Thứ năm, 12/09/2024 10:39 (GMT+7)
Thứ hai, 16/05/2022 18:15 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h: WWF-Na Uy tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

WWF-Na Uy tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý rác thải nhựa; 6 nội dung hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2022; Quyết liệt bảo vệ tài nguyên nước dưới đất... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 16/5.

Mùa Hè năm nay sẽ đến muộn và không gay gắt như năm 2021

Theo dự báo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến các tháng đầu mùa đông năm 2022, xác suất khoảng 55-65%.

Do vậy, từ tháng 5-7/2022, bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), sau đó từ tháng 8-11/2022 có xu hướng ở mức xấp xỉ so với TBNN.

Tin tức môi trường 24h: WWF-Na Uy tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý rác thải nhựa - Ảnh 1
Nắng nóng ở Bắc bộ và Trung bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. (Ảnh minh họa)

Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn, thấp hơn đến xấp xỉ so với TBNN (TBNN khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5-7 cơn). Tuy nhiên, cần đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm.

Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc bộ có xu hướng cao hơn TBNN từ tháng 7-9/2022.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, nắng nóng ở Bắc bộ và Trung bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Đáng nói, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm trong khoảng tháng 10, tháng 11/2022.

Theo chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng thường bắt đầu vào khoảng giữa tháng 4 ở khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ. Tuy nhiên trong năm nay, khu vực này đón đợt nóng đầu tiên vào cuối tháng 4.

“Các phân tích trên cho thấy nắng nóng năm nay đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm khoảng nửa tháng”, đại diện cơ quan khí tượng cho biết.

WWF-Na Uy tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý rác thải nhựa

Sáng 16/5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân tiếp và làm việc với bà Karoline Andaur, Giám đốc điều hành WWF-Na Uy.

Tại buổi làm việc, bà Karoline Andaur cho biết, trong suốt thời gian qua, Nauy đã đồng hành cùng Bộ TN&MT trong nhiều chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là quản lý rác thải nhựa. Hiện nay, Liên hợp quốc đã chính thức thảo luận về Hiệp ước toàn cầu về rác thải nhựa. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực tham gia xây dựng Hiệp ước. Na Uy cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thiết lập và tham gia Hiệp ước.

Tin tức môi trường 24h: WWF-Na Uy tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý rác thải nhựa - Ảnh 2
Na Uy cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thiết lập và tham gia Hiệp ước toàn cầu về rác thải nhựa. (Ảnh minh họa)

Hiện WWF-Na Uy đang tài trợ TP. Huế thực hiện Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa.

Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2021-2024 và được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022-2024) với mong muốn TP.Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.

Huế là đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới tham gia vào mạng lưới Sáng kiến các Đô thị giảm nhựa. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ TP.Huế thực hiện Kế hoạch hành động Đô thị giảm nhựa; Giảm khối lượng rác thải nhựa phát sinh; Thúc đẩy Mạng lưới doanh nghiệp giảm nhựa…”, bà Karoline Andaur nhấn mạnh.

6 nội dung hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2022

Để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần.

Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch các ngành kinh tế có tác động nhiều đến đa dạng sinh học như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo; quản lý và sử dụng tài nguyên đất, nhất là các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia , quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Tin tức môi trường 24h: WWF-Na Uy tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý rác thải nhựa - Ảnh 3
6 nội dung hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2022.

Tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học theo quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư tại Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan. Kiểm soát các tác động tới đa dạng sinh học như hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước; phương thức canh tác, khai thác kém bền vững; sinh vật ngoại lai xâm hại và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường…

Xây dựng chương trình hành động có định hướng và phù hợp trong bối cảnh đang diễn ra thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc, trong đó phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gìn giữ các tri thức truyền thống, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa theo khuyến nghị và hướng dẫn của Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học.

Quyết liệt bảo vệ tài nguyên nước dưới đất

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chú trọng, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất thông qua việc khoanh định, thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; rà soát xử lý, trám lấp các giếng không sử dụng và kiểm soát các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng hạ thấp mực nước dưới đất quá mức, xâm nhập mặn, ô nhiễm và sụt lún bề mặt đất ở các khu vực đô thị, khu vực đồng bằng, nhất là đô thị lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM, ĐBSCL và một số tỉnh ven biển.

Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ hiện nay chưa được các cấp quan tâm, quản lý đúng mức, trong quá trình thi công đã xảy ra tình trạng sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất ở một số nơi mà chưa được xử lý, khắc phục kịp thời, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Tin tức môi trường 24h: WWF-Na Uy tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý rác thải nhựa - Ảnh 4
Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khoan, đào, nhất là đối với hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm. (Ảnh minh họa)

Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ giếng thực hiện xử lý, trám lấp các loại giếng khoan không sử dụng trên địa bàn theo quy định của Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT.

Đồng thời, các tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát (đến cấp xã, phường, thị trấn) các hoạt động khoan, đào, nhất là đối với hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ theo quy định của Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT nhằm sớm phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Bão bụi, gió mạnh càn quét khắp Trung Tây nước Mỹ

Những cơn gió mạnh vừa quét qua vùng thượng Trung Tây nước Mỹ, mang theo bão bụi phủ khắp các thành phố, thị trấn và nông thôn, gây thiệt hại về tài sản trên diện rộng và cướp đi tính mạng của ít nhất 2 người.Theo các nhà khí tượng học và các chuyên gia về đất đai, từ bang Kansas đến Wisconsin (Mỹ), những cơn gió này có thể đạt đến vận tốc 169 km/h, thổi bay lớp đất mặt nông nghiệp và khiến cả vùng Trung Tây nước này chìm trong bão bụi.

Những người nông dân cho biết, bão bụi khiến họ nhớ tới Dust Bowl - sự kiện Cơn bão Đen - xảy ra vào những năm 1930, khi những đồng cỏ của khu vực Bắc Mỹ ngập trong những cơn bão bụi, lốc cuốn.

Tin tức môi trường 24h: WWF-Na Uy tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý rác thải nhựa - Ảnh 5
Hình ảnh hệ thống tưới tiêu ở trung tâm Nebraska sau khi bị gió lớn phá hủy. (Ảnh: Báo TN&MT)

Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, một người đã thiệt mạng do cây đổ ở Sioux Falls, Nam Dakota. Trong khi đó, gió mạnh cũng khiến một người thiệt mạng do một thùng ngũ cốc rơi xuống ô tô của nạn nhân.

Ông Todd Heitkamp, ​​nhà khí tượng học tại Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ ở Sioux Falls, phía Nam bang Dakota nhận định: "Thiệt hại do bão bụi và gió mạnh rất lớn, nhưng đây chưa phải điểm kết thúc, thiệt hại có thể lớn hơn nhiều. Thiệt hại nặng nề nhất được ghi nhận ở bang Nebraska, Nam Dakota, bang Iowa và Minnesota”.

Khi gió mạnh dừng, một lớp đất đen dày đặc bám đầy các cánh tuabin, làm tắc rãnh thoát nước. Ngoài ra, theo một số nông dân, lớp đất trên cùng - lớp đất đóng vai trò rất quan trọng trong việc trồng trọt – tại các cánh đồng, đã bị cuốn bay.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h: WWF-Na Uy tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới