Thứ năm, 25/04/2024 07:40 (GMT+7)
Thứ năm, 10/03/2022 08:00 (GMT+7)

Kịch bản giá xăng lên 30.000 đồng/lít: "Cú sốc" lớn cho nền kinh tế?

Theo dõi KTMT trên

Với kịch bản giá xăng lên đến 30.000 đồng/lít sẽ là "cú sốc" đối với nền kinh tế Việt Nam. Nó không chỉ đe dọa tới mục tiêu kiểm soát lạm phát mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phục hồi nền kinh tế.

Ngày 9/3, giá xăng RON 95 đã tiến sát ngưỡng lịch sử 27.000 đồng/lít sau 6 lần tăng giá kể từ cuối tháng 12/2021. Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nguồn cung trong nước khan hiếm và giá dầu thế giới leo thang, giá xăng có thể lên tới 30.000 đồng/lít.

"Cú sốc" đối với nền kinh tế

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, GS.TS Đặng Đình Đào - Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, với kịch bản giá xăng lên đến 30.000 đồng/lít sẽ là "cú sốc" đối với nền kinh tế Việt Nam. Nó không chỉ đe dọa tới mục tiêu kiểm soát lạm phát mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phục hồi nền kinh tế.

"Việc giá xăng liên tục tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp, khi mà họ đang dần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo chủ trương của Chính phủ.

Giá dầu tăng kéo theo chỉ số giá tiêu dùng tăng, không chỉ gây ảnh hưởng đến mức thu nhập và chi tiêu của người dân mà quan trọng hơn là đẩy chỉ số giá sản xuất tăng cao trong tất cả các ngành kinh tế, bởi xăng dầu, đặc biệt là dầu diesel chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí đầu vào.

Nguy cơ giá cả hàng hóa tăng cao là điều có thể dự đoán được, từ đó lạm phát bắt đầu nhen nhóm trong đời sống người dân cũng như nền kinh tế", ông Đào phân tích.

Kịch bản giá xăng lên 30.000 đồng/lít: "Cú sốc" lớn cho nền kinh tế? - Ảnh 1
GS.TS Đặng Đình Đào

Từ những nguy cơ nói trên, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý cần nhanh chóng tìm ra giải pháp để điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp với mục tiêu phát triển của nền kinh tế.

Trước kia, Việt Nam phải nhập 100% xăng dầu từ nước ngoài, thế nhưng thời gian gần đây chúng ta đã tự chủ hơn về nguồn cung xăng dầu, bảo đảm sản xuất, tiêu thụ trong nước lên đến 70%. Đó chính là cơ sở để điều chỉnh giá xăng dầu xuống mức phù hợp, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào sự biến động của giá xăng thế giới.

Đề xuất bỏ lợi nhuận định mức

Mới đây, Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu xuống khoảng 500 - 1000 đồng/lít. Đây được cho là động thái tích cực nhằm kiểm soát giá xăng dầu, tuy nhiên thuế bảo vệ môi trường chỉ là phần nhỏ trong 4 loại thuế, phí/lít xăng. Một số chuyên gia cho rằng, ngoài việc gấp rút hạ giá thuế bảo vệ môi trường, thì cần bỏ lợi nhuận định mức, bỏ bình ổn giá để kìm giá xăng xuống khoảng 17.000 - 20.000 đồng/lít.

Đưa ra ý kiến về đề xuất trên, ông Đào đồng ý với quan điểm cần loại bỏ lợi nhuận định mức. Theo ông, nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi nhuận định mức, trong khi giá xăng trong nước sản xuất được tính bằng giá nhập khẩu cộng thuế, đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, còn người dân luôn phải chịu thiệt đơn thiệt kép khi mà giá xăng, dầu liên tục tăng.

"Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi từ việc giá xăng dầu tăng cao, vậy tại sao không dùng số lợi nhuận đó san sẻ để san sẻ nỗi lo với Nhà nước, với người dân? Tôi cho rằng, đã đến lúc phải xem xét việc loại bỏ lợi nhuận định mức đối với nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Còn trong bối cảnh hiện tại, chưa nên bỏ Quỹ bình ổn giá, nhưng quỹ này cũng cần được công khai, minh bạch hơn. Có như vậy thì giá xăng dù tăng hay giảm cũng đều không gây hiệu ứng tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân.

Mặt khác, cơ quan quản lý cần nắm chắc được số lượng hàng tồn kho tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước trước mỗi lần điều chỉnh giá, xử lý nghiêm hành vi tích trữ, găm hàng chờ bán giá cao, kiếm lời bất chính.

Chuyển đổi số là chìa khóa để thực hiện công khai, minh bạch thị trường xăng dầu và điều hành giá ít gây phản ứng từ dư luận. Chuyển đổi số của ngành Công Thương cần đi vào thực chất, để dù chỉ một tín hiệu nhỏ của nhà máy lọc dầu không tốt, Bộ quản lý lập tức nắm được và có phương án điều hành, thay vì bị động và chậm trễ", GS. Đào nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Như vậy, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,67%.

Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI 2 tháng đầu năm, trong đó, giá gas trong nước tăng từ ngày 1/2 sau khi giảm trong tháng trước và mức giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng 6 lần kể từ đầu năm đến nay.

Ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2 góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.

Tuy nhiên, điều các chuyên gia kinh tế lo ngại là chính sách giảm thuế suất thuế VAT 2% trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị "vô hiệu hóa" từ các đợt tăng giá xăng dồn dập.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Kịch bản giá xăng lên 30.000 đồng/lít: "Cú sốc" lớn cho nền kinh tế?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.