Thủy điện, mất rừng làm 'nóng' nghị trường Quốc hội
Việc phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác hay làm thủy điện, được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên họp ngày 3/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Sáng 3/11, Quốc hội (QH) bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Việc phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác hay làm thủy điện, được nhiều đại biểu quan tâm, lo lắng.
Theo VOV, thảo luận tại hội trường, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Trưởng đoàn Quảng Trị) cho rằng, nguyên nhân của việc sụt lở, ngập lụt kéo dài ở miền Trung thời gian qua chắc chắn do chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên làm lá chắn. Câu chuyện hủy hoại thiên nhiên không còn là chuyện mới, xong nhìn lại ngập lụt, sạt lở vừa qua càng thấm thía hậu quả cho sự tàn phá này.
Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt xây dựng với quy mô khác nhau; cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục nghìn ha rừng đầu nguồn mất đi, chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hàng năm đều tăng nhưng không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, chắn giữ thiên tai khi rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày càng hẹp đi.
Phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất xảy ra ở nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỉ lệ rừng giàu tự nhiên thấp. Mất rừng mất đất, khả năng thấp điều tiết nước tự nhiên từ thượng nguồn là nguyên nhân xảy ra lũ quét và sạt lở đất, lũ đi nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn.
"Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và tạo nên lũ dữ, tàn phá nặng nề hơn”, vị đại biểu Đoàn Quảng Trị khẳng định và đề nghị Chính phủ kiên quyết chỉ đạo rà soát, đánh giá về phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên để có giải pháp căn cơ và lâu dài về môi trường, khả năng chống chịu mưa bão, lũ lụt như vừa qua.
Ông Hoàng Đức Thắng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ, kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn và ảnh hướng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, môi trường và đời sống người dân. Phải có những ứng xử chủ động, sáng tạo, khả năng chống chịu, giảm nhẹ thiệt hại trước thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Khâu quy hoạch nhất thiết phải giải quyết cho được phát triển nhanh nhưng phải bền vững.
Đồng thời phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai, các cơ quan quản lý giúp địa phương quy hoạch lại vùng bố trí dân cư, di dời dần khu vực sạt lở.
“Mỗi hành động tiên quyết, mạnh mẽ hôm nay dẫu phải hy sinh một phần kinh tế trước mắt nhưng chắc chắn sẽ giữ lại sự sống an toàn, cuộc sống mưu sinh cho hàng triệu người dân miền núi và vùng hạ du, không có thảm cảnh mỗi mùa mưa bão đến”, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nói.
Cũng tại phiên thảo luận, ĐBQH tỉnh Quảng Nam, ông Phan Thái Bình đề xuất nên có cơ chế cấp thóc gạo miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, để người dân giữ rẫy làm rừng. “Chúng ta có số lượng gạo rất lớn nên hoàn toàn có thể cấp để người dân an tâm giữ rừng, phát triển kinh tế”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng đề nghị xem lại việc trồng rừng thay thế ở các dự án thủy điện, thủy lợi, nhất là vị trí trồng, loại cây trồng, cách trồng. Có như thế mới tránh được tình trạng thay thế cây lớn, lâu năm có chức năng phòng hộ bằng các loại cây không có chức năng phòng hộ hoặc ở vị trí không có khả năng phòng hộ.
“Tôi đề nghị rà soát lại toàn bộ thủy điện vừa và nhỏ xem tác động thế nào đến môi trường. Chứ như vừa qua nhân dân ở vùng hạ du rất bất an mỗi khi thủy điện xả lũ”, ông Bình nhấn mạnh.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, diện tích rừng của đất nước ta hiện nay là 14,6 triệu ha, cao hơn rất nhiều so với 30 năm trước. Trong đó, riêng diện tích rừng tự nhiên có đến 10 triệu ha.
“Chỉ trong vòng 30 năm, chúng ta đã tăng trên 5 triệu ha rừng. Đây là sự cố gắng vượt bậc và khẳng định tầm nhìn của nước ta về sự phát triển bền vững”, ông Cường nói.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, rừng tự nhiên trước đây bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là trong giai đoạn chiến tranh. Thế nên việc phục hồi rừng tự diên phải dần dần từng bước.
Bảo My