Tin tức môi trường nổi bật ngày 17/5: Cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã tại Việt Nam
Cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã tại Việt Nam; 'Hố tử thần' sâu hàng chục mét xuất hiện ở Nghệ An; Thanh Hóa: Phát hiện các loài Linh trưởng quý hiếm ở Khu bảo tồn Pù Hu... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 17/5.
'Hố tử thần' sâu hàng chục mét xuất hiện ở Nghệ An
Sáng 17/5, lãnh đạo UBND xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết, xã này đã có báo cáo các “hố tử thần” tiếp tục xuất hiện thêm trên địa bàn lên cấp trên để có phương án xử lý.
Theo đó, vào chiều 16/5, trên cánh đồng bản Công, xã Châu Hồng bất ngờ xảy ra hiện tượng sụt lún đất. Chỉ trong chốc lát, khu vực sụt lún này đã lan rộng ra hơn 3m, sâu hàng chục mét như một cái giếng khủng giữa cánh đồng. Nhiều người có mặt nhưng không ai dám đến quá gần vì sợ bị nuốt chửng. Người dân thử ném đá xuống để nghe tiếng động đoán độ sâu nhưng không nghe thấy gì.
Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền xã Châu Hồng đã có mặt bảo vệ khu vực này để đảm bảo an toàn, đồng thời trình báo UBND huyện Quỳ Hợp để có phương án xử lý. Ước chừng miệng hố này rộng 3m, độ sâu không xác định được do thời điểm kiểm tra “hố tử thần” đang tiếp tục sụt lún.
Cùng thời điểm này, ở bản Na Noong (xã Châu Hồng) cũng xuất hiện thêm một điểm sụt lún khác với đường kính rộng hơn 1,5m. UBND xã Châu Hồng sau đó đã cử người túc trực bảo vệ điểm sụt lún này để đảm bảo an toàn.
Xã Châu Hồng là một trong những thủ phủ giàu khoáng sản ở miền Tây Nghệ An. Hiện xã này có 11 doanh nghiệp khai thác đá và quặng thiếc, trong đó có doanh nghiệp khai thác quặng dưới lòng đất theo hình thức hầm lò.
Theo UBND xã Châu Hồng, đến nay, đã có 13 hố sụt lún trên các cánh đồng và sân, vườn nhà dân. Có 114 nhà dân bị nứt nẻ, sụt lún bất thường, 279 giếng nước của dân khô cạn, gây thiệt hại khoảng 57 tỷ đồng.
Mới đây, UBND huyện Quỳ Hợp đã phải thuê Liên đoàn địa chất Bắc Trung bộ về khảo sát, tìm nguyên nhân gây ra các hiện tượng này sau khi nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã khảo sát song không có kết quả.
Để tạo điều kiện cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu tìm nguyên nhân gây sụt đất, tụt nước ngầm, nhà cửa nứt toác, UBND huyện Quỳ Hợp cũng đã thông báo đến một số doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động tại xã Châu Hồng tạm dừng bơm hút, khai thác nước ngầm cho đến khi có thông báo mới.
Cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã tại Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu; các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam.
Hiện nay, ở nước ta đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.
Thời gian qua đã có nhiều nỗ lực của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng. Nhiều loài chim hoang dã, di cư được đưa vào danh mục để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật, như: loài sếu đầu đỏ, cò mỏ thìa, rẽ mỏ thìa…
Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật; ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, Hiệp định về Đối tác Đường bay chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á (EAAFP) mà Việt Nam là thành viên. Hoạt động săn, bắt tận diệt, hủy hoại môi trường sống tự nhiên dẫn đến việc thay đổi môi trường sống và hệ sinh thái, làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư, một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam.
Hải Dương: Xả thải ô nhiễm ra hệ thống kênh Bắc Hưng Hải, 4 doanh nghiệp bị phạt 740 triệu
Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 doanh nghiệp về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước vào kênh này với tổng số tiền 740 triệu đồng.
Qua 2 đợt cao điểm tổng kiểm tra, rà soát các đơn vị xả thải vào hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện, tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 tổ chức vi phạm nghiêm trọng về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 740 triệu đồng.
Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Sky Dragon Việt Nam (địa chỉ: xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) số tiền 250 triệu đồng (Quyết định số 885/QĐ-XPHC ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh Hải Dương); Xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH GFT Unique Việt Nam (địa chỉ: xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) số tiền 130 triệu đồng (Quyết định số 1206/QĐ-XPHC ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh Hải Dương); Xử phạt vi phạm hành chính Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện (địa chỉ: thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) số tiền 210 triệu đồng (Quyết định số 1101/QĐ-XPHC ngày 4/5/2022 của UBND tỉnh Hải Dương); Xử phạt vi phạm hành chính Trung tâm Y tế huyện Bình Giang (địa chỉ: xã Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) số tiền 150 triệu đồng (Quyết định số 1102/QĐ-XPHC ngày 04/5/2022 của UBND tỉnh Hải Dương).
