Chủ nhật, 24/11/2024 10:22 (GMT+7)
Chủ nhật, 15/10/2023 04:53 (GMT+7)

Rác thải nhựa - mối nguy hại toàn diện

Theo dõi KTMT trên

Toàn diện là bởi rác thải nhựa đang không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống hàng ngày mà nó còn đang tác động xấu đến sức khỏe con người, ngành công nghiệp, du lịch,... Để rồi chỉ vì một chút tiện lợi, con người đang phải trả một cái giá đắt “cắt cổ”.

Rác thải nhựa và những con số báo động đỏ

Túi nilon hay các sản phẩm nhựa dùng một lần (chai nhựa, cốc nhựa, ống hút, hộp xốp...) là những vật dụng hết sức quen thuộc, tiện lợi nếu như không muốn nói thiết yêu, không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Vì vậy, dù là ở đâu, đồng bằng, miền núi, miền biển, thành thị hay miền quê ta đều có thể dễ dàng bắt gặp sự hiện diện của các sản phẩm nhựa dùng một lần. 

Chúng nhiều đến mức mà theo thống kê, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. 

Theo Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, người Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi nilon, trung bình mỗi ngày một gia đình dùng 4 túi. Còn theo thống kê từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, năm 1990, mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ 3,8kg nhựa mỗi năm, nhưng 25 năm sau, con số này đã là 41kg.

Rác thải nhựa - mối nguy hại toàn diện - Ảnh 1
Năm 1990, mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ 3,8kg nhựa mỗi năm, nhưng 25 năm sau, con số này đã là 41kg.

Chính sự tiêu thụ “mạnh tay” ấy mà Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hàng năm, là một trong 4 quốc gia thải ra nhiều túi nilon nhất Châu Á, và còn là một trong 5 nước gây ô nhiễm hàng đầu cho các đại dương trên thế giới.

Nhưng tiếc rằng, chỉ có 17% ​​trong số đó được tái sử dụng. Số còn lại trở thành rác thải nhựa và đích đến phổ biến cuối cùng của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà là xả ra môi trường, nhất là biển và đại dương. Và những chiếc túi nilon, cốc nhựa, ống hút... bị vứt bỏ giúp chúng ta có được sự tiện lợi trong vài phút nhưng phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy, quả là những con số kinh hoàng! Trong thời gian đó, rác thải nhựa tiếp tục được thải ra, tích tụ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng, ảnh hưởng rất lớn đến hàng nghìn sinh vật sống, bao gồm các loài động vật, vi sinh vật và cả con người.

Theo dự báo, lượng rác thải của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới và Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Một lượng chất thải đáng kể đang được chôn trực tiếp tại các bãi chôn lấp hoặc xả ra biển. Và ngày qua ngày chúng đang “âm thầm” biến sự tiện lợi của mình thành những điều bất lợi.

Rác thải nhựa - tiện lợi nhưng lại là lợi bất cập hại

Khi rác thải nhựa thải ra môi trường thì tài nguyên quanh ta sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Vì Việt Nam chưa có chế tài để kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, tái chế rác thải nhựa. Hầu hết các cơ sở tái chế chỉ có năng lực hạn chế, tự phát, được thực hiện tại các làng nghề thủ công, lạc hậu với cách thức như chôn vùi hoặc đốt, những hành động ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Việc đốt rác thải nhựa sẽ tạo ra một lượng lớn khí CO2, gây ra hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ trung bình thế giới tăng nhanh. Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Lê Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cảnh báo: “Trái đất hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng CO2 tăng. Nếu nhiệt độ này tăng đến 2 độ C thì loài người sẽ bước vào giai đoạn diệt chủng. Và với tốc độ tăng như hiện nay thì chỉ 20 năm nữa con người sẽ đạt ngưỡng 2 độ C”.

Rác thải nhựa - mối nguy hại toàn diện - Ảnh 2
Đốt rác thải nhựa sẽ tạo ra một lượng lớn khí CO2, gây ra hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ trung bình thế giới tăng nhanh.

Tương tự việc chôn lấp rác thải nhựa, tưởng chừng như là “vô thưởng vô phạt” thế nhưng lại là một trong những tác nhân tác động cực kỳ nguy hiểm đến môi trường, nhất là tài nguyên đất. “Rác thải nhựa khi bị chôn lấp sẽ làm đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng", ông Long cho biết.

Đồng thời, các nano nhựa đi vào đất, ngấm vào nước còn đe dọa trực tiếp hệ sinh thái cây trồng và hệ sinh thái biển. “Rác thải nhựa sẽ gây ra ô nhiễm trắng, ảnh hưởng đến 300 loài thủy hải sản, nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng”, Ths Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên Môi trường) cảnh báo.

Và khi môi trường không còn xanh - sạch - đẹp thì chúng ta, những sinh vật sống dựa vào môi trường, vào tài nguyên đất, nước, không khí sẽ không thể tránh khỏi việc bị tác động. 

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, với lượng rác thải nhựa khổng lồ mà chúng ta thải ra mỗi năm cũng như sử dụng các sản phẩm nhựa quá thường xuyên gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Bởi theo ông Hải "Các hạt vi nhựa nếu ngấm vào cơ thể con người thì không có hóa chất nào tiêu diệt được, để lâu dài sẽ góp phần gây nên những bệnh nguy hiểm, ví dụ dễ nhận thấy nhất là cản trở lưu thông máu.”

Hay đáng sợ hơn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe - phân tích: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người làm việc trong môi trường hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất thải nhựa sẽ bị tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp, các ảnh hưởng về da, mắt và các cơ quan cảm giác khác, hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, hệ thống miễn dịch, thận...thậm chí gây đột biến gen.

"Các hạt vi nhựa rã ra từ chất thải nhựa đi theo một vòng tuần hoàn từ đất đai lên cây trồng, động vật, thủy hải sản...xâm nhập vào cơ thể con người, gây nên nhiều bệnh từ tim mạch, nội tiết, bệnh thận, đặc biệt là nhiều loại ung thư…”, PGS Nga nói.

Đặc biệt, khi túi nilon, chai nhựa, hộp nhựa đựng các loại thực phẩm ở khoảng 80 độ C, chúng có thể khiến các chất phụ gia dễ dàng thôi nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể. Hay với chai nhựa đã tái sử dụng, vi khuẩn gây hại có thể xâm nhập nếu quy trình tiệt trùng, đóng chai không đảm bảo. Ngay cả những chai nhựa tái chế (PET, PETE) cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy. 

Không chỉ dừng lại ở việc ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người mà rác thải nhựa cũng đang ngày ngày tác động đến các ngành như nông nghiệp, thủy hải sản, du lịch,... 

Theo con số thống kê mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 500.000 tấn nilon, gần 78.000 tấn vỏ bao bì phân bón và gần 34.000 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường, một lượng rác thải nhựa đáng báo động trong nông nghiệp thải ra mỗi năm. Trong khi đó, ngành thủy sản cũng “đau đầu” vì rác thải nhựa. Cả nước có hơn 100.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản các loại, mỗi năm thải xuống lòng biển hàng chục nghìn tấn rác thải nhựa, để lại những hậu quả khôn lường cho ngành thủy sản.

Rác thải nhựa - mối nguy hại toàn diện - Ảnh 3
Nhiều nơi giờ đây đã trở thành "biểu rác thải", ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng ngàn sinh vật biển

Du lịch cũng là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn bởi rác thải nhựa. Tiêu biểu như vùng biển Thanh Hóa đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường với lượng lớn chất thải nhựa gây ô nhiễm. Đặc biệt, một số địa điểm chôn lấp rác tại các địa phương có biển luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, tại nhiều khu vực ven biển, do hoạt động du lịch phát triển mạnh đã vượt khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường. Lượng khách du lịch tăng cao kéo theo sự phát sinh chất thải, trong khi số lượng được thu gom, xử lý còn có những hạn chế nhất định.

Các chuyên gia chỉ rõ, nguyên nhân của thực trạng trên chính là do có những lỗ hổng về pháp luật và việc thực thi chưa nghiêm. Trong khi đó, nhận thức của người dân còn hạn chế, quy mô sản xuất thủy sản nhỏ lẻ manh mún, công tác thanh kiểm tra và giám sát chưa chặt, thiếu công nghệ kỹ thuật thu gom, xử lý rác thải nhựa.

“Nếu để lâu dài thì các nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp hàng ngày để nuôi sống con người sẽ bị nhiễm độc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người”, một chuyên gia cảnh báo.

Uy Đạt

Bạn đang đọc bài viết Rác thải nhựa - mối nguy hại toàn diện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới