Thứ ba, 26/11/2024 12:18 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/03/2022 17:00 (GMT+7)

Giảm thuế hạ nhiệt giá xăng: Đừng quên nghĩa vụ với môi trường

Theo dõi KTMT trên

"Chúng ta đang bị tập trung quá nhiều vào mục tiêu kinh tế mà quên mất rằng, câu chuyện bảo vệ môi trường còn nóng hơn cả câu chuyện giá xăng dầu", PGS.TS Lê Cao Đoàn.

Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Bộ này đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Như vậy, thay vì chỉ giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít với dầu như phương án đưa ra ban đầu, Bộ Tài chính đã nâng mức giảm thuế bảo vệ môi trường sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Công thương và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Theo kịch bản Nghị quyết trên có hiệu lực từ đầu tháng 4 đến hết năm nay, ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 23.954 tỷ đồng (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng).

Câu chuyện môi trường

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS. TS Lê Cao Đoàn - Chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế trước việc giá dầu tăng phi mã trong thời gian vừa qua. Việc giá xăng tăng lên gần 30.000 đồng/lít sau phiên điều chỉnh chiều 11/3 thì việc giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường sẽ không mang nhiều ý nghĩa.

"Câu chuyện giá xăng ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát, phục hồi nền kinh tế, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã đề cập đến. Theo tôi, nên tôn trọng quy luật của thị trường, bởi lẽ giá xăng dầu tăng là do những nguyên nhân khách quan, như tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine, phương Tây và lạm phát toàn cầu.

Chúng ta đang bị tập trung quá nhiều vào mục tiêu kinh tế mà quên mất rằng, câu chuyện bảo vệ môi trường còn nóng hơn cả câu chuyện giá xăng dầu. Giảm thuế bảo vệ môi trường không khác gì một động thái khuyến khích người dân sử dụng xăng dầu trong khi toàn thế giới đang hướng đến năng lượng sạch. Tôi cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu là không ổn, nó khiến người ta lãng quên hoặc giảm nhẹ ý thức bảo vệ môi trường", ông Đoàn nhấn mạnh.

Giảm thuế hạ nhiệt giá xăng: Đừng quên nghĩa vụ với môi trường - Ảnh 1
Người dân chen nhau mua xăng trước khi Bộ Công thương điều chỉnh giá xăng chiều 11/3. Ảnh: Long Nguyễn

Trước đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng bày tỏ sự trăn trở về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Theo ông Thịnh, công thức giá bán lẻ xăng, dầu trong nước đã được kết cấu theo giá thế giới, giá dầu thế giới tăng sẽ làm giá xăng, dầu trong nước tăng theo. Diễn biến giá dầu thế giới tác động mạnh đến giá bán lẻ xăng, dầu trong nước là điều khó tránh khỏi.

Mặt khác, giảm thuế đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước sẽ giảm thu (khoảng 23.954 tỷ đồng), nó sẽ tác động không nhỏ đến những chính sách phục hồi nền kinh tế hậu Covid -19.

Giảm nguồn thu mang tính tỷ lệ

Cùng chia sẻ quan điểm với Tạp chính Kinh tế môi trường về vấn đề này, TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng nhận định, thuế không phải là con số tuyệt đối mà là con số tỷ lệ gắn liền với giá xăng dầu. Do đó khi giá xăng dầu thế giới tăng đột biến thì số lượng thuế thu được từ mặt hàng này cũng tăng đột biến theo.

"Trong khi việc thu ngân sách được lên kế hoạch cụ thể hàng năm, ví dụ năm nay kế hoạch thu thuế từ xăng dầu là 5.000 tỷ nhưng vì giá xăng dầu tăng đột biến nên thuế thu được từ nguồn này cũng tăng lên 7 - 8000 tỷ.

Ở khía cạnh khác, việc tăng giá xăng dầu sẽ làm cho nền kinh tế và các hoạt động khác gặp khó khăn khiến các nguồn thu khác bị giảm theo.

Việc đầu tiên hết là khi loại hàng hóa nào tăng một cách bất thường không do lỗi chủ quan mà do khách quan thì Chính phủ phải nhanh chóng tìm cách giảm về mức hợp lý để tránh khó khăn cho nền kinh tế", ông Hiển nêu rõ.

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, cần giảm các nguồn thu khác có tính tỷ lệ. Bởi khi giá xăng dầu tăng mà vẫn tính theo tỷ lệ thì kéo theo tăng nguồn thu, sự tăng đó là không hợp lý.

"Tất cả những khoản tăng vượt hơn số kế hoạch ngân sách của năm nay do giá xăng dầu thế giới tăng đột biến thì cần được điều chỉnh giảm hết bởi vì khi gắn vào giá xăng dầu gián tiếp làm nền kinh tế gặp khó khăn thì cần chấp nhận có sự hi sinh", vị chuyên gia kinh tế phân tích.

Giảm thuế hạ nhiệt giá xăng: Đừng quên nghĩa vụ với môi trường - Ảnh 2
TS. Đinh Thế Hiển

Nhiều ý kiến đề xuất, do giá dầu thế giới biến động từng ngày, việc thực hiện điều chỉnh giá xăng tối đa 3 lần/tháng là chưa thật linh hoạt, trong bối cảnh hiện nay nên điều chỉnh giá trong vòng 5 ngày làm việc.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, công thức tính giá xăng sẽ có công thức thông thường trong giai đoạn ổn định và công thức trong giai đoạn biến đổi. Rõ ràng, giá xăng dầu lúc này đang trong giai đoạn biến động, nên nhiều người cũng mong muốn điều chỉnh giá trong 5 ngày để phù hợp với đà lên xuống của thế giới, ngoài ra còn có tác dụng hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi.

"Tuy nhiên, nếu chúng ta theo dõi giá xăng giữa 5 ngày và 10 ngày thì chênh lệch không quá cao. Điều mà chúng ra cần quan tâm đó là cơ quan quản lý cần nắm chắc được số lượng hàng tồn kho tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước trước mỗi lần điều chỉnh giá, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực. 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần mà làm việc nghiêm túc, thông tin rõ ràng, công khai minh bạch thì cũng không cần thiết phải điều chỉnh trong 5 ngày làm việc", TS. Hiển nói.

Chiều 11/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít.

Như vậy, đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 6 trong hơn 2 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành này là mức tăng mạnh nhất của giá mặt hàng này từ trước đến nay. Hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Giảm thuế hạ nhiệt giá xăng: Đừng quên nghĩa vụ với môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới