Thứ sáu, 22/11/2024 21:37 (GMT+7)
Thứ năm, 29/10/2020 14:46 (GMT+7)

Thủy điện nhỏ, tác hại lớn

Theo dõi KTMT trên

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ mang lại, tuy nhiên trong bối cảnh người dân đang đối mặt với lũ lụt thì vấn đề quy hoạch, xây dựng các thuỷ điện vừa và nhỏ cũng cần đặt ra.

Hơn 20 năm qua, nhiều dự án thủy điện có quy mô và công suất khác nhau đã được quy hoạch và xây dựng ồ ạt tại miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Phú Yên và các tỉnh ở Tây Nguyên.

Thủy điện hiện đang đóng góp khoảng 35% - 40% sản lượng năng lượng quốc gia. Nhưng sự phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện đã làm gia tăng các vấn đề môi trường - xã hội và chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả bất lợi, trong đó điển hình nhất là những hệ lụy thiên tai từ việc mất rừng.

Khi còn rừng, dòng chảy mặt rất thấp, nó nằm ở dưới ngầm. Lũ cũng không có nhiều vì nước ngấm xuống đất đá rồi mới chảy ra dần. Nhưng khi rừng bị phá, dòng chảy mặt rất lớn. Càng phá rừng càng dễ xảy ra hiện tượng sa mạc hóa và hậu quả là dẫn đến sạt lở đất.

Và sau câu chuyện thủy điện xả lũ ở miền Trung thời gian qua, có lẽ vấn đề quy hoạch thủy điện là bài học lớn nhất.

Thủy điện nhỏ thủ phạm "nuốt" đi những cánh rừng

Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), cho biết tại khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có ba nhà máy thủy điện nằm trong vùng lõi, một nhà máy ở khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Việc làm thủy điện đã khiến khoảng 200 ha rừng bị mất. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học vì tiếng ồn của các nhà máy, dự án làm đứt gãy nhiều con đường di cư của động vật.

Thủy điện nhỏ, tác hại lớn - Ảnh 1
Những cánh rừng dần mất đi. (Ảnh: Internet)

Riêng dự án Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, ngày 30/10/2008 được cấp phép xây dựng với công suất lắp máy 11 MW trên sông Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) với vốn đầu tư 290,8 tỉ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha. Năm 2016, Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với dự án này. Trong lần điều chỉnh này, chủ đầu tư dự án được thay đổi từ Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn sang Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3. Tổng vốn đầu tư dự án được nâng lên gần 409 tỉ đồng. Dự án được thay đổi công suất lắp máy lên 13 MW, diện tích đất sử dụng theo đó nâng lên hơn 46,25 ha.

Sau hai đợt tiến hành thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (năm 2016 và  2019), UBND tỉnh đã thu hồi tổng cộng 46 ha. Trong đó, đất rừng sản xuất do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền quản lý là 44,4 ha. Đất sông ngòi, kênh rạch, suối là 1,7 ha. Như vậy, một thủy điện với công suất 13 MW đã khiến 44,4 ha diện tích đất rừng trong khu bảo tồn bị mất.

Tương tự, tại Bình Định, Sở Công Thương tỉnh thông tin theo quy hoạch của Bộ Công Thương, trên sông Kôn đoạn qua tỉnh Bình Định có đến 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất hơn 312 MW. Trong đó có đến 11 nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã và đang triển khai.

Một lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết để xây dựng các công trình thủy điện trên đã có hàng trăm hecta rừng đầu nguồn bị xóa sổ, triệt hạ. Chẳng hạn, thủy điện Trà Xom làm mất hơn 633 ha rừng phòng hộ, các nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5 lấy đi hàng trăm hecta rừng nguyên sinh, thủy điện Vĩnh Sơn 2 làm mất hàng trăm hecta rừng ở khu vực giáp ranh hai tỉnh Bình Định, Gia Lai.

“Chỉ một đoạn qua huyện mà sông Kôn phải gánh quá nhiều thủy điện. Thủy điện chồng thủy điện, làm dòng chảy biến dạng, sạt lở nghiêm trọng. Việc xây dựng quá nhiều thủy điện khiến nhiều cánh rừng đầu nguồn bị xóa sổ, diện tích rừng phòng hộ ngày càng bị thu hẹp, đất sản xuất mất dần...” - vị lãnh đạo huyện chia sẻ.

Trước đây, huyện Vĩnh Thạnh đã kiến nghị dừng triển khai, loại bỏ khỏi quy hoạch một số dự án, nhà máy thủy điện có công suất nhỏ vì làm mất nhiều diện tích rừng, đất sản xuất. 

Tại Quảng Nam, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển mục đích hơn 545 ha rừng tự nhiên để thực hiện các dự án thủy điện, kinh doanh và công trình công cộng. Trong năm năm gần nhất, diện tích rừng tự nhiên được chuyển đổi để thực hiện các dự án thủy điện là 58,43 ha, chủ yếu vào năm 2016 (51 ha).

Còn ở Nghệ An, quá nhiều nhà máy thủy điện khiến người dân ở hạ nguồn lo sợ. Trong 10 năm qua, diện tích rừng ở Nghệ An không chỉ bị tàn phá mà còn bị giảm do có hơn 20 dự án thủy điện đã, đang và sắp thi công.

Cần dừng, loại bỏ thủy điện "cóc"

Trước tình trạng xây dựng thủy điện phát triển thành phong trào như hiện nay, Chính phủ cũng đã nhiều chỉ đạo về bảo vệ môi trường tự nhiên, tránh việc phát triển công nghiệp “không kiểm soát”. Thực tế thì từ 7-8 năm gần đây, Chính phủ đã có những động thái để ngăn chặn “hội chứng làm kinh tế” bằng thủy điện. Cách đây 3 năm, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Phải tạm dừng chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án thủy điện nhỏ. Thủy điện nhỏ đóng góp không bao nhiêu nhưng phá rừng ghê gớm. Trừ trường hợp quá đặc biệt, hiệu quả kinh tế quá đặc biệt thì báo cáo Chính phủ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể. Thủ tướng đề nghị các địa phương, phát triển thủy điện nhỏ có mức độ.

Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam Nguyễn Mạnh Hiến – Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam đánh giá: Việc giao chủ trương đầu tư, xây dựng các thủy điện nhỏ, lẻ cho các tỉnh và doanh nghiệp tư nhân chúng ta vẫn khuyến khích như việc tái tạo các nguồn điện khác như pin mặt trời, gió.

Tuy nhiên, khi xây dựng có rất nhiều rủi ro, do địa phương thẩm tra và không qua Bộ Công Thương nên có nhiều công trình sau khi đi vào vận hành đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều công ty xây dựng không quan tâm đến chất lượng mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu được từ điện, gỗ rừng, các kim loại quý khi thực hiện thi công… doanh nghiệp không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, cuộc sống của các khu dân cư sống gần các công trình thủy điện. Nhất là về độ an toàn khi các thủy điện hoạt động, cũng như việc tái tạo lại rừng sau khi thực hiện xây dựng gây ra.

Để bảo đảm an toàn, khi xây dựng các công trình thủy điện nhỏ, ông Hiến cho rằng, Nhà nước nên có những quy định rõ ràng hơn, siết chặt trong quản lý. Không nên để các tỉnh giao cho các công ty tư nhân làm và tự thẩm tra như hiện nay. Đặc biệt, không nên phát triển quá nhiều thủy điện nhỏ khi không cần thiết mà cần có những chính sách chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho khu vực hạ lưu cũng như những khu dân cư xung quanh.

Cũng trao đổi về vấn đề này tại hành lang Quốc hội cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng khẳng định, không nên tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ. Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ TN&MT, thủy điện bao giờ cũng có hai mặt, bên cạnh sự đóng góp cho phát triển kinh tế, năng lượng thì cũng gây ra hệ lụy không ít đến môi trường. Với thủy điện lớn, bài toán cắt lũ được giải quyết tốt, giúp điều tiết nước để cung cấp nước cho hạ du. Tuy nhiên thủy điện nhỏ không có chức năng này, chủ yếu chỉ phát điện.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Thủy điện nhỏ, tác hại lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới