Thứ sáu, 22/11/2024 21:10 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/03/2022 20:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h ngày 11/3

Theo dõi KTMT trên

Quảng Nam xảy ra 2 trận động đất chỉ trong 20 phút; Xử phạt nhiều cá nhân, tổ chức tại 'điểm nóng' Văn Môn (Bắc Ninh); Phát huy vai trò giảm phát thải của rừng ven biển... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay (11/3).

Chỉ trong 20 phút, Quảng Nam xảy ra 2 trận động đất

Theo đó, sáng cùng ngày (11/3), huyện miền núi Bắc Trà My xảy ra hai trận động đất liên tiếp, cách nhau khoảng 20 phút. Đây là những trận động đất kích thích, độ lớn nhỏ, cấp độ rủi ro thiên tai là 0. 

Cụ thể, trận động đất thứ nhất xảy ra lúc 1 giờ 48 phút 39 giây tại vị trí có tọa độ 15,242 độ vĩ Bắc, 108,274 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,3 km; độ lớn 2,9 độ Richter.

Trận động đất thứ hai xảy ra lúc 2 giờ 7 phút 16 giây tại vị trí có tọa độ 15,244 độ vĩ Bắc, 108,230 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km; độ lớn 2,7 độ Richter.

Tin tức môi trường 24h ngày 11/3 - Ảnh 1
Bản đồ tâm chấn trận động đất thứ nhất. (Ảnh: PLO)

Nhiều người dân vùng núi Bắc Trà My cho hay họ cảm nhận được sự rung lắc do dư chấn động đất. Được biết, huyện Bắc Trà My thường xuyên xảy ra động đất với cường độ nhẹ.

Bắc Ninh: Phạt hơn 1 tỷ đồng do vi phạm xử lý chất thải nguy hại

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 cá nhân, 1 doanh nghiệp tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh do liên quan đến hoạt động vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại khi không có giấy phép, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Cụ thể, xử phạt Công ty TNHH Đại Niên, thôn Quan Độ, xã Văn Môn do ông Nghiêm Xuân Nhiệm làm Giám đốc số tiền 400 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Phù Xá, xã Văn Môn 200 triệu đồng; ông Nghiêm Xuân Mộc, thôn Quan Đình, xã Văn Môn 200 triệu đồng do các cá nhân, tổ chức trên đã đã thực hiện hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, do xử lý chất thải nguy hại khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định, vào ngày 14/12/2021.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng xử phạt ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Quan Độ, xã Văn Môn, số tiền 225 triệu đồng do ngày 14/1 vừa qua, ông Hùng đã có hành vi vận chuyển chất thải nguy hại khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Các cơ sở trên phải chịu áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thời gian 9 tháng kể từ ngày nhận được quyết định.

Đồng thời, trong vòng 20 ngày buộc phải chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng xử lý do hành vi vi phạm gây ra; đồng thời buộc chi trả kinh phí kiểm định, phân tích mẫu chất thải theo định mức, đơn giá hiện hành.

Quảng Ninh: Khai thác cát trái phép, CTCP VLXD tổng hợp Đức Cường bị phạt 140 triệu đồng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ra quyết định xử phạt 140 triệu đồng đối với Công ty CP VLXD tổng hợp Đức Cường, trụ sở tại phường Kim Sơn, TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh về hành vi khai thác cát, sỏi trái phép.

Tin tức môi trường 24h ngày 11/3 - Ảnh 2
Công ty CP VLXD tổng hợp Đức Cường tàng trữ hơn 1.000 m3 cát san lấp không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. (Ảnh: Báo TN&MT)

Trước đó, vào hồi 9 giờ ngày 16/2, tại khu cụm cảng Công nghiệp Kim Sơn, phường Kim Sơn, TX.Đông Triều, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an TX.Đông Triều kiểm tra tàu HD - 1620, tải trọng 730 tấn do ông Vũ Bá Tâm, 36 tuổi, trú tại xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương là thuyền trưởng, đang vận chuyển hơn 50 m3 cát san lấp bốc xúc từ bãi tập kết của Công ty CP VLXD tổng hợp Đức Cường xuống tàu bằng máy xúc.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Vũ Bá Tâm không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đối với số cát nêu trên.

Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh và kết quả giám định cho thấy Công ty CP VLXD tổng hợp Đức Cường có hành vi tàng trữ hơn 1.000 m3 cát san lấp tại khu cụm cảng Công nghiệp Kim Sơn không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Phát huy vai trò giảm phát thải của rừng ven biển

Theo Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, diện tích rừng ven biển tuy khá nhỏ (chiếm 2% tổng diện tích rừng), nhưng tiềm năng giảm phát thải là khoảng 7% tổng lượng giảm phát thải quốc gia. Các giải pháp giảm nhẹ cần tập trung vào bảo vệ diện tích rừng hiện có, tránh mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao trữ lượng carbon rừng và cần ưu tiên vùng có rừng ngập mặn phân bố lớn.

Đánh giá về kết quả thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 – 2020, thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, cả nước đã thực hiện 140 dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển từ nhiều chương trình, nguồn vốn khác nhau. Qua đó, đã bảo vệ được 295.164 ha rừng ven biển, phát triển rừng với tổng diện tích trồng 22.390 ha; trồng 4 triệu cây phân tán.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển hiện còn rất nhiều vướng mắc. Cụ thể, quỹ đất dành cho trồng rừng ven biển bị thu hẹp vì nhiều nguyên nhận; tình trạng xâm lấn, phá rừng để nuôi thủy sản, chuyển đổi mô hình canh tác khác diễn ra tại nhiều địa phương; thiếu vốn đầu tư trồng rừng ven biển; các mô hình phát triển sinh kế cho người dân mới chỉ ở mức mô hình, cần làm sao để phát triển bền vững và nhân rộng ra tại nhiều địa phương…

Đồng thời, tiến độ và kết quả trồng rừng ven biển một số nơi còn hạn chế. Nguyên nhân do vẫn còn tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, tình trạng đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp. Trong chi trả dịch vụ môi trường rừng cho rừng ven biển, các địa phương gặp khó khăn trong xác định phạm vi và đối tượng chi trả, mức chi trả và các cơ chế chi trả. Điều này làm hạn chế nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ rừng ven biển.

Tin tức môi trường 24h ngày 11/3 - Ảnh 3
Từ 2015-2020, cả nước đã thực hiện 140 dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển từ nhiều chương trình, nguồn vốn khác nhau.

Do đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho rằng, để triển khai tốt Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của rừng ven biển. Cùng với đó, triển khai hài hòa lợi ích của quốc gia, các hộ gia đình… trong bảo vệ rừng ven biển; nâng cao chuỗi giá trị, chuỗi sinh kế để đảm bảo lợi ích của người dân và Nhà nước.

Colombia khởi động kế hoạch năng lượng gió ngoài khơi

Theo Bộ Năng lượng Colombia, phát triển năng lượng gió ngoài khơi có thể mang lại khoảng 27 tỷ USD đầu tư vào năm 2050. Theo ông Mesa, Colombia có tiềm năng phát điện 50GW (gigawatt) với các dự án ngoài khơi, gần gấp 3 lần công suất lắp đặt hiện tại của cả nước, là 17,7 GW.

Tại Hội nghị CERAWeek ở Houston (Mỹ) diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Colombia Diego Mesa đã đưa ra các kế hoạch của đất nước về năng lượng gió ngoài khơi, trong khi một thỏa thuận phát triển dự án gió đầu tiên đã được ký kết.

Theo đó, dự án được phát triển gần Barranquilla, thủ phủ của tỉnh Atlantico của Colombia, dự kiến có công suất lắp đặt 350 Megawatt (MW) và có thể mang lại khoản đầu tư lên tới 1 tỷ USD.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h ngày 11/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới