Chủ nhật, 24/11/2024 09:16 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/11/2023 15:36 (GMT+7)

Rác thải nhựa thủ phạm âm thầm bức tử đại dương

Theo dõi KTMT trên

Theo nghiên cứu mới đây nhất, số lượng mảnh nhựa dưới biển có thể nhiều hơn cá vào năm 2050. Vậy nhưng, rác thải nhựa trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn tăng lên hàng ngày, tỷ lệ nghịch với sức khỏe môi trường, động vật biển và còn người.

Ý thức kém, hậu quả kép 

Theo thông kế trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu động vật biển chết vì rác thải nhựa, gần 1.000 loài động vật biển bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm đại dương, có hơn 500 địa điểm được ghi nhận là vùng chết, nơi sinh vật biển không thể tồn tại. Thậm chí, rác thải nhựa tạo thành những đảo ô nhiễm lớn, điển hình như Great Pacific Garbage Patch, khu vực ở Thái Bình Dương giữa California và Hawaii, đang tồn tại đảo rác thải có diện tích khoảng 1,6 triệu km vuông - con số diện tích lớn gấp đôi bang Texas (Mỹ), hoặc gấp ba lần nước Pháp.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Deloitte, hàng năm có tới 1 triệu con chim biển và 100 nghìn rùa biển cùng các loài động vật có vú đã chết sau khi ăn hoặc bị mắc kẹt trong các bãi rác thải nhựa ở đại dương. Cá voi trơn bắc Thái Bình Dương ăn 12-14 nghìn tấn nhựa mỗi năm. Nhựa cũng làm tê liệt san hô khi chúng tiếp xúc với nhựa làm tăng khả năng mắc bệnh từ 4% đến 90%.

Không những vậy, con người cũng đang chịu ảnh hưởng bởi chính những hành động vì tiện lợi, vì kém ý thức trong việc sử dụng rác thải nhựa của mình. Các nhà nghiên cứu từ John Hopkins cho biết những hạt vi nhựa 5mm bị các sinh vật biển hấp thụ, con người ăn hải sản bị nhiễm vi nhựa, để rồi, nhựa tích tụ có thể làm hỏng hệ thống miễn dịch và phá vỡ sự cân bằng của ruột.

Rác thải nhựa thủ phạm âm thầm bức tử đại dương - Ảnh 1

Theo thống kê số lượng mảnh nhựa dưới biển có thể nhiều hơn cá vào năm 2050

Theo thông tin từ Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam, năm 2021, trung bình trong mỗi con cá có 2,1 mảnh nhựa. Rác thải nhựa gây ra cái chết cho nhiều loài sinh vật biển cũng như ảnh hưởng độc hại đến cơ thể con người. Vậy mà, rác thải nhựa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn tăng lên hàng ngày, bất chấp những tín hiệu cảnh báo.

Theo Viện Chiến lược, Chính sáng về tài nguyên và môi trường Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thải ra nhiều túi ni lông nhất Châu Á, mỗi năm người Việt sử dụng hơn 30 tỷ túi ni lông. Thậm chí, trong một nghiên cứu công bố vào giữa năm 2021 tại thành phố biển Đà Nẵng, mỗi năm thành phố này thải ra môi trường trung bình 80.000 tấn rác thải nhựa. 

Không những vậy, dù là nguyên nhân gây “ô nhiễm trắng”, gián tiếp đẩy con người vào cảnh “chết mòn”, nhưng túi nilon, chai nhựa là những đồ vật thiết yếu nếu như không muốn nói là không thể thiếu của đa phần người dân Việt Nam.

Có thể rác thải nhựa đang ngày càng có nhiều “lợi thế” trong việc tác động đến môi trường và đời sống con người, thế nhưng việc xử lý rác thải nhựa lại đang còn nhiều hạn chế, khi có đến 90% được chôn lấp hoặc đốt, chỉ có 10% còn lại được tái chế đúng chuẩn. 

Nâng cao ý thức, chính là nâng cao chất lượng cuộc sống

Vì biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Vậy nên, việc bảo vệ môi trường biển nói riêng và môi trường sống xung quanh nói chung là điều hết sức cần thiết và cấp thiết.

Trong những năm qua, nhiều hành động bảo vệ môi trường đang được thúc đẩy ở khắp mọi nơi trên thế giới. Việt Nam, quốc gia có 3.260 km đường bờ biển cũng đang tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng như thực hiện các chương trình, chính sách,... nhằm giảm ô nhiễm nhựa nói chung và ô nhiễm đại dương nói riêng. 

Như luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có riêng 1 điều (Điều 73) về Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Hay theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đặt ra mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

“Đồng thời, phải kể đến vai trò của người làm khoa học, công nghệ phải tìm ra những biện pháp để có thể thay thế được chất thải, các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường và có những biện pháp áp dụng trong việc sử dụng lại hoặc tái chế lại rác thải nhựa phát sinh” GS.TS Đặng Kim Chi, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết. 

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các vùng, ngành, hay giữa các quốc gia cùng giúp đỡ để xử lí và khắc phục kịp thời những vấn đề môi trường biển, đại dương bị ô nhiễm; thúc đẩy tăng cường quản lý tổng hợp đới bờ (ICM); xây dựng các khu bảo tồn biển; cần dùng một số nguyên liệu có khả năng khử độc, khử khuẩn có nguồn gốc từ thiên nhiên để làm sạch môi trường;...

Nhưng trên hết chúng ta cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đoàn thể, quần chúng nhân dân cùng thống nhất, chung tay thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường như: Các địa phương cần chủ động, thường xuyên thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường biển, tập huấn, thu gom, dọn sạch và xử lý rác thải tại bãi biển,...

Có thể kể đến những hoạt động hiệu quả của bộ đội biên phòng và người dân địa phương tại Nghệ An, bộ đội biên phòng luôn tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, không sử dụng chất nổ, kích điện và ngư cụ có tính chất hủy diệt; Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng các lực lượng địa phương chung tay dọn rác và kêu gọi mọi người chung tay vì môi trường biển xanh - sạch - đẹp…

Rác thải nhựa thủ phạm âm thầm bức tử đại dương - Ảnh 2
Những hoạt động hiệu quả của bộ đội biên phòng và người dân địa phương trong hoạt động bảo vệ môi trường biển

Ngoài ra, để bảo vệ môi trường biển lâu dài, các đơn vị cần huy động lực lượng tham gia trồng cây ven biển. Tiêu biểu như hưởng ứng Chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp trồng 38.000 cây xanh phòng hộ ven biển; tháng 5/2023 tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ ra quân trồng hơn 13.000 cây phi lao tại rừng phòng hộ ven biển…

"Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của biển, thực hiện phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho Việt Nam ta tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai “sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.

Uy Đạt

Bạn đang đọc bài viết Rác thải nhựa thủ phạm âm thầm bức tử đại dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới