Quảng Nam: Xây đê ngầm, tái tạo bãi biển chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại
Dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại với tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống công trình phòng, chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
HĐND tỉnh Quảng Nam vừa có Nghị quyết về việc Quyết định chủ trương đầu tư dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, thành phố Hội An.
Theo đó, dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, TP.Hội An được thực hiện trong 2 năm 2022-2023.
Đây là Dự án thuộc nhóm B, với tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
Mục tiêu đầu tư nhằm phòng, chống xói lở bờ biển, tái tạo lại bãi biển; từng bước hoàn thiện hệ thống công trình phòng, chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, TP.Hội An, góp phần giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Quy mô đầu tư dự án là xây dựng hệ thống đê ngầm giảm sóng và giữ chân bãi nhân tạo song song, cách bờ 250m-300m có chiều dài khoảng 550m, bắt đầu từ điểm cuối của dự án Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại (TP. Hội An) hiện đang triển khai thực hiện về phía Bắc.
Bên cạnh đó, san lấp tạo bãi có chiều dài khoảng 1.450 m; trong đó, 550 m song song với hệ thống đê ngầm bắt đầu từ điểm cuối của dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An) về phía Bắc; 900m nằm điểm giữa 2 vị trí nuôi bãi của dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An) đang triển khai thực hiện, kết hợp nạo vét luồng tận dụng nguồn cát san lấp tạo bãi.
Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh Quảng Nam giao UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định; tăng cường công tác phối hợp và nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác lập, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán... đảm bảo mỹ quan và hiệu quả đầu tư dự án.
Đồng thời báo cáo cơ quan trung ương bố trí kế hoạch vốn hằng năm để thực hiện dự án đảm bảo theo tiến độ được phê duyệt… Tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định đối với những vấn đề phát sinh của dự án.
Được biết, Quảng Nam là 1 trong 28 tỉnh/thành phố giáp biển của Việt Nam với đường bờ biển dài 125 km. Biển đã mang lại nguồn thu lớn về ngư nghiệp và du lịch địa phương, tuy nhiên, tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển diễn ra trong hơn 10 năm qua ngày càng trở nên nghiêm trọng, với cường độ mạnh hơn. Trung bình mỗi năm, bờ biển Cửa Đại bị sóng biển đánh sạt lở ăn sâu vào trong đất liền vài chục mét.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam Nguyễn Văn Tân, trong những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông trên địa bàn đã và đang diễn ra rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về quy mô và phạm vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các khu du lịch; ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống nhân dân trong khu vực.
Riêng tại Hội An, hơn 2.000 m bờ biển đã và đang bị xâm thực mạnh bất thường. Bãi tắm Cửa Đại - một trong những bãi biển đẹp, phục vụ đại đa số người dân và du khách đã không còn. Tuyến đường Âu Cơ chạy gần bờ biển có nguy cơ bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp khách sạn lớn, nhà hàng ven biển chịu tổn thất nặng nề.
Do đó, công trình chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, TP.Hội An, được triển khai vào tháng 7/2021; dự kiến hoàn thành trước mùa mưa năm 2022, được kỳ vọng sẽ bước đầu ngăn chặn, làm giảm thiểu thiệt hại do sóng biển gây ra.
Trước đó, Chính phủ và địa phương đã quyết định đầu tư một số dự án để khắc phục tình trạng sạt lở từ km 0+00 đến km 5+500. Trong đó, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ đầu tư dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An với tổng mức đầu tư 1.128 tỷ đồng nhằm xây dựng tuyến đê ngầm dài khoảng 4.000m từ đầu tuyến đến khu vực khách sạn Victoria Hội An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2020, Chính phủ cũng đã hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương nhằm xây dựng 2 tuyến đê ngầm dài khoảng 1.500 m nối tiếp dự án do AFD tài trợ đến khu vực UBND phường Cẩm An đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, đến nay dự án đã triển khai thi công khoảng 500 m và dự kiến hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2022.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Cao Cường, Chuyên gia tư vấn thiết kế đê kè cho rằng, “Khi thiết kế 1 tuyến đê kè bảo vệ bờ biển, thì sẽ có rất nhiều yếu tố tác động đến việc đánh giá. Đó là địa hình địa chất, thực tế tính toán sóng. Sau khi thu thập các số liệu đơn vị thiết kế người ta sẽ phải tính toán và căn cứ vào nhiều yếu tố khác nữa người ta sẽ đưa ra các phương án tốt nhất”.
Ngoài ra, phương án chống sạt lở khu vực lân cận cũng được Quảng Nam nghiêm túc nghiên cứu. Mới đây nhất, Quảng Nam đã đề nghị Trung ương đầu tư xây dựng dự án Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, Hội An với chiều dài 1,5 km trong tổng số 8 km đang và có nguy cơ sạt lở. Trong lúc chờ Trung ương xem xét, người dân khu vực này vẫn phải tìm cách sống chung với sạt lở bằng những bao cát thô sơ….
Bờ biển Hội An là nơi diễn ra sạt lở nặng nhất tỉnh Quảng Nam. Hơn 10 năm qua, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được bố trí chống sạt lở với nhiều phương pháp. Từ cọc larsen chống xói mòn, kè bê tông cứng, kè mềm bằng túi địa kỹ thuật và kè ngầm cản sóng.
Lan Anh