Thiên tai là gì? Nguyên nhân khiến rủi ro thiên tai gia tăng
Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Thiên tai là gì?
Luật phòng, chống thiên tai năm 2013 định nghĩa: Thiên tai (Disaster) là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
Thiên tai là hiệu ứng của các tai biến thiên nhiên (Natural hazards) như: động đất, sóng thần, bão, lũ, lụt, núi lửa phun, các cực trị về thời tiết, sạt lở, xói lở, mưa đá, thiên thạch rơi, sấm sét, v.v.
Rủi ro thiên tai (Disaster Risk) là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế xã hội. Thiệt hại thiên tai gây ra cho con người phụ thuộc vào năng lực phòng chống, khắc phục của con người trước các rủi ro thiên tai, cũng như tính dễ bị tổn thương của đối tượng chịu tác động.
Có 3 nguyên nhân làm gia tăng rủi ro thiên tai
Ba nguyên nhân quan trọng làm gia tăng rủi ro thiên tai theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới gồm: tác động gia tăng cường độ thiên tai của biến đổi khí hậu; quy hoạch phát triển yếu kém dẫn đến gia tăng mức độ ảnh hưởng của thiên tai; và sự nghèo đói và suy thoái môi trường làm gia tăng tính tổn thương.
Loài người càng phát triển thì nguy cơ xảy ra thiên tai và thiệt hại về thiên tai cũng gia tăng. Dù sự phát triển của các quốc gia trên Thế giới có thể diễn ra theo các kịch bản khác nhau, Trung Quốc có thể thay Hoa Kỳ trở thành quốc gia có thu nhập GDP lớn nhất vào năm 2030 hay không thì một điều chắc chắn là quy mô đô thị và dân số Thế giới sẽ tăng, cho dù khó dự đoán được thành phố nào sẽ phát triển và phát triển nhanh đến mức nào. Hầu hết các thành phố đang phát triển hiện nay trên Thế giới là ở các nước đang phát triển và càng tăng trưởng thì nguy cơ tiếp xúc hiểm họa càng tăng. Mật độ dân số và các hoạt động kinh tế ngày càng tăng sẽ làm thay đổi kết quả của bài toán kinh tế về hiệu quả công tác phòng ngừa thiên tai.
Tuy nhiên, nguy cơ thảm họa sẽ giảm nếu như công tác quản lý được thực hiện tốt. Người dân thoát nghèo nhờ tiến bộ công nghệ tốt hơn, tiếp cận thị trường và đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động thúc đẩy lan tỏa lợi ích từ nhóm các tác nhân kinh tế này sang nhóm tác nhân khác thông qua mức độ phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, năng suất cao hơn và các tổ chức, thể chế mạnh mẽ hơn. Không ai mong muốn sống ở các thành phố và phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng, nhưng điều càng không ai mong muốn là không tìm được cơ hội giảm nghèo. Nếu tự hành động và hành động thông qua các chính phủ có trách nhiệm ứng phó với thiên tai, thì người dân có thể sống một cuộc sống no ấm và lâu dài. Cuối cùng, để đạt được tiến bộ, cần phải xây dựng nền thể chế tốt hơn: đây là cơ sở cho phát triển bền vững.
Anh Thư