Thứ hai, 25/11/2024 14:59 (GMT+7)
Thứ hai, 27/04/2020 12:15 (GMT+7)

Suy ngẫm về cuộc tọa đàm tại Hội Sách trực tuyến quốc gia 2020

Theo dõi KTMT trên

Với chủ đề “Hoạt động báo chí, xuất bản với công tác bảo vệ các quyền hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông”, Tọa đàm đã thu hút đông đảo lượng người tham gia cùng trao đổi, luận bàn dân chủ, khách quan, đa chiều với nhiều minh chứng cụ thể, xác đáng.

Suy ngẫm về cuộc tọa đàm tại Hội Sách trực tuyến quốc gia 2020 - Ảnh 1
Đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). (Ảnh: Tạp chí Cộng sản)

Vừa qua, Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 đã được tổ chức qua đó đã khẳng định tầm quan trọng không thể thay thế của các thể loại ấn phẩm, sách, báo, tạp chí. Sách là mẹ của tri thức, được lưu truyền mãi mãi, thế hệ nối tiếp thế hệ.

Trong khuôn khổ hội sách, tọa đàm với chủ đề “Hoạt động báo chí, xuất bản với công tác bảo vệ các quyền hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông” đã thu hút đông đảo lượng người tham gia cùng trao đổi, luận bàn dân chủ, khách quan, đa chiều với nhiều minh chứng cụ thể, xác đáng.

Chúng tôi chỉ xin nêu rất hẹp về một chủ đề đang rất nóng liên quan đến Biển Đông và trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4) và tiến tới kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2020).

Chủ đề Tọa đàm cấp thiết, kịp thời

Tựu chung lại, ý kiến thống nhất nhận định rằng Việt Nam là quốc gia thành viên Liên hợp quốc rất trách nhiệm, luôn tuân thủ tuyệt đối luật pháp quốc tế, hành xử chuẩn mực, độc lập, tự chủ, mang tính xây dựng mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, sự vào cuộc của báo chí, xuất bản cần thiết phải mạnh mẽ hơn nữa, nhiều hơn nữa, thường xuyên hơn nữa ở mọi diễn đàn trong nước và quốc tế. Muốn vậy thì cần nhiều hơn nữa những tư liệu chính thống dưới nhiều hình thức, thể loại để cung cấp kiến thức, sự thật khách quan cho đội ngũ những người làm báo chí. Còn cá nhân mỗi nhà báo có trách nhiệm đọc kỹ, tìm hiểu sâu để nắm vững kiến thức cơ bản và sự thật khách quan qua các tài liệu, sách báo chính thống đó.

Tại buổi Tọa đàm, một số cán bộ giàu kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực biên giới, hải đảo đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, tâm huyết với kiến thức cơ bản sâu rộng, trong số đó phải kể đến Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ. Cá nhân ông Trần Công Trục cũng khẳng định “Báo chí, xuất bản là vũ khí bảo vệ chủ quyền dân tộc”.

Suy ngẫm về cuộc tọa đàm tại Hội Sách trực tuyến quốc gia 2020 - Ảnh 2
Thượng cờ trên biển Hoàng Sa (tỉnh Khánh Hòa). (Ảnh: Tạp chí Cộng sản)

Trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cơ quan báo, tạp chí trong tình hình mới

Hiện nay, Quy hoạch báo chí quốc gia đang được triển khai nhằm sắp xếp lại, kiện toàn các cơ quan báo chí sao cho khoa học nhất, hợp lý nhất có thể để phát huy cao nhất tính Đảng, tính tiên phong trong định hướng dư luận phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế theo đúng tôn chỉ mục đích đã được ghi trong Điều lệ, tuân thủ chấp hành nghiêm Luật Báo chí; mỗi nhà báo thực hiện đầy đủ những điều đã được quy định trong Luật về quyền hạn, bổn phận, trách nhiệm của cá nhân mình.

Chúng tôi suy nghĩ rằng, Tọa đàm đã gợi mở cho mỗi cơ quan báo chí, xuất bản sự cần thiết tự đánh giá lại quá trình hoạt động thực hiện nhiệm vụ của mình đã quan tâm đúng mức đên nội dung liên quan Biển Đông, đến bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán… hợp pháp của Việt Nam và những vấn đề khác về biên giới, cương vực lãnh thổ quốc gia chưa? Từ đó bổ sung, hoàn thiện và làm tốt nhất có thể trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao thuộc chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Chúng tôi là những người làm báo của Tạp chí Kinh tế Môi trường - cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. Trong những năm qua đã làm tốt nhiệm vụ của mình, Tạp chí luôn thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, định hướng đúng đắn dư luận trong lĩnh vực chuyên môn, được Bạn đọc tin yêu, ủng hộ. Thời điểm tàu Bình Minh của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp, rồi những vụ đâm tàu cá, phun vòi rồng uy hiếp bà con ngư dân ta khi đánh cá hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhiều vụ gây đổ máu, thiệt hại lớn về người và của của ngư dân Việt nam. Những khi đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã lên tiếng phản đối cùng một số tổ chức phi chính phủ khác. Còn nữa, những bài viết về sự hủy hoại tài nguyên biển khi Trung quốc xây dựng phi pháp trên cấc bãi đá ngầm và các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đăng trên các số Tạp chí của Hội cũng được đánh giá cao.

Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có tiếng nói cùng hệ thống báo chí cả nước góp phần lên án mạnh mẽ hơn nữa đối với sự ngang ngược của Trung quốc trên Biển Đông theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng.

Tất cả vì non sông gấm vóc Việt Nam, vì biển đảo quê hương! Báo chí cùng đoàn kết để góp phần thiết thực hun đúc tinh thần đại nghĩa, đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn anh dũng kiên cường trong cuộc đấu tranh chính nghĩa vì hòa bình, độc lập, giữ vững chủ quyền quốc gia trong mọi tình huống, xây dựng và gìn giữ một Việt Nam hùng cường và trường tồn mãi mãi.

Nhà báo Trương Mạnh Tiến

Bạn đang đọc bài viết Suy ngẫm về cuộc tọa đàm tại Hội Sách trực tuyến quốc gia 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới