Thứ bảy, 23/11/2024 17:07 (GMT+7)
Thứ tư, 27/12/2023 11:00 (GMT+7)

Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp

Theo dõi KTMT trên

Sau khi thực hiện xong việc tận thu đất san lấp, doanh nghiệp đã để lại mặt bằng chẳng khác nào “bãi chiến trường” khiến người dân và chính quyền xã vô cùng bức xúc.

Đó là thực trạng đang diễn ra tại thôn Chính Thành, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa sau khi điểm khai thác tận thu đất san lấp do Công ty TNHH ĐTXD & DVTM Đông Phương (Công ty Đông Phương) hết hạn khai thác vào ngày 29/8/2023.

Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp - Ảnh 1
Việc hoàn trả mặt bằng qua loa sau khi hết hạn tận thu, đã để lại nhiều hố sâu như những cái ao.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 4116/UBND-CN về việc giải quyết đề nghị tận thu đất thừa trong quá trình hạ thấp độ cao mặt bằng xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm tại thôn Chính Thành, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành của Công ty TNHH ĐTXD & DVTM Đông Phương do Phó Chủ tịch Lê Đức Giang ký.

Văn bản có đoạn nêu rõ: Đồng ý với đề nghị của Sở TN&MT tại Công văn số 2363/STNMT-TNKS ngày 24/3/2023 cho phép Công ty TNHH ĐTXD & DVTM Đông Phương được tận thu, vận chuyển 41.071m3 đất thừa trong quá trình hạ thấp độ cao mặt bằng xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm của 06 hộ gia đình (ông Đỗ Duy Hoan, ông Hà Hữu Toán, ông Hà Hữu Phương, ông Đỗ Trọng Thắng, ông Đỗ Văn Dũng, bà Đỗ Thị Bích) tại xã Thành Trực, huyện Thạch Thành. Mục đích để cung cấp làm đất vật liệu san lấp phục vụ công trình gói thầu số 05, thi công xây dựng và bảo hiểm xây dựng công trình thuộc dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa. Thời gian thực hiện 05 tháng kể từ ngày văn bản được chấp thuận.

Văn bản cũng yêu cầu Công ty Đông Phương thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt, đảm bảo tiến độ, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường theo quy định; chịu sự giám sát, xử lý vi phạm (nếu có) của các cơ quan chức năng liên quan theo quy định của pháp luật. Giao Sở TN&MT, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, UBND huyện Thạch Thành và các đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện phương án của Công ty Đông Phương đảm bảo chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn giao thông, đất đai, xây dựng, vệ sinh môi trường, cảnh quan và các quy định của pháp luật hiện hành.

Giao UBND huyện Thạch Thành chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND xã Thành Trực giám sát quá trình thực hiện thi công phương án và tận thu đất thừa trong quá trình hạ thấp độ cao, tạo mặt bằng của Công ty Đông Phương đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực; đồng thời quản lý chặt chẽ việc thu hồi, vận chuyển đất thừa trong quá trình thực hiện phương án, đảm bảo đúng mục đích, tránh lợi dụng để khai thác khoáng sản trái phép; nghiệm thu, xác nhận hoàn thành phương án và khối lượng tận thu, vận chuyển đúng phương án đã được phê duyệt; tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan…

Về phía Công ty TNHH ĐTXD & DVTM Đông Phương, sau khi được chấp thuận việc tận thu khối lượng đất nói trên đã huy động nhiều máy móc, thiết bị tiến hành khai thác, vận chuyển đất ra khỏi vị trí trong khoảng thời gian 05 tháng đã được phê duyệt. Song, cũng sau 05 tháng tiến hành thực hiện việc tận thu, khi hết thời hạn vào ngày 29/8/2023 cho đến nay việc hoàn trả mặt bằng vẫn chỉ làm qua loa, đã khiến các hộ dân và chính quyền xã Thành Trực vô cùng bức xúc.

Quan sát cho thấy, gần như toàn bộ diện tích đất được doanh nghiệp tận thu, nay chẳng khác nào một bãi chiến trường. Quá trình khai thác đã để lại đầy dẫy những hố sâu hoắm, đứng thành, nham nhở và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Khi trời mưa to, những hố sâu này cũng khó tránh khỏi việc biến thành ao, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao cho cả người và động vật khi di chuyển qua khu vực này.

Không những thế một số vị trí trong khi doanh nghiệp múc đất tận thu đã để lại nhiều thành, vách ngăn cách, chia nhỏ diện tích đất canh tác, nếu không được san gạt bằng phẳng sẽ hết sức khó khăn trong việc thực hiện làm nhà và trồng cây lâu năm của các hộ dân như phương án đã được chấp thuận. Đất từ vị trí khai thác một phần còn tràn cả xuống vườn và nhà ở của hộ dân sát cạnh, khiến họ gặp phải rắc rối nhất định trong sinh hoạt hàng ngày.

Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp - Ảnh 2
Mặt bằng nham nhở phía sau nhà khiến gia đình chị Kiểu không thể làm được gì trên diện tích đất sau khi doanh nghiệp tận thu.

