Thủy điện Mã Đổ Sơn, Trung Quốc xả lũ liệu có ảnh hưởng tới Việt Nam?
Mặc dù thông tin chi tiết về lưu lượng cũng như tổng lượng nước không được nắm rõ nhưng với quy mô hồ Mã Đổ Sơn thì mức độ ảnh hưởng không lớn.
Như đã đưa tin, do ảnh hưởng của bão, khu vực lưu vực sông Hồng xảy ra mưa lớn, mực nước sông dâng cao, để đảm bảo an toàn phòng lũ, nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) dự kiến xả lũ từ lúc 9h đến 17h ngày 20/8/2020, khi đó mực nước sông Hồng sẽ dâng cao hơn.
Việc xả lũ này đã gây ra nhiều lo ngại nhất là việc không nắm rõ thông tin về lưu lượng xả lũ của nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn là bao nhiêu để xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp.
Ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: “Thông tin sơ bộ, vị trí Trung Quốc xả lũ tại hồ Mã Đổ Sơn cách biên giới Việt Nam 95km, hồ thủy điện này có tổng dung tích là 551 triệu m3. Mặc dù phía Trung Quốc không thông báo thông tin chi tiết về lưu lượng cũng như tổng lượng nước nhưng với quy mô hồ như vậy thì mức độ ảnh hưởng không lớn. Hiện tại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện để các địa phương có hành động ứng phó kịp thời”.
Theo Thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong những ngày qua, các tỉnh phía Bắc có mưa to gây lũ ở sông Thao và ngập lụt ở tỉnh Yên Bái. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái lúc 7h ngày 20/8 là 32,50m, trên BĐ3: 0,5m. Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong ngày 20-22/8 tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa đến 100-120mm; đồng thời, ngày 20/8, Trung Quốc đã có thông báo xả lũ hồ chứa Mã Đồ Sơn trên lưu vực sông Hồng.
Mặc dù thông tin chi tiết về lưu lượng cũng như tổng lượng nước không được nắm rõ nhưng với quy mô hồ Mã Đổ Sơn thì mức độ ảnh hưởng không lớn. (Ảnh minh họa) |
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là lũ cao trên sông Thao, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai gửi công điện, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai một số nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định. Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ. Tập trung xử lý dứt điểm các sự cố đê điều đã xảy ra (Hiện trên tuyến đê sông Thao, tỉnh Phú Thọ đã xuất hiện một số sự cố do mưa, lũ).
Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội ở ven sông, bãi sông và các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở. Sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Ban Chỉ đạo TW về PCTT (thông qua Văn phòng thường trực) để tổng hợp, báo cáo.
Văn Ngân