Thứ sáu, 29/03/2024 05:57 (GMT+7)
Thứ năm, 19/05/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/5: 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì ô nhiễm không khí

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc đón đợt mưa lớn kéo dài từ đêm nay; Coca-Cola sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án bảo vệ môi trường; 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì ô nhiễm không khí... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 19/5.

Miền Bắc đón đợt mưa lớn kéo dài từ đêm nay

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ chiều nay (19/5), mưa dông ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có xu hướng tăng lên.

Dự báo, đêm nay và ngày mai (20/5), ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa khoảng 20-50mm, có nơi trên 50mm.

Từ chiều tối mai (20/5) đến ngày 21/5, do ảnh của rãnh áp thấp nên Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to, vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 80mm.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/5: 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì ô nhiễm không khí - Ảnh 1
Từ chiều nay (19/5), mưa dông ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có xu hướng tăng lên. (Ảnh: TTXVN)

Từ đêm 21/5 đến 23/5, rãnh áp thấp kết hợp với vùng hội tụ gió trên 5000m nên Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Từ ngày 24/5, mưa vừa, mưa to diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng giảm dần về cường độ nhưng vẫn kéo dài. Dự báo từ ngày 24-29/5, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Thủ đô Hà Nội từ đêm mai (20/5) đến ngày 21/5 có lúc có mưa, mưa rào. Từ đêm 21/5 đến 23/5 có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, miền Bắc năm nay có thể đón một mùa hè mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Trong đó, từ tháng 7-9/2022, tổng lượng mưa có thể cao hơn 15-30% so với trung bình nhiều năm, riêng tháng 8/2022 cao hơn từ 5-15%. Mùa hè năm nay cũng được nhận định ít gay gắt và kéo dài hơn so với mùa hè 2020. Trong đó, từ khoảng nửa cuối tháng 6, miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ đón những đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên. Thời gian nắng nóng cao điểm năm nay ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ dự báo kéo dài từ nửa cuối tháng 6 đến nửa đầu tháng 8.

Sẽ thanh tra các doanh nghiệp chưa nộp tiền xử lý chất thải

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ tiến hành thanh, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt đối với các doanh nghiệp chưa kê khai, nộp tiền “hỗ trợ xử lý chất thải” vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT): Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành luật, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế (như thuốc bảo vệ thực vật, kẹo cao su, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt, thuốc lá...) đều phải nộp bản kê khai trước ngày 31/3 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 20/4/2022.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/5: 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì ô nhiễm không khí - Ảnh 2
Bộ TN&MT sẽ tiến hành thanh, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt đối với các doanh nghiệp chưa kê khai, nộp tiền “hỗ trợ xử lý chất thải” vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định. (Ảnh: TTXVN)

Tại đợt đóng quỹ đầu tiên vừa qua, bộ này ghi nhận hầu hết các nhà sản xuất, nhập khẩu đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa kê khai và nộp tiền vào quỹ theo quy định. Hiện Bộ TN&MT đã có danh sách của các doanh nghiệp không tuân thủ, tới đây sẽ tiến hành thanh, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt.

Bộ TN&MT cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, đưa ra các mức xử phạt nặng đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải nói riêng và trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung.

Theo mức phạt của dự thảo trên, các doanh nghiệp có một trong các hành vi như không nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; hay nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải quá thời hạn 91 ngày trở lên, sẽ bị phạt tiền lên đến 2 tỷ đồng.

Coca-Cola sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án bảo vệ môi trường

Sáng 19/5, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tiếp và làm việc với ông PeeYush Sharma, Tổng Giám đốc Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông PeeYush Sharma, Tổng Giám đốc Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, cho biết, Coca-Cola là một trong những công ty đầu tiên trong ngành chính thức công bố mục tiêu bao bì bền vững với mục tiêu đầy đầy tham vọng sẽ thu gom và tái chế 100% sản phẩm bao bì vào năm 2030. Đồng thời, Công ty đã chuyển mẫu bao bì sản phẩm của chai nước Sprite từ chai nhựa màu xanh sang chai màu trắng, dễ tái chế hơn.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/5: 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì ô nhiễm không khí - Ảnh 3
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tiếp và làm việc với ông PeeYush Sharma, Tổng Giám đốc Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam. (Ảnh: Báo TN&MT)

Ngoài Dự án “Thu gom tự động rác nổi trên sông tại thành phố Cần Thơ”, Coca-Cola Việt Nam đang phối hợp, hợp tác cùng nhiều tổ chức môi trường quốc tế để mở rộng các dự án thu gom, tái chế rác thải nhựa, đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng đến một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, ông PeeYush Sharma, cũng rất ấn tượng với cam kết bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, đặc biệt là cam kết về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP 26. Ông mong muốn được đồng hành cùng Chính phủ, Bộ TN&MT để hiện thực hóa những cam kết này.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của Công ty Coca-Cola cho sự nghiệp bảo vệ TN&MT tại Việt Nam. Đồng thời, chúc mừng Coca-Cola Việt Nam đã được vinh danh là một trong ba doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của Coca-Cola Việt Nam hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT mong muốn Coca-Cola Việt Nam tiếp tục hưởng ứng, đồng hành và tham gia các hoạt động, chương trình và dự án về bảo tồn đa dạng sinh học , kiểm soát và giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu trung hòa các bon bằng không vào năm 2050.

