Thứ sáu, 22/11/2024 18:44 (GMT+7)
Thứ tư, 24/03/2021 06:10 (GMT+7)

Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương

Theo dõi KTMT trên

Người dân khắp các châu lục sinh sống, làm việc và nghỉ mát ngày càng có thiên hướng “đổ xô” đến bờ biển. Chất thải nhựa theo các cơn thủy triều cũng ngày càng nhiều chưa từng có.

Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 1
Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 2
Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 3

Hơn 50 năm qua, công cuộc sản xuất và tiêu thụ nhựa toàn cầu liên tục tăng. Ước tính có khoảng 299 triệu tấn nhựa được sản xuất trong năm 2013, tăng 4% so với năm 2012 và tiếp tục tăng lên trong những sau.

Năm 2008, tiêu thụ nhựa toàn cầu trên toàn thế giới ước tính khoảng 260 triệu tấn. Đến cuối năm 2015, theo báo cáo của các nhà phân tích ngành công nghiệp toàn cầu, tiêu thụ nhựa đạt 297,5 triệu tấn. Ước tính sản lượng sản xuất ngành nhựa được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới và tăng gấp 4 lần cho tới năm 2050.

Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 4

Nhựa là một chất linh hoạt, nhẹ, chống ẩm, bền, và tương đối rẻ tiền. Đó là những phẩm chất hấp dẫn chúng ta, đó là lý do vì sao con người sản xuất và tiêu thụ hàng loạt hàng hóa bằng nhựa khắp thế giới. Nhưng nhựa lại là thứ quá bền và rất chậm biến chất. Sự ưa chuộng của con người đối với các sản phẩm nhựa trở thành hiểm họa khôn lường với môi trường.

Chỉ cần dạo bước ở bất kỳ bãi biển, bất kỳ quốc gia nào cũng thấy, mỗi bước chân đều có rác thải nhựa “níu gót”.

Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 5

Trên toàn thế giới, số liệu thống kê về rác thải nhựa tăng đáng kinh ngạc. Hàng tấn mảnh vụn nhựa bị loại bỏ mỗi năm, ngập tràn khắp mọi nơi khiến đất ô nhiễm, sông ô nhiễm, bờ biển, bãi biển và đại dương chìm trong ô nhiễm.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science vào tháng 2/2015 tiến hành bởi một nhóm các nhà khoa học làm việc tại Trung tâm phân tích và tổng hợp sinh thái quốc gia của UC Santa Barbara (NCEAS) đã đưa ra những con số giật mình: Mỗi năm, 8 triệu tấn nhựa đi vào lòng đại dương. Ước tính năm 2025 số lượng rác thải nhựa này sẽ tăng lên 20 lần, tức là khoảng 160 tấn nhựa.

Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 6
Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 7

Nằm giữa châu Á và Bắc Mỹ, phía Bắc của quần đảo Hawaii, khu vực dành cho động vật hoang dã Midway Atoll chủ yếu là nước bao quanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, Midways đã phải hứng chịu các đợt thủy triều nhựa, hoặc đón nhận được một lượng lớn mảnh vụn bằng nhựa bắn ra từ đảo rác Thái Bình Dương.

Các bãi biển của Midway bị bao phủ bởi các mảnh vụn lớn và hàng triệu hạt nhựa trong cát. Không khí ngột ngạt, sóng xô bờ liên tục đưa rác nhựa vào khu du lịch.

Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 8

Ở trên bờ, hàng ngàn xác chim chết với đống nhựa đầy màu sắc còn sót lại trong dạ dày nằm la liệt trên bãi biển. Trong nhiều trường hợp, bộ xương động vật đã phân hủy hoàn toàn nhưng các cọc nhựa bằng kích thước dạ dày vẫn trơ đó, nguyên vẹn. Nhiều người dân ở đây đã theo dõi những con chim biển chọn những miếng nhựa đỏ, hồng, nâu và xanh dương, vì chúng giống với thức ăn của chúng. Người ta ước tính rằng 1,5 triệu con hải âu Laysan (Laysan Albatrosses) sống ở Midway đều có nhựa trong hệ tiêu hóa của chúng và 1/3 số chim con bị nghẹn nhựa mà chết, biến Midway Atoll trở thành “nghĩa địa hoang dã”.

