Thứ sáu, 22/11/2024 09:34 (GMT+7)
Thứ tư, 16/03/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 16/3

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời phiên chất tại phiên họp Thường vụ Quốc hội; Biển Đông có thể đón 10 - 12 cơn bão trong năm 2022; Thái Nguyên đóng cửa mỏ đất khai thác “bát nháo”... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay 16/3.

Bộ trưởng TN&MT trả lời phiên chất vấn về xử lý rác thải

Trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề chính sách, pháp lý quy định trách nhiệm xử lý rác thải đã có đầy đủ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị và người dân để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Bộ trưởng, chất thải rắn chôn lấp không hợp vệ sinh gây hệ lụy rất lớn cho môi trường, hơn nữa đây là tài nguyên nhưng chưa được tái chế sử dụng hiệu quả. Năm 2022, Bộ sẽ tổng kết đánh giá toàn bộ trung tâm xử lý chất thải, tình trạng môi trường hiện nay và công bố công nghệ để các địa phương lựa chọn công nghệ tái chế phù hợp. Quy trình từ thu gom đến xử lý cần công nghệ đồng bộ.

"Trách nhiệm của người dân rất quan trọng và việc này cũng cần xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ thêm, và sau này trở thành ngành công nghiệp dịch vụ xử lý rác thải, có những ưu tiên, ưu đãi".

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 16/3 - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các vấn đề về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Riêng chất thải liên quan đến Covid-19, theo Bộ trưởng TN&MT, Bộ xác định từ đầu đây là chất thải nguy hại, cần quy trình xử lý đặc biệt. Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn, Bộ TN&MT xác định đối tượng, phương pháp thu gom, cung cấp cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực xử lý...

Biển Đông có thể đón 10 - 12 cơn bão trong năm 2022

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, mùa bão năm 2022, có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình hàng năm. Dự báo, từ nay đến khoảng nửa đầu tháng 6/2022, ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông; giai đoạn tháng 7 - 8/2022, bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong những tháng 8 - 9/2022.

Bên cạnh đó, số lượng bão và ATNĐ trong năm 2022 có khoảng 10-12 bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông (trung bình 12 - 14 bão/ATNĐ), và có khoảng từ 4 - 6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2022.

Nhận định về hiện tượng ENSO, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, xu thế nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục trong pha lạnh và hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến khoảng tháng 5/2022, với xác suất khoảng 65 - 70%, sau đó, sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính từ khoảng nửa cuối năm 2022.

Trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4 - 5/2022) cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, nhiệt độ trung bình trong các tháng 4/2022 trên cả nước phổ biến thấp hơn 0,5 - 1,0 độ C so với TBNN cùng thời kỳ. Từ tháng 5 - 8/2022 nhiệt độ trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ, riêng tháng 7-8/2022 ở khu vực Trung Trung Bộ trở vào phía Nam ở mức cao hơn từ 0,5-1,0 độ C.

Tháng 9/2022, nhiệt độ trên cả nước phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với cùng thời kỳ. Nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện tương đương với TBNN, nhưng không gay gắt và kéo dài.

Vietnam Airlines kiến nghị miễn thuế môi trường từ ngày ¼

Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Nếu được áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 16/3 - Ảnh 2
Vietnam Airlines kiến nghị áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022.

Hãng cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép các hãng bay triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa. Vietnam Airlines cho rằng theo thông lệ quốc tế, trước đây, khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán nhằm bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao. Đây là các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không trong bối cảnh giá nhiên liệu bay tăng mạnh.

Vietnam Airlines cho biết, việc giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình đầu tháng 3 đạt trên 130 USD một thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của hãng tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD mỗi thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng. Nếu giá lên khoảng 160 USD mỗi thùng, chi phí sẽ tăng đến 9.120 tỷ đồng, càng làm trầm trọng hơn mức lỗ mà hãng dự kiến trong năm nay.

Trong khi đó, mạng bay quốc tế thường lệ đi và đến Việt Nam "đóng băng" trong cả năm 2021. Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Vietnam Airlines là nghiêm trọng nhất, nhiều thời điểm hầu như không có chuyến bay, sản lượng vận chuyển hành khách bằng 27% so với 2019.

Thái Nguyên đóng cửa mỏ đất khai thác “bát nháo”

Ngày 16/3, lãnh đạo huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), Sở TN&MT Thái Nguyên đã chỉ đạo ngăn chặn khai thác trái phép, yêu cầu đóng cửa, phục hồi môi trường mỏ đất Núi Lầm và Núi Hiếu.

Sau khi được phản ánh, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình Nguyễn Thị Loan đã chỉ đạo Công an huyện, Phòng TN&MT huyện, UBND xã Điềm Thụy tiến hành kiểm tra, yêu cầu Công ty Cổ phần Leadertec Việt Nam dừng ngay các hoạt động khai thác mỏ đất Núi Lầm và Núi Hiếu. Đồng thời, giao các cơ quan này thường xuyên kiểm tra, giám sát mỏ đất, nếu phát hiện hành vi khai thác sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.  

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 16/3 - Ảnh 3
Mỏ đất Núi Lầm và Núi Hiếu đang bị khai thác rầm rộ dù đã hết hạn thời gian cấp phép khai thác mỏ. (Ảnh: Nhân Dân)

Được biết, mặc dù chưa hoàn thiện nhiều thủ tục về khai thác khoáng sản, đặc biệt là đã hết thời gian cấp phép khai thác mỏ, nhưng Công ty cổ phần Leadertec Việt Nam vẫn ngang nhiên khai thác mỏ đất Núi Lầm và Núi Hiếu ở xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình một cách rầm rộ. Những sai phạm tại mỏ đất này đã diễn ra thời gian dài, nhưng không được xử lý, ngăn chặn triệt để.

Cách đây không lâu, Núi Lầm vẫn là một rừng cây xanh tốt, thế nhưng đến nay đã trở nên trọc lốc, bị đào, bạt chung quanh, tiếng máy xúc, ô tô ra, vào gần rú suốt ngày, cho thấy quy mô khai thác rất lớn dù đã hết hạn. Với cường độ như vậy, không lâu nữa Núi Lầm sẽ bị khai thác bình địa.

Giấy phép khai thác ghi rõ, mỏ Núi Lầm chỉ được phép khai thác lộ thiên đến mức dương (+) 20m, nhưng tại một số vị trí bị khai thác sâu như cái ao, nhiều phía thành gần như thẳng đứng, nước đọng đến lưng chừng, người dân cạnh mỏ lo ngại có thể gây tai nạn cho trẻ em, gia súc.

Bên cạnh đó, trong suốt 3 năm qua, nhiều khu vực tại mỏ đất này không được làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, thuê đất, nhưng Công ty cổ phần Leadertec Việt Nam vẫn tiến hành khai thác, thậm chí khai thác ngoài chỉ giới.

Xử phạt hơn 180 triệu đồng doanh nghiệp Đà Nẵng xả thải vượt quy chuẩn

Ngày 16/3, UBND TP.Đà Nẵng cho biết: Chủ tịch UBND TP vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV chế biến thực phẩm Đà Nẵng (khối Đà Sơn, phường Khánh Nam, quận Liên Chiểu) số tiền hơn 180 triệu đồng.

Trước đó, cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng đã tiến hành đo đạc và phân tích mẫu nước thải tại dự án Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm của công ty. Kết quả, nước xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 đến 5 lần. Cụ thể công ty đã xả nước thải chứa coliform vượt quy chuẩn 3 lần với lưu lượng nước thải 35m3/ngày. Hành vi này bị phạt 150 triệu đồng.

Ngoài ra, công ty này còn bị phạt tăng thêm 30 triệu đồng vì xả nước thải có chứa photpho tổng vượt quy chuẩn gấp 1,85 lần và buộc phải chi trả kinh phí đo đạc và phân tích mẫu nước thải với số tiền 2,877 triệu đồng. Tổng mức tiền phạt các hành vi vi phạm hành chính là 182,877 triệu đồng.

Cùng với số tiền phạt, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng buộc công ty rà soát, cải tạo công trình xử lý nước thải tại trung tâm chế biến gia súc, gia cầm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả về thanh tra sở TN&MT để theo dõi.

Phú Yên; Phá rừng phòng hộ đầu nguồn, khởi tố thêm 3 đối tượng 

Ngày 16/3, lãnh đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên cho biết, liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương, Tiểu khu 162, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa được phóng viên Thông tấn xã Việt Nam điều tra, phản ánh trong tháng 8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã quyết định khởi tố bị can thêm 3 đối tượng. 

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 16/3 - Ảnh 4
Rừng phòng hộ khu vực suối Sổ, suối Cheo Reo, thôn Tân Thành, xã Sơn Hội (Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) bị chặt phá. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, ba đối tượng gồm Lê Ngọc Hòa, Nguyễn Ngọc Dung và Ngô Hoàng Hải (cùng trú tại thôn Tân Hội, xã Sơn Hội) với tội danh "Hủy hoại rừng," theo điểm B, khoản 1, Điều 243 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 31/8/2021, phóng viên đã phản ánh tình trạng các cánh rừng tự nhiên, có chức năng phòng hộ ở đầu nguồn sông Trà Bương, Tiểu khu 162, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa bị tàn phá để lấn chiếm đất trồng keo.

Đến ngày 16/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Hòa đã khởi tố vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại Tiểu khu 162, thôn Tân Thành, xã Sơn Hội. Qua điều tra ban đầu cơ quan chức năng xác định rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá có diện tích khoảng 30.000 m2.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 16/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.