Ngoài bị xử phạt, cả 4 tổ chức nêu trên phải rà soát, cải tạo công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường để khắc phục hậu quả. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 120 ngày kể từ ngày Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực.
Thanh Hóa: Phát hiện các loài Linh trưởng quý hiếm ở Khu bảo tồn Pù Hu
Thực hiện Dự án khoa học công nghệ “Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài Linh trưởng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2019-2021),” Ban quản lý Khu bảo tồn này đã phát hiện 5 loài Linh trưởng quý hiếm thuộc 1 bộ, 2 họ đang sinh sống tại các tiểu khu rừng.
Qua đó, xác định được các nguy cơ đe dọa tuyệt chủng và tìm ra các giải pháp bảo tồn các loài thú quý hiếm này.
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, cho biết qua 3 năm thực hiện Dự án, Ban quản lý đã xác định được hiện trạng quần thể, giới tính, sinh cảnh sống và xây dựng bộ bản đồ phân bố, 10 tuyến điều tra, 6 tuyến giám sát các loài Linh trưởng ở các khu rừng Pù Hu.
Đồng thời, tổ chức 53 hội nghị tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ các loài Linh trưởng với 2.650 người dân, thành lập của 11 câu lạc bộ bảo tồn các loài Linh trưởng trong các trường học và phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị in ấn, cấp phát 1.000 poster, 5.000 tờ rơi, tờ gấp, giới thiệu về các loài Linh trưởng, hướng đến bảo tồn khẩn cấp các loài thú này.
Đến nay, Dự án đã phát hiện được 5 loài Linh trưởng thuộc 1 bộ, 2 họ, trong đó họ khỉ có 4 loài gồm Khỉ cộc, Khỉ vàng, Khỉ mốc, Voọc xám và họ Cu li có một loài là Cu li nhỏ. Tổng số quan sát được là 41 cá thể/5 loài, trong đó có 13 cá thể đực trưởng thành, 20 cá thể cái trưởng thành, 4 cá thể đực bán trưởng thành, 4 cá thể cái bán trưởng thành.
Đất có rừng ở Mỹ cung cấp nước cho các khu dân cư lớn
Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí AGU về nguồn nước mặt cho hơn 5.000 hệ thống nước công cộng, các vùng đất có rừng trên khắp nước Mỹ cung cấp cho 83 triệu người ít nhất 50% lượng nước của họ.
125 triệu người, khoảng 38% dân số nước Mỹ nhận được ít nhất 10% lượng nước từ rừng. Ở miền Tây khô cằn của quốc gia này, 39,5 triệu người nhận được hơn 50% lượng nước uống trên bề mặt của họ từ các khu rừng đang ngày càng bị đe dọa bởi cháy rừng.
Ông Peter Caldwell, nhà thủy văn tại Cục Kiểm lâm Mỹ và đồng tác giả của nghiên cứu mới cho biết, rừng phát triển tốt sẽ mang lại nguồn nước sạch và con người phụ thuộc vào rừng để cung cấp nước uống trên bề mặt.
Nghiên cứu cung cấp một bản cập nhật quan trọng cho bản đồ nước bề mặt của chúng ta đến từ đâu. Thông tin này có thể giúp các nhà quản lý rừng và các đơn vị cung cấp nước xác định các khu rừng quan trọng về mặt thủy văn để chúng có thể được ưu tiên cho việc quản lý hoặc bảo tồn rừng.
Nghiên cứu đã phát triển một cơ sở dữ liệu mới về chuyển nước giữa các lưu vực, giúp di chuyển nước mặt từ nơi dồi dào sang nơi không có nước. Nghiên cứu đề cập đến những con kênh ngoằn ngoèo ngoài trời như California Aqueduct và Dự án Central Arizona cung cấp nước uống cho Los Angeles và Phoenix. Nghiên cứu tập trung vào các vùng nước mặt như hồ, sông, suối vì việc truy tìm nguồn nước ngầm rất khó khăn ở quy mô quốc gia.
Có những thách thức khác nhau ở miền Tây nước Mỹ, nơi mà việc mất rừng thuộc sở hữu tư nhân để phát triển ít bị đe dọa hơn so với các trận cháy rừng ngày càng phổ biến. Cháy rừng gây rủi ro cho nguồn cung cấp nước ở hạ lưu và những thành phố được kết nối thông qua chuyển giao giữa các lưu vực, chẳng hạn như Las Vegas và các thành phố trên khắp California. Công việc này có thể giúp ưu tiên các hoạt động quản lý rừng như tỉa thưa và giảm thiểu nhiên liệu ở các lưu vực cấp nước quan trọng.
Lan Anh