Thứ bảy, 23/11/2024 14:53 (GMT+7)
Thứ năm, 11/02/2021 18:17 (GMT+7)

Tết xưa, Tết nay và ước nguyện năm Tân Sửu

Theo dõi KTMT trên

Tết đến xuân về là dịp để mọi người tạm gác lại những công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để những người con xa quê có cơ hội về sum họp, quây quần bên gia đình, người thân và cùng nhau đón chào những điều may mắn của năm mới.

Đó là nét đẹp đã trở thành truyền thống văn hóa hết sức ý nghĩa của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay.

Nhân dịp năm mới xuân Tân Sửu, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về những nét đẹp của Tết xưa, Tết nay và ước nguyện năm Tân Sửu 2021.

Tết xưa, Tết nay và ước nguyện năm Tân Sửu - Ảnh 1
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tết Nguyên đán – Nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt

Thưa PGS.TS Lê Quý Đức, là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, xin ông chia sẻ đôi nét về nguồn gốc Tết Nguyên đán, nét đẹp truyền thống từ ăn Tết và chơi Tết của người Việt?

- Nếu tính theo chiều dài lịch sử đất nước Việt Nam thì Tết chỉ mang tính tương đối, trong đó, chúng ta thường nhắc đến nhiều là Tết Nguyên đán. Ở Việt Nam, chỉ tính riêng người Kinh cũng có tới hơn 10 ngày Tết như: Tết Nguyên đán, Tết Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), Tết Thanh minh, Tết mồng 5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ), Tết Trung nguyên, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu (9/9), Tết Trùng thập (10/10),…

Tết là đọc chệch của chữ Tiết (Tiết là đốt của cây mía, cây tre có từng đốt một, tức là từng chu kỳ một), chỉ những chu kỳ thời gian. Chu kỳ thời gian quan trọng nhất là đầu năm mới của năm Âm lịch, cũng là cái Tết lớn nhất - Tết Nguyên đán.

Nghi thức của ngày Tết chính là 2 hoạt động: Thứ nhất là thờ cúng tổ tiên, thờ cúng trời đất, các thần thánh, thần linh của gia đình, thần linh của làng xã… Thứ hai là hoạt động chúc Tết những người lớn tuổi, thăm hỏi họ hàng. Con cháu chúc Tết ông bà, bố mẹ, chúc Tết thầy dạy học. Mùng một Tết cha (bên nội), mùng 2 Tết mẹ (bên ngoại), mùng 3 Tết thầy, gần đây ở nhiều địa phương có thêm nghi thức mừng thọ những người cao tuổi.

Ngày xưa, Tết chỉ có 3 ngày nhưng khung thời gian của Tết thì phải kéo dài hết cả tháng Giêng. Người xưa có câu: Tháng Giêng là tháng ăn chơi - tháng nghỉ ngơi ăn Tết, chơi Tết. Ngày Tết xưa thấm đẫm tinh thần của xã hội nông nghiệp, cho nên thường gắn nhiều với các hoạt động nhà nông: Người nông dân lao động đến dịp cuối năm Âm lịch mùa đông, đầu năm xuân mới mùa vụ xong rồi người nông dân chuẩn bị vào vụ mới (vụ xuân hè), đây cũng là thời gian nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả.

Có thể nói thời xưa khi kinh tế khó khăn, người ta phải tích trữ, tích lũy cho dù đói cả năm nhưng phải cố gắng no lấy 3 ngày Tết. Cho nên ăn Tết không chỉ có những người ruột thịt trong gia đình mà còn mời anh em họ hàng quây quần để ăn Tết, để mừng Tết. Đó cũng là tinh thần của cư dân nông nghiệp hướng tới cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Một điều nữa, người xưa thường quan niệm cứ xem thời tiết đêm 30 Tết thế nào thì có thể biết được thời tiết năm mới ra sao. Do đó, ở nhiều nơi, người dân thường mang lễ ra đình làng lễ Thành Hoàng làng, hoặc làm lễ tế trời đất. Ngày xưa, nhà vua cũng phải tế trời đất, cầu mong mưa thuận, gió hòa đó chính là tinh thần nông nghiệp. Người Việt Nam, đặc biệt là người người nông dân rất coi trọng ngày Tết và ăn Tết. 

