Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 14/3
Điện Biên xảy ra động đất 4,5 gây rung lắc mạnh; IPU 144 hướng tới mức phát thải ròng bằng 0; Người dân Lâm Đồng bị khí độc “tra tấn” từ nhà máy rác chậm tiến độ... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay 14/3.
Điện Biên xảy ra động đất 4,5 gây rung lắc mạnh
Khoảng 9 giờ 22 phút sáng 14/3/2022, tại xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, (tỉnh Điện Biên) xảy ra một trận động đất mạnh với cường độ 4,5 độ richter.
Theo số liệu từ Trạm quan sát địa chấn thành phố Điện Biên Phủ (thuộc Viện Vật lý địa cầu), trận động đất xảy ra chính xác vào thời gian 9 giờ 22 phút 36 giây (giờ Hà Nội), tại vị trí có tọa độ: 21,123 độ Vĩ Bắc; 103,184 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu 13,2km; thời gian rung lắc kéo dài từ 2-3 giây.
Đây là trận động đất thứ nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong năm 2022. Vị trí xảy ra động đất được xác định tại khu vực các xã phía Đông Nam thuộc xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông (cách trung tâm TP.Điện Biên Phủ khoảng 35km.
Theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Nguyễn Xuân Anh, trận động đất lần này có độ lớn 4.5 và mức độ rủi ro thiên tai tại tâm chấn đạt mức 2 nên người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.
Theo số liệu ghi nhận, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã từng xảy ra ba trận động đất rất lớn, kỷ lục vào các năm: Năm 1935, xảy ra trận động đất có độ lớn là 6.9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên; năm 1983, xảy ra trận động đất với độ lớn 6,7 độ richter, tại thị trấn Tuần Giáo và năm 2001, xảy ra trận động đất có độ lớn 5.3 độ richter, tại thành phố Điện Biên Phủ.
Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông: Bảo vệ "mạch nguồn" xanh
Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông 14/3 là ngày dành riêng cho sự đoàn kết - khi các cộng đồng đa dạng trên toàn thế giới cùng chung một tiếng nói để nhấn mạnh vai trò của các dòng sông vô cùng quan trọng.
Cộng đồng trên thế giới cần được tiếp cận với nước sạch và đã đến lúc cần phải bảo vệ những dòng sông để đảm bảo "mạch nguồn" xanh hơn bao giờ hết. Do đó, Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông năm 2022 đã nêu bật tầm quan trọng của các dòng sông đối với đa dạng sinh học bởi các con sông là chìa khóa để khôi phục và duy trì đa dạng sinh học của thế giới.
Các hệ thống sông là khu vực có sự đa dạng sinh học cao nhất trên trái đất và cũng là nơi có hoạt động mạnh nhất của con người.
Để giải quyết vấn đề này các quốc gia cần hành động khẩn trương, quyết liệt, trên tinh thần cùng chung tay nỗ lực xây dựng, thực hiện các chính sách, kế hoạch và sáng kiến ngăn chặn sự suy thoái hệ sinh thái vì tương lai của toàn thể nhân loại.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thượng Hiền, Luật Bảo vệ Môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 có những quy định cụ thể giúp kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học tốt hơn.
IPU 144 hướng tới mức phát thải ròng bằng 0
Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 144 (IPU 144) và các hội nghị liên quan sẽ diễn tại Nusa Dua, Bali vào ngày 20-24 tháng 3 năm 2022.
Chủ đề của Đại hội đồng năm nay là “Hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 - Vận động Nghị viện hành động chống biến đổi khí hậu.”
Tất cả các cơ quan theo luật định của IPU, bao gồm Hội đồng quản trị, Ủy ban thường vụ, Ủy ban về quyền con người, Diễn đàn của các nữ nghị sỹ và Diễn đàn của các nghị sĩ trẻ sẽ được triệu tập tham dự Hội nghị này.
Các phiên thảo luận chung là diễn đàn để các đại biểu thảo luận, trao đổi quan điểm và tìm cách thúc đẩy hành động của quốc hội để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Trong số các cuộc khủng hoảng mà các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, đặc biệt đối với nền kinh tế, đáng chú ý có đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, năng lượng, bình đẳng và công lý và các vấn đề nhân đạo.