Đại dương ấm lên - Hệ quả của biến đổi khí hậu

Một nghiên cứu gần đây cho biết, vùng cận nhiệt đới Bắc Đại Tây Dương đã hấp thụ phần lớn "nhiệt lượng dư thừa” của Trái Đất dưới đại dương sâu 700m.

Các đại dương đã hấp thụ khoảng 90% sự nóng lên của Trái Đất, trong đó, vùng Bắc Đại Tây Dương ấm hơn khoảng 62% trong giai đoạn từ năm 1850-2018.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Exeter (Anh) và Đại học Brest (Pháp) ước tính rằng trong 50 năm tới, nhiệt độ của các đại dương sẽ tăng thêm 0,2 độ C.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/5: 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì ô nhiễm không khí - Ảnh 4
Ước tính trong 50 năm tới, nhiệt độ của các đại dương sẽ tăng thêm 0,2 độ C. (Ảnh minh họa)

Điều này sẽ đe dọa sự sống còn của nhiều sinh vật biển như các rạn san hô hay rừng tảo bẹ, vốn là điểm tựa cho toàn bộ hệ sinh thái. Sự ấm lên của các đại dương cũng sẽ khiến mực nước biển dâng lên, gây ra các hiện tượng thời tiết ngày càng khốc liệt như bão. Từ đó, phần nào thấy được sự quan trọng của việc đo đếm chính xác tốc độ ấm lên của nước biển với việc dự đoán những tác động tương lai của biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Marie-José Messias tại Đại học Exeter cho biết, khi Trái Đất nóng lên, điều quan trọng là phải hiểu được sự phân tầng nhiệt độ từ bề mặt đến đáy của các đại dương. Điều này sẽ giúp ích cho việc đánh giá tình trạng mất cân bằng năng lượng của Trái Đất.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu hệ thống hải lưu của Dòng chảy ngược Kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC). Dòng chảy này không chỉ vận chuyển các dòng biển ấm từ vùng nhiệt đới lên phía Bắc bề mặt đại dương mà còn đưa các dòng biển lạnh xuống phía Nam đáy đại dương. Qua đó, có thể thấy rằng AMOC đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao nhiệt lượng từ vùng này sang vùng khác.

9 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì ô nhiễm không khí

Mặc dù, đã có sự tiến bộ trong việc giải quyết ô nhiễm ở một số quốc gia, tình trạng ô nhiễm không khí và nhiễm độc chì vẫn tăng, khiến 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm kể từ năm 2015.

Theo phân tích dữ liệu về mức độ ô nhiễm và tỷ lệ tử vong toàn cầu, trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, ô nhiễm không khí do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã khiến số ca tử vong do ô nhiễm tăng thêm 7%.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/5: 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì ô nhiễm không khí - Ảnh 5
Tình trạng ô nhiễm không khí và nhiễm độc chì vẫn tăng hiện nay, khiến 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm kể từ năm 2015. (Ảnh minh họa)

Trước đó, một bản nghiên cứu tương tự xuất bản vào năm 2017 cũng ước tính số người chết do ô nhiễm là khoảng 9 triệu người mỗi năm, nghĩa là trên thế giới, cứ 6 ca tử vong, có 1 ca là do ô nhiễm. Có thể thấy, tỷ lệ tử vong do tác động của ô nhiễm môi trường ngang bằng với việc hút thuốc và thậm chí, cao hơn tỷ lệ tử vong do Covid-19, với khoảng 6,7 triệu người kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Nghiên cứu đã phân tích chi tiết các tác nhân gây ô nhiễm thông qua việc tách biệt các chất ô nhiễm truyền thống như khói hoặc nước thải với các chất ô nhiễm hiện đại hơn, như ô nhiễm không khí công nghiệp và hóa chất độc hại.

Tử vong do các chất ô nhiễm truyền thống đang giảm trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề lớn ở Châu Phi và một số nước đang phát triển khác. Điều này thể hiện rất rõ ở tình trạng ô nhiễm đất, nước và không khí ở Chad (một quốc gia ở Trung Phi), Cộng hòa Trung Phi và Niger - ba quốc gia đứng đầu thế giới về số người chết do ô nhiễm.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/5: 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.