để triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận thùng lưu chứa rác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Trần Song nhấn mạnh, Huế trân trọng và ghi nhận sự hỗ trợ của Tổ chức WWF- Na Uy, WWF- Việt Nam, chính quyền và nhân dân Na Uy đã lựa chọn TP. Huế là Đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới tham gia vào mạng lưới các đô thị giảm nhựa này. Thời gian tới, TP. Huế sẽ tích cực phối hợp, đồng hành, hỗ trợ cho dự án đạt hiệu quả cao, hoàn thành đúng mục tiêu, tiến độ, để Huế luôn xanh - sạch - sáng - thông minh - thân thiện với môi trường, gắn với lợi ích bền vững của nhân dân.
Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do WWF viện trợ Huế với các mục tiêu như: UBND Thành phố cam kết đưa Huế trở thành Đô thị giảm nhựa. Nhu cầu tiêu dùng và lượng rác thải nhựa được giảm thiểu bởi các nhóm mục tiêu. Nâng cao tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận với dịch vụ thu gom rác thải ở các khu vực mục tiêu. Cải thiện tỷ lệ tái chế rác thải trong nhóm các bên liên quan chính tại địa bàn. Cải thiện chất lượng quản lý bãi rác trên địa bàn thực hiện dự án...
Qua đó, hình ảnh của TP. Huế với các danh hiệu: “Thành phố bền vững môi trường Asean”; “Thành phố Xanh quốc gia” và đô thị Huế “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” sẽ tiếp tục được phát huy trong mắt du khách và bạn bè quốc tế, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đồng Nai: Đổ trái phép 18 tấn chất thải rắn xuống hồ nước
Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) vừa tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ việc một số đối tượng liên quan đến việc sử dụng xe tải tập kết các sản phẩm là gốm, sứ đã đập nát từ Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch, đến đổ thải trái quy định tại xã Long An, huyện Long Thành.
Trước đó, khoảng 10h ngày 18/5/2022, lực lượng Công an huyện Long Thành phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, bắt quả tang đối tượng Phan Quốc Nam (25 tuổi, hộ khẩu thường trú tại xã Long An) đang điều khiển xe BKS: 72C.116.36 đổ18 tấn chất thải rắn công nghiệp từ Công ty cổ phần Thiết bị vệ sinh Caesar Việt Nam xuống khu vực hồ nước thuộc ấp 3, xã Long An.
Làm việc với cơ quan công an, lái xe Nam khai chở số chất thải trên cho ông Bùi Minh Thành (ngụ huyện Nhơn Trạch) từ Công ty cổ phần Thiết bị vệ sinh Caesar Việt Nam đến đổ ở khu vực trên.
Lực lượng Công an xác định, Công ty cổ phần Thiết bị vệ sinh Caesar Việt Nam có thuê phía công ty của ông Bùi Minh Thành xử lý số sản phẩm gốm sứ hư hỏng của Công ty. Sau đó, Ông Thành đập nát số sản phẩm gốm sứ, chỉ đạo tài xế chở số sản phẩm trên đến một số địa điểm tại huyện Long Thành và Nhơn Trạch đổ và bán cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu san lấp mặt bằng trái phép.
Vụ việc đang được Công an huyện Long Thành tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Động đất làm rung chuyển các khu vực ở Đông và Đông Bắc Nhật Bản
Mới đây, Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết, một trận động đất có độ lớn ban đầu 5,8 đã làm rung chuyển tỉnh Fukushima và một số tỉnh khác ở phía Đông và Đông Bắc nước này. Hiện chưa có cảnh báo sóng thần được đưa ra.
Trận động đất trên xảy ra vào khoảng rạng sáng cùng ngày theo giờ địa phương, được ghi nhận cấp độ 5 trong thang cảnh báo động đất gồm 7 cấp độ tại thành phố Iwaki của tỉnh Fukushima. Tâm chấn ở độ sâu khoảng 30 km khơi tỉnh Ibaraki ở Thái Bình Dương.
Tại nhiều khu vực khác, động đất được ghi nhận các cấp độ khác nhau, như cấp độ 4 tại nhiều vùng khác của tỉnh Fukushima và cấp độ 3 tại các tỉnh Miyagi, Yamagata, Ibaraki và Niigata. Hiện chưa có thông báo về thương vong hay thiệt hại.
Giới chức nói rõ không có hiện tượng bất thường xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 trên bờ biển Ibaraki hay các nhà máy Fukushima số 1 và Daini sau trận động đất trên.
Lan Anh