Thứ sáu, 22/11/2024 06:32 (GMT+7)
Thứ hai, 18/04/2022 07:00 (GMT+7)

Thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đã có báo cáo gửi Thủ tướng về một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Ban IV, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến doanh nghiệp thì với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn thành phố là rất lớn, việc áp dụng thu phí cảng biển kể từ ngày 1/4 khiến số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định này là "đặc biệt lớn".

Cụ thể, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thành phố gia tăng gánh nặng chi phí mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu giữa bối cảnh chi phí logistics đã tăng quá cao trong thời gian qua là thể hiện sự "ngược dòng" với chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch. Quyết định của một địa phương như vậy có thể làm giảm rất nhiều niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời tạo ra hệ lụy là tăng chi phí logistics, đội giá thành sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn hơn trong việc cạnh tranh, phục hồi và làm giảm sức hút của môi trường đầu tư trong nước.

Thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập - Ảnh 1
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có báo cáo gửi Thủ tướng về một số bất cập, tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Mặt khác, việc quy định mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại thành phố và ngoài thành phố là không phù hợp Luật Phí, lệ phí cũng như Luật Hải quan hiện hành, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận, gây xáo trộn trong công tác quản lý. Thực tế doanh nghiệp khi mở tờ khai tại TP.HCM hay mở tờ khai tại các tỉnh lân cận đều sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM như nhau. Thậm chí, khi doanh nghiệp mở tờ khai tại các cục hải quan địa phương ngoài TP.HCM, hàng hóa sau khi cập cảng sẽ được chuyển về nhà máy, xí nghiệp nên việc sử dụng cơ sở hạ tầng cảng biển còn ít hơn so với khi mở tờ khai tại thành phố.

Vì những lý do trên, các hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển. Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp cơ bản phục hồi, việc thu phí phải được tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí, lệ phí và Luật Hải quan. Ví dụ thu để bù đắp một phần đầu tư thay vì thu để đầu tư xây dựng các hạ tầng khác, thu công bằng giữa các chủ thể sử dụng hạ tầng thay vì phân biệt như hiện nay theo địa điểm mở tờ khai thông quan.

Không thu phí đối với những đối tượng không đúng theo quy định của luật và các cam kết của Việt Nam với quốc tế, như phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa, phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập - tái xuất...

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội chủ hàng Việt Nam (VNSC); Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VSA); Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA); Hiệp hội chủ tàu Việt Nam (VSA) và Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam cũng đã ký tên trong công văn gửi Chủ tịch Quốc hội đề xuất không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển với hàng hoá vận tải bằng đường thuỷ nội địa.

Theo các hiệp hội, việc thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển) không đúng đối tượng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa, vì hàng hóa được vận tải bằng phương tiện đường thủy nội địa không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối đến cảng biển.

Việc ban hành nghị quyết và thu phí là đúng với thẩm quyền của HĐND TP.Hải Phòng, TP.HCM, tuy nhiên việc thu phí với những bất cập nêu trên tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa và lợi ích của quốc gia; không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển, giảm khí thải carbon vào môi trường...

Trước bất cập, các hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa đã có nhiều văn bản báo cáo đến 2 thành phố nêu trên, đồng thời gửi văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đại biểu Quốc hội. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã có văn bản gửi HĐND, UBND TP.Hải Phòng và TP.HCM.

"Mặc dù nhận được văn bản của các hiệp hội, ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng và TP.HCM vẫn tiếp tục thu phí không đúng đối tượng, không có văn bản trả lời đến các hiệp hội, không tổ chức đối thoại, làm rõ bất cập khi thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa" - công văn gửi Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa, đảm bảo lợi ích chung của quốc gia, các hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan giám sát việc ban hành văn bản pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; dành thời gian làm việc trực tiếp với các hiệp hội về những nội dung trên.

Thực hiện Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng Nhân dân thành phố về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 1, Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.

Đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức, cá nhân thực hiện cung cấp dịch vụ, nhiệm vụ thu phí và các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa sử dụng công trình kết câu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM.

Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container với container 40 feet (ft) và 2,2 triệu đồng/container với container 20 ft.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container đối với container 20 ft; 1 triệu đồng/container đối với container 40 ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/container 20 ft; 500.000 đồng/container 40 ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.