Thứ bảy, 08/02/2025 12:10 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/02/2025 10:27 (GMT+7)

Tết trồng cây: Ngẫm từ lời dạy của Bác đến mục tiêu phát triển đất nước theo hướng bền vững

Theo dõi KTMT trên

Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động đã trở thành nét đẹp truyền thống ở mọi miền Tổ quốc mỗi dịp Tết đến xuân về. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, trồng cây gây rừng còn là tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Theo thống kê của trang Statista (một nền tảng thống kê trực tuyến hàng đầu), trung bình mỗi năm, thiên tai lấy đi mạng sống của khoảng 60.000 người trên khắp thế giới. Trong năm 2024, các loại hình thiên tai từ nắng nóng đến mưa, lũ, động đất, cháy rừng đã hoành hành và gây thiệt hại nặng nề ở nhiều quốc gia, nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam.

Một trong những thiên tai khốc liệt nhất trong năm 2024 là siêu bão Yagi (ở Philippines gọi là Bão Enteng). Cơn bão này đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực, bao gồm: Philippines, Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar. Bão Yagi khiến ít nhất 844 người thiệt mạng, 2.279 người bị thương, nhiều người bị mất tích và gặp khó khăn trong tìm kiếm, cứu nạn. Đây cũng là một trong những cơn bão gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong lịch sử, ước tính khoảng 16.6 tỷ USD.

Tết trồng cây: Ngẫm từ lời dạy của Bác đến mục tiêu phát triển đất nước theo hướng bền vững - Ảnh 1
Siêu bão Yagi và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại miền Bắc nước ta. Ảnh: VnExpress 

Trong năm 2024 còn xảy ra hàng loạt các hiện tượng cực đoan, thảm họa thiên nhiên khác như: Đỉnh núi Phú Sĩ (ngọn núi cao nhất Nhật Bản) ghi nhận tuyết rơi muộn nhất trong 130 năm qua, nguyên nhân do nhiệt độ trên đỉnh núi cao hơn gần 4 độ C so với mức bình thường. Siêu bão Helene đổ bộ vào bang Florida (Mỹ) trong tháng 9 gây mưa lớn chưa từng thấy, cướp đi sinh mạng của hơn 230 người. Tháng 11, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) xảy ra đợt tuyết rơi dày "trăm năm có một" kể từ khi có số liệu thống kê vào năm 1907. Sự kiện thời tiết này khiến hơn 140 chuyến bay bị hủy, ít nhất 5 người thiệt mạng do tiết trời lạnh giá…

Đầu năm 2025, tại Los Angeles thuộc bang California (Mỹ) đã xảy ra thảm họa cháy rừng kinh hoàng. Đám cháy khởi phát ngày 7/1 và nhanh chóng lan rộng do thời tiết khô hanh, gió mạnh. Tính đến ngày 11/1, các đám cháy rừng ở đây đã càn quét hàng chục ngàn ha đất tại khu vực; hàng chục ngàn ngôi nhà cùng các công trình khác bị thiêu rụi và nhiều người thiệt mạng. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, độ ẩm thấp và thảm thực vật khô do hạn hán đã tạo điều kiện thời tiết thuận lợi gây ra cháy rừng.

Hiện tượng cháy rừng thường xuyên xảy ra ở khu vực miền Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến tình hình này trở nên tồi tệ hơn. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, nếu con người không có cách bảo vệ môi trường, để nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng thì thiên tai sẽ xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn nhiều.

Tết trồng cây: Ngẫm từ lời dạy của Bác đến mục tiêu phát triển đất nước theo hướng bền vững - Ảnh 2
Siêu bão Helene đổ bộ vào bang Florida (Mỹ) trong tháng 9. Ảnh: Reuters

Thiên tai là hiệu ứng của các tai biến thiên nhiên (Natural hazards). Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng rủi ro thiên tai bao gồm: Tác động gia tăng cường độ thiên tai của biến đổi khí hậu; quy hoạch phát triển yếu kém dẫn đến gia tăng mức độ ảnh hưởng của thiên tai; sự nghèo đói và suy thoái môi trường làm gia tăng tính tổn thương. Tại Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương tháng 8/2024, ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng cảnh báo về việc nhiệt độ nước biển tăng cao do tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các cơn bão trở nên “tồi tệ hơn”.

Bên cạnh đó, hiệu ứng nhà kính cũng làm tăng mực nước biển dâng, gia tăng nguy cơ ngập lụt ở các vùng ven biển. Khi các cơn bão kết hợp với hiện tượng nước biển dâng, hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn. Nhìn trên diện rộng, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu. Một báo cáo mới từ World Weather Attribution cho biết, hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ khiến các nước Trung Âu phải đối diện với nhiều trận mưa lớn và lũ lụt tàn khốc hơn trong tương lai. Tuy nhiên, nguy cơ thảm họa vẫn có thể giảm thiểu bằng việc bảo vệ môi trường, chung tay làm cho thế giới xanh - sạch hơn.

Trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính và các tác hại do biến đổi khí hậu gây ra. Từ vấn đề cấp thiết này, ngẫm về phong trào Tết trồng cây được Bác Hồ khởi xướng, chúng ta càng thêm thấm thía tầm nhìn của Bác về tương lai xanh của đất nước - “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Ngày 28/11/1959, trong bài viết “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng và mong muốn trong 10 năm nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Ðiều đó góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân, tạo nên một màu xanh cho đất nước, góp phần bảo vệ mùa màng, bảo vệ xóm làng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, hạn chế thiệt hại của mưa bão, sạt lở đất và xói mòn.

Trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân của Tết Nguyên đán Canh Tý năm 1960, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất), mở đầu cho một phong trào mới tốt đẹp vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc - Tết trồng cây. Từ đó, Tết trồng cây đã trở thành một nét đẹp văn hóa, truyền thống mới của dân tộc trong những ngày xuân và được duy trì cho đến hiện nay.

Tết trồng cây: Ngẫm từ lời dạy của Bác đến mục tiêu phát triển đất nước theo hướng bền vững - Ảnh 3
Bác Hồ trồng cây đa tại Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất) mở đầu Tết trồng cây. (Ảnh tư liệu)

Nhận thức tầm quan trọng của việc trồng và bảo vệ cây xanh trong sự nghiệp phát triển bền vững, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều đề án, chủ trương, chính sách trồng và phục hồi rừng, cây phân tán. Trong đó có Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Toàn Đảng, toàn dân tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây, không chỉ mỗi dịp Tết đến xuân về mà còn thực hiện trong suốt mùa xuân.

Theo Cục Lâm nghiệp, trong ba năm 2021-2023 thực hiện Đề án trồng rừng, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh, đạt hơn 121% so với kế hoạch; trong đó có 344,5 triệu cây xanh phân tán, còn lại là cây xanh tập trung. Một số địa phương thực hiện Đề án đạt kết quả cao như: Lào Cai trồng 61 triệu cây, Phú Thọ trồng 52 triệu cây, Long An trồng 45 triệu cây, Gia Lai trồng 37 triệu cây, Nghệ An trồng 34 triệu cây.

Dấu mốc quan trọng trong phát triển kinh tế xanh của Việt Nam là năm 2023, nước ta đã chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn cacbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng). Đây là nguồn tài chính quan trọng, bền vững để đầu tư cho việc bảo vệ và phát triển rừng.

Tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác, trong năm 2024, cả nước đã trồng được 245.000 ha rừng tập trung, 130 triệu cây xanh phân tán, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì trên 42%, công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực.

Bác căn dặn rằng khi mùa xuân tới, mỗi người nên trồng một cây xanh để góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Bác viết “Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”. Ngày nay, trên con đường phát triển xanh và bền vững, trồng cây không đơn thuần chỉ là thực hiện theo lời di huấn của Bác mà còn là yêu cầu sống còn, là hành động thiết thực góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển Việt Nam thịnh vượng, bền vững và bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Tết trồng cây: Ngẫm từ lời dạy của Bác đến mục tiêu phát triển đất nước theo hướng bền vững - Ảnh 4
Trồng cây, gây rừng không đơn thuần là thực hiện lời di huấn của Bác Hồ mà còn là yêu cầu tất yếu để bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái hướng đến phát triển bền vững. Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường đang là xu thế chung của toàn cầu. Trong bối cảnh đó, lời dạy của Bác về việc trồng cây xanh càng thêm ý nghĩa. Trồng cây không chỉ để đất nước có thêm cây xanh mà còn góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi; chống xói mòn, hạn chế lũ lụt;  giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành và tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình, xã hội.

Dự lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Ất Tỵ 2025 tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh mỗi cây xanh được trồng là một món quà vô giá cho thế hệ mai sau. Tết trồng cây không chỉ là phong trào mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về trách nhiệm và tình yêu đối với quê hương, đất nước. Mỗi hành động nhỏ từ việc gieo một hạt mầm, trồng một cây xanh, đến việc bảo vệ, chăm sóc từng cánh rừng đều là hành động ý nghĩa, góp phần kiến tạo tương lai xanh tươi và tràn đầy sức sống.

Việt Nam đang từng bước thực hiện mạnh mẽ các cam kết cùng với sự hỗ trợ của các nước phát triển về công nghệ và tài chính để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Do đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, trồng cây, bảo vệ rừng ngày càng trở nên quan trọng. Hiệu quả từ phong trào trồng cây cùng những đề án, chính sách mà toàn Đảng, toàn dân đang triển khai đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Tết trồng cây: Ngẫm từ lời dạy của Bác đến mục tiêu phát triển đất nước theo hướng bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Để những cung đường xuân thêm xanh
Điện khí hóa giao thông là quá trình chuyển đổi các hệ thống giao thông từ sử dụng năng lượng không phải điện (như nhiên liệu hóa thạch) sang sử dụng năng lượng xanh.

Tin mới

Rét đậm, rét hại đang bao trùm miền Bắc
Do ảnh hưởng từ đợt không khí lạnh tăng cường, rét đậm, rét hại đang bao trùm miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Thủ tướng yêu cầu không được để người dân đói, rét, đau ốm vì rét.