Thầy cô biến lớp học thú vị hơn nhờ có rác
Ý tưởng tạo 'Bảo tàng mini' từ rác thải không chỉ tiết kiệm được chi phí đầu tư thiết bị giáo dục mà còn bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức, thái độ, hành vi cho học sinh.
Ý tưởng tái chế rác thành đồ dùng học tập được thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết, giáo viên môn Giáo dục công dân nghiên cứu và thử nghiệm từ tháng 2-2020. Sau khi tự tay hoàn thành những mô hình, dụng cụ học tập từ vỏ chai nhựa, xốp, nắp chai bỏ đi, thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết đã triển khai ý tưởng và nhận được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh trong trường.
“Bảo tàng mini” đồ dùng học tập bằng rác thải mô phỏng một bảo tàng như thực tế. Không gian của bảo tàng có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu: Văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống, các mô hình, sa bàn lịch sử, bản đồ, tranh ảnh, hình học. Tất cả đều được làm từ rác thải.
Theo đó, mỗi giáo viên và học sinh đều phải phân loại rác trước khi bỏ vào thùng rác. Những loại rác có thể tái chế như: Chai nhựa, hộp xốp, ống hút, cốc nhựa... sẽ được thu gom lại, sau đó rửa sạch, phơi khô, vệ sinh bằng cồn 70 độ rồi xếp vào các thùng giấy và cất tại nhà kho của trường để dùng dần. Để không ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học trên lớp, thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết và học sinh thường sắp xếp làm mô hình, dụng cụ học tập vào cuối tuần hoặc sau các tiết học tại trường. Sau gần hai năm, 50 mô hình phục vụ giảng dạy, học tập đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Lược đồ, sa bàn lịch sử, mô hình các tế bào, hệ tiêu hóa người, chu trình C3...
Sáng kiến “Xây dựng “bảo tàng mini” đồ dùng học tập bằng rác thải cho học sinh phổ thông” của các bạn trẻ thuộc Đoàn Thanh niên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội) ra đời từ những lý do trên. Sáng kiến vừa giải Nhì cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” do T.Ư Đoàn tổ chức.
Anh Nguyễn Hữu Quyết cho biết thêm: "Mặt khác, việc đổi mới giáo dục theo "Chương trình giáo dục phổ mới" đang được tất cả các trường thực hiện. Việc đổi mới hướng tới hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh; Ứng dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, trực quan, hiện đại vào học tập gắn liền với hoạt động trải nghiệm.
Ý tưởng tạo “Bảo tàng mini” đồ dùng học tập với cơ chế trải nghiệm “hành động và cảm xúc” cho người học, tiết kiệm được chi phí đầu tư thiết bị giáo dục, vừa bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức, thái độ, hành vi cho học sinh".
Em Trần Vũ Hà My, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, bày tỏ: “Em thấy rất vui vì đã tự làm được những mô hình, dụng cụ học tập. Nhờ các mô hình như: Bản đồ Việt Nam, sa bàn về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 hay Đại thắng mùa Xuân năm 1975... chúng em có những tiết học Lịch sử, Địa lý vô cùng hấp dẫn, lý thú và tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng. Ngoài ra, việc phân loại và tái chế rác không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp chúng em rèn luyện ý thức, hành vi bảo vệ môi trường”.
Nhằm phổ biến và nhân rộng hoạt động ý nghĩa này, thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết cùng học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã mang sáng kiến “Xây dựng bảo tàng mini đồ dùng học tập bằng rác thải cho học sinh phổ thông” tới Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” và vinh dự đoạt giải nhì.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết chia sẻ: “Bảo tàng mini có chức năng sưu tầm, nghiên cứu, trưng bày các mô hình, sa bàn lịch sử, bản đồ, giới thiệu văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người Việt Nam... Đồng thời, góp phần phát huy quan điểm giáo dục lấy người học làm trung tâm, người học vừa có thể làm khách tham quan trải nghiệm, vừa có thể làm hướng dẫn viên giới thiệu về bảo tàng. Bảo tàng xây dựng hoàn toàn từ rác tái chế nên sẽ tiết kiệm được chi phí mua đồ dùng học tập, giảng dạy. Tôi hy vọng sáng kiến này sẽ được nhân rộng tại nhiều trường học”.
Nguyễn Linh (T/h)