Đại hội đồng IPU 143 được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha, vào tháng 11/2021 với sự tham dự của khoảng 1.200 đại biểu từ 179 quốc gia
Người dân Lâm Đồng vẫn bị khí độc “tra tấn” từ nhà máy rác chậm tiến độ
Cam kết đầu năm 2022 đưa vào hoạt động nhà máy rác thải, tuy nhiên hết Quý I, người dân 2 huyện Lâm Hà và Đức Trọng vẫn hít khói độc từ bãi rác.
Được biết, bãi chứa chất thải rắn huyện Lâm Hà rộng khoảng 4ha, nằm trên địa bàn tổ dân phố Xoan (thị trấn Đinh Văn). Từ đầu năm đến nay, bãi rác bén lửa bốc cháy, lúc âm ỉ, khi bùng lên thành vệt lửa dài, những cột khói đen bốc lên nghi ngút kèm mùi hôi khó chịu lan ra khu vực xung quanh. Số hộ bị ảnh hưởng lên đến khoảng 400, thuộc các tổ dân phố Xoan, Đoàn Kết, Gia Thạnh, Tân Tiến, An Lạc (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) và thôn Kim Phát (xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng).
Tuy độc hại là vậy, nhưng có đến hàng chục người dân đang bới rác để nhặt những đồ phế phẩm để bán. Điều đáng nói, bãi rác này tại địa điểm giáp hai huyện Lâm Hà và Đức Trọng, có đến hàng trăm gia đình thường xuyên hít khói độc từ bãi rác thải ra, mỗi khi bãi rác được đốt cháy.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Lâm (đơn vị quản lý bãi rác), nguyên nhân là do người nhặt ve chai đốt rác để dễ dàng thu nhặt sắt vụn. Đám cháy lan rộng dần, dẫn tới mất kiểm soát. Trong khi một số người đang nhặt phế liệu cho rằng người của đơn vị quản lý bãi rác tự châm lửa đốt để không phải thực hiện các biện pháp chôn lấp chất thải theo quy định.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tài Phương, hiện giữ chức Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Hà cho biết: “Kế hoạch dự án được đăng ký bắt đầu hoạt động xử lý rác thải vào tháng 2/2022. Dự án thi công đúng tiến độ. Tuy nhiên sau những ngày nghỉ tết hầu hết cán bộ, nhân viên nhà đầu tư, đơn vị thi công về nghỉ tại miền Bắc bị dương tính Covid-19 nên đầu năm 2022 bị chậm tiến độ. Đơn vị đầu tư dự án nhà máy rác thải xin lùi ngày bắt đầu hoạt động vào tháng 4/2022”.
Dự báo xâm nhập mặn có xu thế tăng cao theo kỳ triều cường
Thông tin từ Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) dự báo trong tuần này, xâm nhập mặn có xu thế tăng cao theo kỳ triều.
Hiện tại, xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi từ 35-45 km từ cửa biển vào trong các ngày triều cường. Tuy nhiên, nguồn nước hiện vẫn đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trước dự báo trong tháng Ba này dự báo là tháng cao điểm xâm nhập mặn trong mùa khô 2021-2022. Do vậy, để chủ động ứng phó, không để thiên tai gây hại cho sản xuất và đời sống, tỉnh Tiền Giang tiếp tục theo dõi sát diễn biến xâm nhập mặn trên các tuyến sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông để vận hành hệ thống các cống đập ngăn mặn một cách hợp lý, hiệu quả. Cùng đó, tập trung ra quân làm thủy lợi nội đồng, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy đưa nước ngọt đến từng chân ruộng.
Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm nay ở mức tương đương với năm 2020-2021. Xâm nhập mặn trong tháng Ba vẫn còn ở mức cao, có thể diễn biến bất thường, nguy hiểm ở bất cứ thời điểm nào do phụ thuộc vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn.
Để chủ động giảm thiểu các thiệt hại do hạn mặn gây ra, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng nhất là vùng cách biển từ 35-45 km. Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2022 xong, các địa phương phải chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc chờ mưa diện rộng mới xuống giống vụ Hè Thu.
Lan Anh (T/h)