Thứ sáu, 26/04/2024 14:29 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/05/2022 20:44 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/5: LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

Theo dõi KTMT trên

LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; Sau đợt lạnh bất thường, miền Bắc lại mưa lớn diện rộng; Nhiều công ty ô tô hàng đầu không tuân thủ mục tiêu về biến đổi khí hậu... là những tin tức môi trường ngày 20/5.

LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

Trong thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định Liên hợp quốc hoàn toàn ủng hộ nỗ lực bỏ dần điện than của Việt Nam vào năm 2040.

Theo đó, trong buổi làm việc với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề khí hậu, Trợ lý Tổng Thư ký Selwin Hart đã trao thư của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng với Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/5: LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng - Ảnh 1
LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. (Ảnh minh họa)

Trong thư, Tổng Thư ký Liên hợp quốc chúc mừng Việt Nam đã quyết định đưa ra cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các nước thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm tiêu thụ điện than trong nước, khẳng định Liên hợp quốc hoàn toàn ủng hộ nỗ lực bỏ dần điện than của Việt Nam vào năm 2040.

Ông Guterres hoan nghênh thỏa thuận gần đây của các nước G7 ưu tiên Việt Nam để thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cảm ơn sự hỗ trợ mà Liên hợp quốc và cá nhân Tổng Thư ký Liên hợp quốc dành cho Việt Nam, cho biết sẽ sớm chuyển thư tới Thủ tướng Chính phủ và nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trợ lý Tổng Thư ký Selwin Hart và các cơ quan Liên hợp quốc trong vấn đề này.

Sau đợt lạnh bất thường, miền Bắc lại mưa lớn diện rộng

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ nay đến ngày 23/5, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Thực tế trong đêm qua và sáng sớm nay, 20/5, ở Lai Châu và Điện Biên đã có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.

Tiếp tục đưa ra dự báo, cơ quan này nhận định từ ngày 24/5, mưa vừa, mưa to diện rộng ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có khả năng giảm dần. Tuy nhiên, mưa giông ở khu vực này còn có khả năng kéo dài.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Phó viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cho biết sở dĩ tháng 5 năm nay có mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm là bởi tác động của trạng thái La Nina. Khi mưa nhiều thì nền nhiệt độ thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/5: LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng - Ảnh 2
Từ ngày 24/5, mưa vừa, mưa to diện rộng ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có khả năng giảm dần. (Ảnh minh họa)

"Thông thường, tháng 5 rất ít các đợt không khí lạnh, nhưng không phải không có, nhưng các đợt không khí lạnh về chỉ gây ra sự bất ổn định để tạo mưa, nền nhiệt không giảm nhiều. Còn đợt không khí lạnh gây giảm nhiệt hơn so với trung bình nhiều năm như vào giữa tháng 5 vừa qua là hiếm, khá bất thường. Theo dự báo xu thế chung thì tháng 5, tháng 6 vẫn duy trì nền nhiệt độ thấp hơn so với trung bình nhiều năm" - bà Ngà cho hay.

Tiếp tục chia sẻ về đợt mưa lớn ở Bắc bộ đang tới, Phó viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cho biết đây là giai đoạn giao mùa, ẩm nhiều, lại chịu sự kích hoạt của không khí lạnh nên gây ra mưa lớn.

Vừa qua khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã trải qua một đợt mưa diện rộng, đất đã ngấm nước, nên với đợt mưa lớn tiếp theo này sẽ có nguy cơ rất cao xảy ra các thiên tai như sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, đặc biệt là giông, lốc, sét, mưa đá nên người dân cần hết sức đề phòng.

Ngày 20/5, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ yêu cầu chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

100.000 sản phẩm nước uống đóng vỏ lon nhôm được cung cấp miễn phí tại SEA Games 31

Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao tổ chức, thực hiện SEA Games Xanh với mục đích nâng cao nhận thức và đồng hành cùng người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Theo đó, TBC-Ball - Tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp lon nhôm, đã bàn giao 100.000 sản phẩm nước uống tinh khiết đóng lon nhôm cho Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT). Tất cả sản phẩm sau đó được phân phát miễn phí cho các vận động viên, cổ động viên... tại các địa điểm thi đấu SEA Games 31 trên khắp 12 tỉnh, thành phố đăng cai các môn thi đấu với thông điệp ý nghĩa Vì một Sea Games Xanh.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/5: LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng - Ảnh 3
100.000 sản phẩm nước uống đóng vỏ lon nhôm được cung cấp miễn phí tại SEA Games 31. (Ảnh: Báo TN&MT)

Cũng trong khuôn khổ chiến dịch “SEA Games Xanh”, Bộ TN&MT cũng khởi động những chương trình ý nghĩa để tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, hoạt động “Đổi rác lấy quà” cũng được tổ chức tại các sân vận động, khu vực thi đấu.

Theo đó, các cổ động viên thu gom nhặt rác sẽ được trao tặng các sản phẩm được thiết kế và sản xuất từ nhiều vật liệu tái chế như từ kim loại, vỏ lon nhôm, vải đã qua sử dụng, gỗ… và các quà tặng, biểu trưng khác nhằm nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc tái chế đối với bảo vệ môi trường như cây xanh nhỏ, bình đựng nước, sổ tay, móc chìa khóa, giỏ túi xách, huy chương tái chế,...

Bộ ấn phẩm truyền thông “Giảm Nhựa Lựa Xanh tại SEA Games 31” hướng dẫn về cách thức giảm thiểu nhựa dùng một lần cùng với các hành động và hashtag #Seagamesnoplastic #Greensport để cổ vũ, lan tỏa vì một SEA Games Xanh cũng đã được triển khai cùng với cuốn Sổ tay điện tử thực hiện nguyên tắc 3T về giảm thiểu chất thải nhựa tại SEA Games 31 (Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế).

Phát hiện loài Cu li quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Sau 2 năm nghiên cứu, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa) đã phát hiện 2 loài Cu li quý hiếm.

Đây là kết quả của dự án khoa học “Điều tra đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài Cu li (Nycticebus spp.) tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hóa (giai đoạn 2019-2022).”

Trong 2 loài Cu li, loài Cu li nhỏ ghi nhận 11 cá thể được phân bố tại tiểu khu 499, 489, 501, 515, 520, 521, loài Cu li lớn ghi nhận 3 cá thể tại tiểu khu 489, 494, 500.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/5: LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng - Ảnh 4
Sau 2 năm nghiên cứu, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa) đã phát hiện 2 loài Cu li quý hiếm. (Ảnh: TTXVN)

Các loài Cu li đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 nên cần phải bảo tồn khẩn cấp, nếu không sẽ bị tuyệt chủng.

Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên Đỗ Ngọc Dương cho biết trong thời gian thực hiện dự án, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã điều tra, xác định được hiện trạng, sinh cảnh sống, các loại thức ăn và xây dựng bộ bản đồ hiện trạng phân bố, các tuyến điều tra của loài Cu li.

Ban Quản lý cũng xác định được các mối nguy cơ đe dọa loài gồm săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép, chăn thả gia súc tự do trong rừng; từ đó xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, chuyển giao lại cho người dân để hạn chế các mối đe dọa cho loài thú Cu li.

Cùng với đó, Ban Quản lý tổ chức các hội nghị tuyên truyền, mở các lớp tập huấn tại 11 thôn cho 380 hộ dân về tầm quan trọng của loài Cu li quý hiếm, qua đó xây dựng được kế hoạch hành động, các giải pháp bảo tồn khẩn cấp các loài Cu li.

Thời gian tới, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sẽ xây dựng dự án bảo tồn dài hạn loài Cu li, trong đó chú trọng việc tuyên truyền giáo dục, xây dựng đội ngũ giám sát, chương trình điều tra nghiên cứu ở thực địa.

Ban Quản lý Khu Bảo tồn đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí để duy trì các hoạt động của các tổ giám sát, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng Xuân Liên; qua đó, nâng cao vai trò, chức năng phòng hộ đầu nguồn Sông Chu, cung cấp nước cũng như bảo vệ tuổi thọ cho hồ thủy lợi-thủy điện Cửa Đạt và đập Bái Thượng.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2022: Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (ĐDSH) được công nhận và thống nhất bởi một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng trên toàn thế giới. Việc mà chúng ta cần làm ngay bây giờ là cùng hành động để hướng tới tương lai, làm thay đổi thế giới bằng những tín hiệu tích cực cho thế hệ mai sau.

Đối với Việt Nam, năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 được chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn ĐDSH và phát triển kinh tế bền vững.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/5: LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng - Ảnh 5
Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2022 với chủ đề "Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống". 

Do đó, để lan tỏa thông điệp “Xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống”, Bộ TN&MT đã phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động hưởng ứng. Đồng thời đề nghị các bộ, ban ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của ĐDSH; nhân rộng mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần…

Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu ĐDSH, số hóa quản lý di sản thiên nhiên được quan tâm đẩy mạnh, hướng tới việc số hóa công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, phù hợp với Chính phủ điện tử ngành TN&MT. Thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái; thiết lập, củng cố hệ thống thông tin về ĐDSH, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với địa phương, từng vùng di sản thiên nhiên, xây dựng và triển khai thực hiện dự án chuyển đổi số, vận hành cơ sở dữ liệu ĐDSH…

Nhiều công ty ô tô hàng đầu không tuân thủ mục tiêu về biến đổi khí hậu

Theo tổ chức phi chính phủ Influence Map chuyên đánh giá các mục tiêu và chính sách về khí hậu của các doanh nghiệp, chỉ 2 trong số 12 hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới sản xuất đủ số lượng xe điện vào năm 2030 để tuân thủ các mục tiêu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trên toàn cầu, hơn một nửa lượng xe mới sẽ xuất xưởng vào năm 2029 sẽ phải là xe điện để lĩnh vực sản xuất ô tô có thể tuân thủ mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất so với thời kỳ tiền công nghiệp là 1,5 độ C.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/5: LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng - Ảnh 6
Chỉ 2 trong số 12 hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới sản xuất đủ số lượng xe điện vào năm 2030 để tuân thủ các mục tiêu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, 11 trong số 12 nhà sản xuất ô tô đã lên tiếng ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lại phản đối chính sách của các chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện, đặc biệt là việc từng bước dừng sử dụng động cơ đốt trong.

Các tập đoàn ô tô của Nhật Bản là Toyota, Honda và Nissan đặc biệt đi ngược với mục tiêu, khi lượng xe không khí thải chiếm tương ứng chỉ 14, 18 và 22% trong sản lượng dự kiến vào năm 2029.

Hyundai của Hàn Quốc, Ford của Mỹ và Renault của Pháp lần lượt chiếm 27, 28 và 31% trong lượng xe điện dự kiến của toàn cầu trong bảy năm tới. Một ngoại lệ là Tesla của Mỹ, hãng chỉ sản xuất ô tô và xe tải điện.

Theo Giám đốc chương trình của Influence Map, Ben Youriev, gần như tất cả các hãng sản xuất ô tô không duy trì được tốc độ chuyển đổi sang sản xuất xe không khí thải. Ford, Stellantis, Volkswagen và BMW tiến gần đến ngưỡng 52% cho việc đạt mục tiêu về khí hậu, với 36-46% sản lượng xe sẽ là xe điện vào năm 2029. Ngoài Tesla, chỉ có Mercedes-Benz, với tỷ lệ 56%, đang chuyển đổi để tiến tới mục tiêu đề ra.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/5: LHQ khẳng định hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới