Bảo vệ rừng để đảm bảo sự bền vững của môi trường
Bảo vệ và phát triển rừng giúp bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo sự ổn định của hệ sinh thái và bảo vệ môi trường sống cho con người.
Những lợi ích mà rừng đem lại
Rừng là những bể chứa carbon tự nhiên, hấp thụ CO2 từ khí quyển thông qua quá trình quang hợp. Cây xanh hấp thụ CO2 và lưu trữ carbon trong thân, lá, rễ và đất. Việc này giúp giảm lượng CO2 trong khí quyển, góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Rừng vừa là lá phổi xanh của trái đất, cung cấp nguồn sống cho chúng ta, vừa là bức tường thành, lá chắn tự nhiên che chở con người khỏi thiên tai, hiểm họa.
Rừng cản không cho dòng chảy mặt chảy quá nhanh, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Ở những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai hạn hán và lũ lụt.
Bên cạnh đó, rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước và duy trì chu trình nước. Rễ cây giữ đất và ngăn chặn sự xói mòn, giúp duy trì độ ẩm và bảo vệ các nguồn nước ngầm. Rừng giúp điều hòa dòng chảy của các con sông và suối, giảm nguy cơ lũ lụt và hạn hán. Ngoài ra, rừng còn cung cấp gỗ, dược liệu và nhiều sản phẩm tự nhiên khác, đóng góp vào kinh tế và sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư.
Theo các nhà khoa học, các hàng cây với khoảng cách phù hợp sẽ cản được 30% tốc độ gió và có khả năng bảo vệ phạm vi đất đai gấp hơn 2 lần chiều cao của cây.
Hiện nay, lượng khí cacbonic thải ra ngày càng nhiều, để giải quyết vấn đề này là trồng nhiều cây xanh, vì cây xanh có khả năng hấp thụ khí cacbonic.
Rừng cũng là môi trường sống của hàng triệu loài động, thực vật và vi sinh vật, giúp duy trì và bảo vệ đa dạng sinh học. Sự tồn tại của nhiều loài động, thực vật quý hiếm phụ thuộc hoàn toàn vào rừng. Bảo vệ rừng đồng nghĩa với việc bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì cân bằng của hệ sinh thái và đảm bảo nguồn tài nguyên sinh vật phong phú cho tương lai.
Việc trồng rừng mới và khôi phục các khu rừng bị tàn phá là những biện pháp quan trọng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và duy trì môi trường xanh, sạch và bền vững cho các thế hệ tương lai.
Hậu quả của việc phá rừng
Việc phá rừng làm mất đi nơi ở và nguồn thức ăn của nhiều loài, dẫn đến suy giảm hoặc tuyệt chủng. Điều này ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái, làm mất đi các nguồn tài nguyên sinh vật quý giá.
Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ CO2 từ khí quyển. Khi rừng bị phá hủy, lượng CO2 này sẽ được thải ra khí quyển, góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Sự gia tăng khí nhà kính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như băng tan, nước biển dâng cao, và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mỗi năm Việt Nam xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.
Ngoài do biến đổi khí hậu, đặc điểm địa lý thì tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn là do nạn chặt phá rừng. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn.
Tóm lại, phá rừng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm mất đi các nguồn tài nguyên quý giá mà còn ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu và cuộc sống của con người. Việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững là một nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ hành tinh và đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ sau.
Bích Ngọc