Trong dáng người gầy gò, nhỏ bé, chị Bùi Thị Kiều một trong những hộ gia đình có phần đất nằm trong phạm vị tận thu của doanh nghiệp cho biết, gia đình chị được Công ty TNHH ĐTXD & DVTM Đông Phương trả cho 50 triệu đồng để đổi lấy việc múc diện tích đất phía sau nhà. Tuy nhiên sau khi hết hạn khai thác, do mặt bằng nham nhở nên gia đình chị chẳng làm được gì trên mảnh đất này. Chị còn cho biết trong quá trình doanh nghiệp tận thu, họ đã hứa là sẽ làm cho dân một đoạn đường để thuận tiện việc đi lại, thế nhưng đến nay họ không làm, gia đình chị có gọi điện nhiều lần thế nhưng họ hứa sẽ lên rồi không thấy đâu, đến nay gọi điện họ không nghe máy nữa.

Anh Đỗ Trọng Thắng, chồng chị Kiều cho hay: "Trước khi múc đất, toàn bộ phần đồi phía sau rất bằng phẳng, độ dốc thoai thoải, khi mưa xuống nước chảy dàn đều, nay mỗi khi có mưa to xuống, nước chảy như những dòng thác, cuốn theo đất xuống nhà dân làm sập cả chuồng gà và vùi lấp vào cả nhà ở. Không những thế, những hố sâu để lại trên bề mặt khiến chúng tôi luôn phải trông coi con nhỏ vì sợ các cháu ngã xuống bị đuối nước. Hôm nọ, một số cháu nhỏ trong khi chơi đùa đã bị trượt chân ngã xuống hố nước, may mắn là tôi đã có mặt kịp thời"…

Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp - Ảnh 3
Đất trong quá trình tận thu còn tràn cả xuống nhà dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Ông Đỗ Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Thành Trực, huyện Thạch Thành chia sẻ quan điểm không hài lòng với việc doanh nghiệp hoàn trả mặt bằng theo kiểu qua loa như vậy. Ông Long cho biết, ngay ngày mai sẽ đưa vấn đề này ra trước kỳ họp HĐND huyện Thạch Thành. Ông còn thẳng thắn khước từ việc ủng hộ doanh nghiệp xin gia hạn khai thác thêm. “Hôm nọ một số sở, ngành lên kiểm tra, xem xét lấy ý kiến về việc cho doanh nghiệp gia hạn tận thu, tôi đã ghi rõ trong văn bản là không đồng ý”, ông Long dứt khoát.

Phóng viên cũng đã đặt câu hỏi về việc tại sao không hoàn trả lại mặt bằng theo đúng quy định để người dân làm nhà và trồng cây mà lại để nham nhở như vậy, khiến họ bức xúc? Đại diện Công ty TNHH ĐTXD & DVTM Đông Phương cho biết: "Bây giờ trả lại mặt bằng mà không được vận chuyển đi (vận chuyển đất -  PV) thì nó nằm lại ở đó thì cũng lại ấy anh ạ! Công ty đang xin gia hạn thêm dưới tỉnh nhưng vẫn đang chờ, có gì sang tuần tôi sẽ lên, cho máy lên làm"…

Hạ thấp độ cao, chống sạt lở, tạo mặt bằng làm nhà và trồng cây lâu năm… kết hợp việc tận thu, vận chuyển khối lượng đất thừa ra khỏi vị trí, đã và đang diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là các huyện miền núi. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện phương án, một số đơn vị được chấp thuận chủ trương tận thu còn ít quan tâm đến việc trả lại mặt bằng cũng như quyền lợi của người dân và vấn đề bảo vệ môi trường sau khi hết hạn, mà chủ yếu chỉ quan tâm đến thời gian cùng khối lượng đất được tận thu, vận chuyển đem đi phục vụ dự án và một vài mục đích khác.

Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp - Ảnh 4
Văn bản chấp thuận chủ trương cho phép tận thu trong khi thực hiện hạ độ cao làm nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Thiết nghĩ tỉnh Thanh Hóa cần siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động trong lĩnh vực này, để việc tận thu như trường hợp nói trên được thực hiện theo đúng quy định, tránh việc lợi dụng, làm méo mó chủ trương chấp thuận được phê duyệt cũng như gây bức xúc cho chủ đất, cho người dân vùng lân cận và cả chính quyền địa phương.

Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin về việc khắc phục tình trạng nêu trên sau khi doanh nghiệp khẳng định sẽ cho máy móc lên làm.

Một số hình ảnh về hiện trường việc hoàn trả mặt bằng tại điểm tận thu:

Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp - Ảnh 5
Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp - Ảnh 6
Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp - Ảnh 7
Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp - Ảnh 8

Theo quy định của Luật Khoáng sản, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự.

Cụ thể, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại Quỹ BVMT. Trong trường hợp địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản chưa có Quỹ BVMT thì tổ chức, cá nhân phải ký quỹ tại Quỹ BVMT Việt Nam.

Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT cũng quy định về việc doanh nghiệp phải tiến hành ký quỹ để phục hồi môi trường. Theo đó, tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án hoặc Đề án bổ sung được phê duyệt thì lập Báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.

Đối với doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Bên cạnh đó cũng phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động hoặc khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

Ngoài ra cũng có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 6 tháng đến 12 tháng đối với các vi phạm.

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới