Thứ bảy, 04/05/2024 03:44 (GMT+7)
Thứ ba, 12/09/2023 14:57 (GMT+7)

Lan tỏa mô hình gây quỹ giúp đỡ người nghèo từ việc gom rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Việc thu gom rác thải nhựa không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà bằng những mô hình này nhiều chị em phụ nữ đã đã biến rác thành tiền, tạo thêm nguồn quỹ để chăm lo, giúp đỡ các hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Bằng những mô hình “phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; phòng chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường…”, thời gian qua các cấp hội phụ nữ đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này cũng đã nhận được sự quan tâm của các Hội Liên hiệp phụ nữ của nhiều địa phương.

Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã thành lập mô hình "Biến rác thành tiền" và lan tỏa rộng rãi đến tận nhiều thôn, xóm, cứu giúp kịp thời bao mảnh đời bất hạnh. Việc làm nòng cốt của mô hình là vận động các chị em phụ nữ đi xin, thu gom rác thải nhựa, ve chai… về bán lấy tiền giúp những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người bệnh tật tại địa phương. Tại huyện Ninh Phước, mô hình này phát triển mạnh mẽ nhất tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn…

Lan tỏa mô hình gây quỹ giúp đỡ người nghèo từ việc gom rác thải nhựa - Ảnh 1
Gây quỹ giúp đỡ người nghèo từ việc gom rác thải nhựa.

Mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" cũng đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ, Long An) thực hiện khoảng 6 năm qua. Mô hình không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ còn tạo nguồn quỹ giúp người nghèo, khó khăn cơ hội thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, cứ 3 tháng/lần, nhóm chị em phụ nữ thị trấn Tân Trụ cùng nhau tập kết ve chai tại điểm văn hóa khu phố.

Sau đó, tại đây các chị cùng nhau phân loại rồi bán cho vựa ve chai. Trung bình, mỗi đợt các chị thu khoảng 2 triệu đồng.

"Lúc đầu chỉ phát động mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" ở khu phố Tân Bình. Thấy mô hình có hiệu quả, nên Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ nhân rộng ra 2 khu phố nữa", chị Thắm, thổ lộ.

Cũng theo chị Thắm, sau khoảng 6 năm triển khai, mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" đã thực sự phát huy hiệu quả, ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ ngày càng được nâng lên, tình trạng thải rác thải nhựa bừa bãi ra môi trường được hạn chế rất nhiều…

Tại Tuyên Quang phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý và chống rác thải nhựa” giai đoạn 2021 - 2023, từ năm 2022, 21/28 xã, thị trấn thành lập được mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hộ gia đình gắn với thực hiện Đề án số 03/ĐA-BTV ngày 18/4/2021 của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về Tuyên truyền vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, giai đoạn 2021 - 2025. 

Qua thực hiện mô hình, hội viên phụ nữ tích cực tham gia phân loại rác thải tại nguồn và mang đến bãi tập kết đúng quy định. Đối với rác thải có thể tái chế như chai nhựa, vỏ lon, sắt vụn, bìa cát tông… sẽ được tập kết để bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Từ số tiền bán phế liệu, các cơ sở hội đã gây quỹ giúp đỡ hội viên nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và ủng hộ các điểm trường, trường mầm non trên địa bàn huyện. 

Sau 3 năm thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý và chống rác thải nhựa” Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Sơn, Tuyên Quang đã xây dựng được 133 mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; 170 mô hình, thôn, tổ dân phố phòng chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường với  8.068 thành viên. Các cơ sở Hội thu gom phân loại rác thải nhựa gây quỹ được trên 83,8 triệu đồng. Trong đó mua tủ, bàn ghế, đồ dùng học tập, đồ dùng bếp ăn cho các điểm trường, trường mầm non trên địa bàn huyện với tổng trị giá 24,6 triệu đồng; giúp đỡ 230 hội viên phụ nữ nghèo và 102 trẻ em nghèo ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo…

Những mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; phòng chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Sơn gây quỹ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Điều đáng ghi nhận, từ những mô hình này đã lồng ghép được việc thực hành tiết kiệm với các hoạt động xã hội, từ thiện, từ đó tạo sợi dây gắn bó với các hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện với nhau, cùng nhau xây dựng tổ chức hội ngày càng lớn mạnh.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Lan tỏa mô hình gây quỹ giúp đỡ người nghèo từ việc gom rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới