Nỗ lực bảo tồn đã ngăn chặn hàng chục loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng
Trong nghiên cứu do Đại học Newcastle và BirdLife International dẫn đầu, nhóm các nhà khoa học ước tính, có tới 50 loài chim và 23 loài động vật có vú đã biến mất kể từ năm 1993 nếu không có nỗ lực bảo tồn.
Vẹt Iguaca từng có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có những nỗ lực bảo tồn. Ảnh: Tổ chức Cá và Động vật Hoang dã Quốc gia Mỹ (NFWF). |
Dựa trên cơ sở có 10 loài chim và năm loài động vật có vú đã tuyệt chủng hoặc bị nghi ngờ tuyệt chủng trong thời gian đó, các nhà nghiên cứu tính toán, tỉ lệ tuyệt chủng sẽ cao hơn 4,2 lần nếu không có sự can thiệp.
Thế giới gần như đang đứng trước bờ vực của lần tuyệt chủng lớn thứ sáu, phần lớn là do hoạt động của con người và hậu quả là biến đổi khí hậu. Điều tối thiểu chúng ta có thể làm là cố gắng ngăn chặn một số loài không bị tuyệt chủng.
Và nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Conservation Letters ngày 9/9 đã định lượng được số loài mà chúng ta đã cứu được trong vài thập kỷ qua.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu với các loài chim và động vật có vú được liệt kê là bị đe dọa trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN). Sau đó, 137 chuyên gia đã ước tính khả năng những loài này sẽ bị tuyệt chủng, dựa trên quy mô dân số của từng loài, xu hướng, các mối đe dọa phải đối mặt và các hành động bảo tồn được thực hiện để bảo vệ chúng.
Từ đó, các nhà nghiên cứu ước tính rằng, từ năm 1993 đến năm 2020, các hoạt động bảo tồn đã ngăn chặn được từ 30 đến 50 vụ tuyệt chủng loài chim, và từ chín đến 23 vụ tuyệt chủng động vật có vú.
Trong số đó, nhóm nghiên cứu cho biết, việc kiểm soát các loài xâm lấn khác có thể đã cứu được 21 loài chim, bảo vệ 20 vườn thú, các quần thể và 19 loài được hưởng lợi từ việc bảo vệ địa điểm sinh sống.
Trong số các loài động vật có vú, có 14 loài được bảo tồn nhờ thay đổi luật bảo vệ động vật hoang dã, có 9 loài được hỗ trợ bảo tồn trong các vườn thú và sau đó được tái thả về tự nhiên. Có 16 loài động vật có vú được xác định lần lượt xuất hiện ở 23 quốc gia, trong đó có năm loài ở Trung Quốc và ba loài ở Việt Nam.
Ngựa Przewalski, từng tuyệt chủng trong tự nhiên, đã được phục hồi thành công. Ảnh: Depositphotos. |
Một số thí dụ rõ ràng về việc bảo tồn đã ngăn chặn sự tuyệt chủng như: Ngựa hoang Przewalski tuyệt chủng trong tự nhiên vào những năm 1960 và được đưa trở lại môi trường sống tự nhiên của nó ở Mông Cổ vào những năm 1990. Nhóm nghiên cứu cho biết có hơn 760 cá thể ngựa hoang Mông Cổ đang sống trở lại trong tự nhiên.
Một loài vẹt nhỏ có tên là Iguaca (Puerto Rican amazon), số lượng giảm từ hơn 1 triệu cá thể vào những năm 1800 xuống chỉ còn 13 cá thể những năm 1970. Hơn 15 năm qua, con người đã nỗ lực bảo tồn loài vẹt này bằng các chương trình nhân giống nuôi nhốt và tái thả trở lại Công viên Tiểu bang Rio Abajo, Mỹ. Sau đó, vào năm 2017, cơn bão Maria hoành hành qua khu vực này đã quét sạch phần lớn quần thể vẹt nguyên thủy, khiến những con vẹt được tái thả là những sinh vật sống sót chính của loài này.
Sau cơn bão Maria năm 2017, những con vẹt Iguaca có nguy cơ tuyệt chủng tụ tập trong một cái lồng tại Iguaca Aviary ở Puerto Rico, Mỹ. Ảnh: AP. |
Mặc dù nghiên cứu mang lại một số thông tin tốt lành, nhưng điều quan trọng cần lưu ý rằng đó chỉ là những “hạt muối bỏ biển” so với những gì có thể xảy ra sắp tới. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tốc độ tuyệt chủng đang gia tăng, và có thể đạt đến đỉnh điểm vào cuối thế kỷ này. Nhưng mặt khác, những thí dụ này cho thấy rằng sự can thiệp có thể hiệu quả.
Phil McGowan, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Chúng ta thường nghe những câu chuyện tồi tệ về cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và chắc chắn rằng chúng ta đang đối mặt với sự mất mát chưa từng có về đa dạng sinh học do hoạt động của con người”.
“Sự mất mát của toàn bộ loài có thể được chấm dứt nếu có đủ ý chí để ngăn chặn. Nghiên cứu này là một lời kêu gọi hành động, nó cho thấy quy mô của vấn đề và những gì chúng ta có thể đạt được nếu chúng ta hành động ngay bây giờ để hỗ trợ bảo tồn và ngăn chặn sự tuyệt chủng”, ông kết luận.
Hoa Lan