Tết xưa, Tết nay và ước nguyện năm Tân Sửu - Ảnh 2
Tết đến xuân về là dịp để những người con xa quê có cơ hội về sum họp, quây quần bên gia đình, cùng nhau đón chào những điều may mắn của năm mới. 

Tết xưa & Tết nay…

Tết xưa và Tết nay đã có sự thay đổi ra sao, chúng ta cần gìn giữ những nét đẹp truyền thống nào để ngày Tết thực sự ý nghĩa, thưa ông?

- Nói về không gian của Tết xưa chủ yếu là trong xã hội nông nghiệp, chẳng hạn như: Thời phong kiến, thời trước Cách mạng Tháng 8, sau Cách mạng Tháng 8, sau cải cách ruộng đất, sau Khoán 10…, Tết diễn ra trong gia đình, làng xã.

Những thủ tục, lễ nghi trong ngày Tết xưa chủ yếu là những hoạt động tâm linh, thờ cúng, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ. Những gia đình kinh tế khá giả, ba ngày Tết, ba bữa đều phải làm mâm cơm thịnh soạn để dâng cúng tổ tiên. Mâm cỗ có ít nhất từ 7-8 món như người Hà Nội xưa, người dân Kinh Bắc… Hiện nay, nghi lễ thờ cũng đã được giảm thiểu khá nhiều, người ta chỉ cúng có một ngày hoặc một ngày cúng một lần. Còn nếu gia đình nào đi du lịch thì chỉ cúng ngày 30 Tết. Có thể thấy, Tết ngày xưa nặng về nghi thức, tâm linh hơn còn bây giờ thì mang tính hình thức.

Phát triển kinh tế không chỉ là thay đổi mức sống mà đó còn là thành quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế ngày xưa là nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn bây giờ là kinh tế công nghiệp hóa, đô thị hóa nên đời sống công nhân, đời sống thành thị, đô thị cũng tác động tạo ra những thay đổi trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Ngày Tết xưa mang tính cộng đồng, làng xã còn bây giờ ngày Tết gắn với cá nhân nhiều hơn, mọi người thường nghỉ ngơi, thư giãn và đi thăm thú nhiều nơi. Con cái ở tỉnh xa, thậm chí ở nước ngoài có thể về thăm ông bà, cha mẹ; hoặc con cái ở trời Tây mời bố mẹ sang ăn Tết, thăm thú ngày Tết ở nước ngoài, đặc biệt là những nước gần văn hóa với mình như Trung Quốc, Hàn Quốc…

Và như vậy, nghi lễ cũng có sự thay đổi, mọi người có thể chỉ thờ cúng ngày mồng Một, mồng Hai thôi, có thể thờ cúng trước Tết để trong Tết đi du lịch. Thế hệ trẻ bây giờ cũng hướng tới việc chơi Tết là chính.

Tết truyền thống cũng rất quan trọng vì đó là văn hóa, đã đi vào lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm. Còn nếu nói về lịch sử thì không hẳn người Việt đã ăn Tết Nguyên đán, mà từ khi hình thành cộng đồng dân tộc (theo Giáo sư Hà Văn Tấn viết trong cuốn “Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam”), thời đồ đồng cách đây khoảng trên 3.000 năm, người Việt lấy ngày Rằm tháng 8 làm ngày Tết, trai gái kéo nhau ra đường vui chơi. Còn Tết Nguyên đán là được du nhập vào nước ta và trở thành văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Như vậy, Tết có sự thay đổi trong lịch sử Việt Nam. Người Nhật cũng ăn Tết Dương lịch từ năm 1968 chứ không ăn Tết Âm lịch vì người ta đưa ra quan niệm “thoát Á, nhập Âu”,  muốn hòa nhập với thế giới để phát triển kinh tế. Cũng có câu hỏi đặt ra rằng: Liệu khi hội nhập với thế giới, người Việt còn ăn Tết Nguyên đán này nữa không?

Tuy nhiên, sự thiêng liêng của ngày Tết vẫn còn tồn tại trong tâm thức người Việt và lúc nào nó còn ý nghĩa thì chúng ta cần gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa này. Đó là giá trị kết cấu cộng đồng từ gia đình, dòng họ, làng xã, dân tộc, đất nước mà chúng ta cần giữ gìn và phải làm thế nào để phù hợp với thời đại mới.