5 nghệ sĩ truyền thông, do nhiếp ảnh gia Chris Jordan đứng đầu, đã tiến hành quay phim và chụp ảnh những ảnh hưởng thảm khốc của ô nhiễm nhựa tại biển Midway. Nhựa đã và đang ảnh hưởng lớn đến sinh vật biển trên bờ và ngoài bờ, từ cá voi, sư tử biển và chim đến các sinh vật vi mô gọi là động vật phù du.

Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 9

Trong một báo cáo của tổ chức Hòa bình Xanh từ năm 2006, cho biết, đã có ít nhất 267 loài động vật khác nhau bị vướng rác và nuốt phải các mảnh vụn nhựa. Theo Cục Hải dương học và Khí quyển Mỹ, các mảnh vụn nhựa giết chết khoảng 100.000 động vật có vú biển hàng năm, cũng như hàng triệu loài chim và cá.

Nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc về các khía cạnh khoa học của ô nhiễm biển (GESAMP) cũng ước tính rằng, nguồn rác trên đất liền chiếm 80% rác thải dưới đại dương, 60- 95% chất thải là các mảnh vụn nhựa.

Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 10

Hầu hết chất thải nhựa rải rác trên toàn thế giới đổ ra biển, chúng bị xoáy bởi dòng nước, rác nhựa tích tụ theo thời gian ở trung tâm của các xoáy biển lớn hình thành các “vệt rác” lớn.. Nổi tiếng nhất trong số những “vệt rác” này là Great North Pacific Garbage Patch được thuyền trưởng Charles Moore phát hiện và đưa ra truyền thông, gây xôn xao dư luận vào năm 1997.

Năm 2004, một nghiên cứu do TS Richard Thompson tại Đại học Plymouth, Vương quốc Anh làm trưởng nhóm đã báo cáo, tìm thấy số lượng lớn các hạt nhựa trên các bãi biển và vùng biển ở châu Âu, châu Mỹ, Úc, châu Phi và Nam Cực. Họ gọi các viên nhựa nhỏ được gọi là “nước mắt của nàng tiên cá”, lan rộng ra khắp các vùng biển trên thế giới. Một số viên nhựa đã bị phân mảnh thành các hạt mỏng hơn đường kính của tóc người. Chúng trôi nổi trên biển và cuối cùng đi vào bụng động vật biển.

Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương - Ảnh 11

Trong một cuộc họp báo năm 2009, Giám đốc Cục kiểm soát chất độc hại California (DTSC), Maziar Movassaghi đã đưa ra một chai thủy tinh nhỏ chứa đầy nước biển lấy từ biển Great North Garbage Patch. Bên trong chai nước biển u ám với hàng trăm mảnh nhựa mảnh vụn: “Đó là những gì chúng ta phải dừng lại” - ông nói.

Vậy nhưng, hơn 10 năm sau, con người vẫn tiếp tục sử dụng nhựa và hiểm họa ô nhiễm môi trường cứ ngày một trầm trọng.

Các nghiên cứu về viên nhựa nhỏ của Tiến sĩ Richard Thompson và Hideshige Takada, Yukie Mato - giáo sư Hóa học hữu cơ tại Đại học Tokyo, Nhật Bản đã chỉ ra rằng: các mảnh vụn nhựa gặp các chất gây ô nhiễm khác trong đại dương sẽ hấp thụ các hóa chất độc hại từ nước biển rồi nổi lên trên biển.

Theo Charles Moore, các hạt nhựa này chiếm khoảng 8% sản lượng dầu hàng năm và là nguyên liệu thô cho 260 triệu tấn nhựa tiêu thụ hàng năm trên thế giới. Nhẹ và nhỏ, chúng thoát ra với khối lượng không đáng kể trong quá trình vận chuyển nhưng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Những phát hiện này được công bố trên Bản tin ô nhiễm biển, dựa trên các mẫu được thu thập từ 30 bãi biển ở 17 quốc gia. PCB (Polychlorinated biphenyls - nồng độ chất gây ô nhiễm) trên viên nhựa cao nhất ở bờ biển Mỹ, tiếp theo là Tây Âu và Nhật Bản. Nồng độ cao nhất của DDT (Dichlorodiphenyltrichloroethane), chất độc nhất trong tất cả các loại thuốc trừ sâu được tìm thấy trên bờ biển phía Tây Hoa Kỳ.

Minh Hoàng

Bạn đang đọc bài viết Rác nhựa và cơn thịnh nộ của đại dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới