Thực vật trên dãy Alps đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng
Các loài hoa trên dãy núi Alps có nguy cơ tuyệt chủng cùng với sự biến mất của các dòng sông băng.
Các sông băng trên dãy Alps đang biến mất với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, mở ra vùng đất mới cho các loài thực vật phát triển, tuy nhiên điều chỉ có lợi trong ngắn hạn.
Trong khi đó, một số loài đặc hữu lại trở nên nguy cấp khi các loài thực vật mới dẻo dai hơn chiếm lấy môi trường sống, đẩy các loài bản địa lên các vùng núi cao hơn và làm giảm đa dạng sinh học tổng thể, theo báo cáo đăng trên trang Frontiers in Ecology and Evolution.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có tới 22% các loài được nghiên cứu trên 4 sông băng ở dãy núi Alps của Ý sẽ biến mất khỏi khu vực này sau khi các sông băng biến mất.
Tiến sĩ Gianalberto Losapio - nhà sinh thái học từ Đại học Stanford (Anh), cho biết các loài thực vật đặc hữu như cây lưu ly có rêu, cây lưu ly núi tía và cây cải xoong lá dài có thể bị tuyệt chủng 150 năm sau khi sông băng biến mất.
Môi trường sống của các loài thực vật trên rất nhạy cảm với hiện tượng ấm lên toàn cầu và các loài sống trên núi trở thành nạn nhân của sự tuyệt chủng.
"Chúng cần phải di chuyển đến một môi trường sống cao hơn khi khí hậu ấm lên, nhưng không còn nhiều không gian để chúng thực hiện việc này. Tình trạng này có thể mở rộng đến những nơi khác trên dãy Alps và các hệ sinh thái núi khác, như Himalaya, Karakoram và Andes”, tiến sĩ Losapio nói.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự biến mất của các sông băng ảnh hưởng đến 51% số loài thực vật. Các loài đặc biệt hơn, hiếm hơn đã thích nghi để phát triển trong điều kiện khắc nghiệt nhất (ví dụ như bằng cách mọc sát mặt đất để chúng không bị thổi bay) cư trú tại các khu vực chưa đầy 100 năm sau khi sông băng tan chảy.
Sau 150 năm, sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn, và các loài như cói núi cao, cỏ núi cao sẽ chiếm thế thượng phong.
Losapio cho biết thực vật trên núi là một phần quan trọng của các hệ sinh thái mong manh tại đây, nên sự biến mất của chúng có khả năng dẫn đến sự tuyệt chủng. “Thực vật không chỉ là thực phẩm của chúng ta mà còn là nhiên liệu cho cả hệ sinh thái - con người, động vật ăn thịt, ký sinh trùng, động vật ăn cỏ và côn trùng".
Nghiên cứu từ Đại học Zurich (Thụy Sĩ) trước đây đã chỉ ra rằng thực vật núi cao không bắt kịp với sự thay đổi khí hậu, trong khi các loài xâm lấn chiếm môi trường sống nhanh hơn. Các nhà thực vật học làm việc ở Cao nguyên Scotland cũng nhận thấy những loài thực vật trên núi hiếm nhất của Vương quốc Anh đang lùi dần lên cao hơn và được thay thế bằng những loại cỏ thường thấy ở độ cao thấp hơn.
Ian Dunn, giám đốc điều hành của tổ chức bảo vệ môi trường Plantlife, cho biết: “Báo cáo này là vô giá bởi nó giúp các nhà bảo tồn đưa ra dự đoán tốt hơn những thay đổi đang diễn ra. Chúng ta phải cùng nhau đối phó với thách thức của cả biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học".
Bắc Hiệp