Sự thay đổi cũng xuất phát từ ngay chính mỗi gia đình, chỉ cần 2-3 thế hệ cũng có nhìn nhận về ngày Tết khác nhau: Bậc làm cha mẹ mong mỏi các con, cháu về sum vầy, đề huề gặp nhau ăn uống quây quần, tay bắt mặt mừng. Thế nhưng lớp trẻ lại muốn đi du lịch, thỏa mãn nhu cầu của mình. Không chỉ cộng đồng xã hội có sự khác nhau mà ngay trong từng gia đình cũng có những thái độ, ứng xử khác nhau. Để hài hòa điều đó, con cái phải hiểu được tâm tư nguyện vọng của bố mẹ; Ngược lại bố mẹ cũng phải hiểu nhu cầu, tình cảm của con cái để ứng xử với nhau hài hòa, như vậy chính là ứng xử văn hóa với Tết hiện đại, để không khí ngày Tết được ấm cúng, quây quần. 

Tết xưa, Tết nay và ước nguyện năm Tân Sửu - Ảnh 3
Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường chụp ảnh kỷ niệm cùng PGS.TS Lê Qúy Đức.

Ước nguyện năm Tân Sửu

Thưa PGS.TS Lê Quý Đức, bước sang năm mới Tân Sửu 2021, riêng bản thân ông có kỳ vọng, mong muốn gì về những sự thay đổi của đất nước, đặc biệt trong vấn đề phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường ở nước ta?

 - Thông thường người xưa cũng như hiện nay mọi người đều có cầu mong, ước nguyện cho một năm mới dựa vào con vật biểu tượng cho năm đó. Năm nay là năm Tân Sửu, Tân là mới, Sửu là con trâu, đó là con vật gần gũi với người Việt, với nhà nông. Con trâu cũng là con vật tiêu biểu, đặc trưng của vùng Đông Nam Á, là vật nuôi của vùng nhiệt đới. Khi nói đến con trâu, người ta thường nói tới sức khỏe, là con vật hiền lành, tâm lý cũng đơn giản không phải là con vật lanh lợi, khôn ngoan như con khỉ, con chuột, con hổ... Người xưa có câu cười như nghé, cười như trâu đó cũng chính là tính hồn nhiên, hiền lành nhiều hơn các mặt trái khác.

Tết xưa, Tết nay và ước nguyện năm Tân Sửu - Ảnh 4
Con trâu là con vật rất gần gũi với đời sống của người nông dân Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Trong ca dao, dân ca, tục ngữ của đồng bằng Bắc Bộ, hình tượng con trâu xuất hiện nhiều gắn với công việc của người nông dân như: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta...”. Ở đây, hình tượng con trâu cho ta thấy hình ảnh của người nông dân hiền lành, chất phác, chịu thương, chịu khó, quanh năm gắn bó với đồng ruộng.

Nói tới cầu mong, ước nguyện trong năm Tân Sửu, tôi cho rằng điều quan trọng nhất đó chính là sức khỏe. Cộng đồng cần có sức khỏe, không chỉ là sức khỏe cá nhân mà còn là sức khỏe xã hội, sức khỏe luôn là hàng đầu. Điều này có thể thấy qua năm 2020 khi Đại dịch Covid-19 lan rộng ra cả thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, nhất là sức khỏe. Năm 2021, nếu thế giới có vắc-xin phòng được dịch bệnh thì chắc chắn người dân Việt Nam và thế giới sẽ yên tâm hơn và kéo theo mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội sẽ tốt lên.

Điều mong ước nữa là môi trường Việt Nam trong sạch, mang lại sức khỏe cho cộng đồng. Con người sống với nhau cũng thân tình thân ái, bình dị như là tính cách của con trâu. Mong ước không có xung đột ngoài biển, xung đột xã hội, môi trường được bảo vệ, không gian tự nhiên, xã hội được an lành. Kinh tế phát triển cũng thể hiện sức khỏe của nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đó cũng là chính mong ước của năm Tân Sửu.

Nhân dịp này, tôi chúc Tạp chí Kinh tế Môi trường phát triển hơn, được phổ biến rộng rãi, được bạn đọc, cộng đồng xã hội đón nhận quan tâm hơn nữa. Qua đó, làm sao để mọi người ý thức hơn trong việc phát triển kinh tế nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân và cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Doãn Kiên (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Tết xưa, Tết nay và ước nguyện năm Tân Sửu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới