Thứ tư, 24/04/2024 16:48 (GMT+7)
Thứ ba, 15/03/2022 20:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật trong ngày 15/3

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh mới; ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm nếu không dừng khai thác nước ngầm; Thiên tai “cuốn bay” gần 700 tỷ đồng của Nghệ An... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay 15/3.

Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh mới

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn, từ nay tới ngày 21/3, các tỉnh, thành miền Bắc tiếp tục kiểu thời tiết có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù rải rác, trưa chiều hửng nắng; đêm trời lạnh.

Từ đêm 22/3, một đợt không khí lạnh dự kiến sẽ tràn xuống miền Bắc, trời chuyển rét kèm mưa.

Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ duy trì hình thái thời tiết ngày nắng. Riêng Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng chiều tối có mưa dông, đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ ngày 21/3 - 10/4, không khí lạnh có xu hướng hoạt động trở lại. Nhiệt độ trên cả nước có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhất là khu vực phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế thấp hơn từ 1 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. 

ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm nếu không dừng khai thác nước ngầm

Một báo cáo nghiên cứu thuộc Dự án GEMMES Việt Nam vừa công bố cho biết, nếu biến đổi khí hậu không được ngăn chặn, nhiệt độ cao nhất về mùa tại Việt Nam có thể tăng thêm 6 độ C, lên tới mức nhiệt độ 45 độ C, sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng cho con người và môi trường. Hơn nữa, việc khai thác nước ngầm không giới hạn sẽ nhấn chìm ĐBSCL trong vài thập kỷ tới…

Tin tức môi trường 24h nổi bật trong ngày 15/3 - Ảnh 1
Chuyên gia cảnh báo việc khai thác nước ngầm không giới hạn sẽ nhấn chìm ĐBSCL trong vài thập kỷ tới. (Ảnh: Báo Chính phủ)

"Nếu trước đây, 35 độ C được coi là một mức nhiệt độ cao, thì trong tương lai, nó sẽ trở thành mức bình thường với sự xuất hiện của các mức nhiệt mới cao hơn, có thể lên tới 45 độ C vào mùa hè ở miền Bắc" - PGS.TS Ngô Đức Thành, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhận định.

Bên cạnh đó, nếu các cam kết của Hiệp định Khí hậu Paris vẫn được duy trì, Việt Nam sẽ trải qua mức tăng nhiệt trung bình là 1,3 độ C trong vào cuối thế kỷ 21. Nhưng nếu những cam kết của Hiệp định Khí hậu Paris không được thực hiện, phát thải khí nhà kính tiếp tục ở mức cao, thì nguy cơ nhiệt độ sẽ tăng mạnh, nhiệt độ cao nhất về mùa tại Việt Nam có thể tăng thêm 6 độ C.

PGS.TS Ngô Đức Thành cũng cảnh báo hiểm họa nguy cơ sụt lún ở ĐBSCL. Theo đó, ĐBSCL là nơi có tiềm năng nước ngầm lớn nhất nước ta. Với 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố nước ngầm từ vài chục mét đến 500 - 600m, các khu vực tiềm năng nguồn nước ngọt lớn phân bố ở các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ.

Tuy nhiên, nước ngầm ở khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng khai thác quá mức, khiếm mực nước hạ thấp sâu và bị xâm nhập mặn, đe dọa an ninh nguồn nước.

“Hiện nay tốc độ sụt lún gia tăng (nhiều nơi trên 50 mm/năm) lớn hơn nhiều so với mực nước biển dâng (3-4 mm/năm).Ngoài một phần sụt lún do tự nhiên (không thể tránh), thì phần lớn nguyên nhân sụt lún đất là là do con người gây ra do khai thác nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm không giới hạn sẽ nhấn chìm ĐBSCL trong vài thập kỷ tới”, PGS.TS Thành cảnh báo.

Thiên tai “cuốn bay” gần 700 tỷ đồng của Nghệ An

Sáng nay 15/3, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho biết, năm 2021, thiên tai, lũ lụt khiến địa phương tổn thất gần 700 tỷ đồng.

Tin tức môi trường 24h nổi bật trong ngày 15/3 - Ảnh 2
Thiên tai “cuốn bay” gần 700 tỷ đồng của Nghệ An. (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Năm 2021 thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Nghệ An, làm 6 người chết; 4 người bị thương; 17 nhà bị sập; 22 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 337 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 3.934 nhà bị ngập; 812 hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất... Ước tính thiệt hại về kinh tế gần 700 tỷ đồng. 

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 56 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển làm 23 người chết, mất tích 7 người, bị thương 2 người, 4 phương tiện bị cháy hoàn toàn, 11 phương tiện và 3 bè mảng bị chìm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, thời gian tới, công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Các ngành, địa phương cần tăng cường công tác tập huấn, diễn tập công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra chuẩn bị ở mọi cấp theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc bảo đảm kịp thời, chính xác. Thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, quản lý tàu thuyền và thông tin 2 chiều trên biển... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Vòng đàm phán cuối cùng về một hiệp ước đa dạng sinh học toàn cầu

Ngày 14/3, đại diện của 164 nước thành viên Liên hợp quốc đã có mặt ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ để tiến hành vòng đàm phán cuối cùng về một hiệp ước đầy tham vọng nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự thu hẹp môi trường sống của các loài động vật nguy cấp.

Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua các nhà đàm phán nhóm họp trực tiếp. Vòng đàm phán được coi là cơ hội cuối cùng để các bên thảo luận chi tiết về “khung đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020”, với mục tiêu bảo vệ các loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tin tức môi trường 24h nổi bật trong ngày 15/3 - Ảnh 3
Vòng đàm phán được coi là cơ hội cuối cùng để các bên thảo luận chi tiết về “khung đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020”.

Theo đó, tâm điểm của các cuộc đàm phán là lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc thúc giục các quốc gia cam kết đưa 30% lãnh thổ của mình vào diện bảo tồn vào năm 2030.

Bên cạnh đó, các nhà đàm phán sẽ hướng tới việc tăng cường ngân sách cho các khu bảo tồn, cũng như thúc đẩy cải cách trợ cấp nông nghiệp - vốn được coi là nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học.

4.481 hồ ao tại 26 tỉnh, thành phố vào danh mục không được san lấp

Thông tin từ đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tính đến nay cả nước mới có 21/63 tỉnh, thành phố lập danh mục “hồ ao không được san lấp” với 4.481 hồ, ao đầm. Trong đó, có 3.049 hồ; 1.307 ao; 122 đầm và 3 hồ ao là di tích lịch sử.

Việc lập danh mục hồ ao không được san lấp nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn; xây dựng quy định quản lý, khai thác, sử dụng đối với các hồ, ao, đầm có giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…

Tin tức môi trường 24h nổi bật trong ngày 15/3 - Ảnh 4
 Tính đến nay cả nước hiện có 21/63 tỉnh, thành phố lập danh mục “hồ ao không được san lấp” với 4.481 hồ, ao đầm. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố đã lập danh mục hồ ao không được san lấp và công bố công khai, gửi thông tin về Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: Lào Cai, Hà Giang, An Giang, Trà Vinh, Gia Lai, Vĩnh Long, Kon Tum, Sóc Trăng, Tây Ninh, Kiên Giang...

Được biết, trong thời gian qua, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chủ động chỉ đạo các sở, ban ngành trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn các lưu vực sông và các tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng nhiều hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt trong mùa mưa; gây mất an toàn trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt và các mục đích sử dụng nước thiết yếu trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô…

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật trong ngày 15/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới