Ô nhiễm không khí Hà Nội vượt Bắc Kinh năm thứ hai liên tiếp
Nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm 2020 của Hà Nội tiếp tục vượt trên Bắc Kinh, theo một báo cáo chất lượng không khí toàn cầu.
Nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 của Hà Nội đã giảm 19% so với năm 2019, nhưng vẫn cao gấp gần 4 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về mức trung bình theo năm, theo báo cáo của IQAir, công ty công nghệ và thông tin chất lượng không khí.
Thủ đô của Việt Nam đứng thứ 12 trong 92 thủ đô các nước về mức ô nhiễm không khí năm 2020, với nồng độ PM2.5 trung bình là 37,9 microgram/m3. PM2.5 là những chất dạng hạt đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, đặc biệt gây hại cho sức khỏe vì có thể đi sâu vào phổi và hệ tim mạch.
Nếu so với cả các thành phố không phải thủ đô, Hà Nội đứng thứ 8 trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Bến Cát, một thị xã thuộc tỉnh Bình Dương, cũng nằm trong nhóm các nơi ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á, đứng ở vị trí thứ 11.
Mức PM2.5 của Việt Nam giảm so với 2019
Nếu tính trung bình các số liệu từ Việt Nam, mức ô nhiễm đã giảm 18% so với năm 2019, theo báo cáo World Air Quality Report 2020. Báo cáo được IQAir công bố ngày 16/3.
“Các biện pháp giảm sự lây lan của SARS-CoV-2, bao gồm cách ly tập trung, cách ly toàn xã hội kéo dài một tháng, giới hạn tụ tập và đi lại, đã đóng góp 8% vào mức giảm PM2.5 của năm 2020, theo một phân tích tách biệt được tác động của thời tiết ở Hà Nội”, báo cáo của IQAir viết. “Các điều kiện khí tượng thuận lợi giải thích cho mức giảm 10% còn lại so với năm 2019 (ở Việt Nam)”.
Phần nói về Việt Nam của báo cáo 2020 có dữ liệu về hai nơi chưa được ghi nhận trong báo cáo năm 2019, là thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) và thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Với mức PM2.5 trung bình lần lượt là 36,4 microgram/m3 và 33,4 microgram/m3, Bến Cát và Hà Tĩnh có mức ô nhiễm không khí gần bằng Hà Nội.
Con số của ba nơi này cao hơn hẳn so với ba nơi còn lại của Việt Nam được nêu trong báo cáo, theo thứ tự là Huế (trung bình 24,2 microgram/m3), TP.HCM (22 microgram/m3), và Đà Nẵng (14,8 microgram/m3).
Báo cáo cho biết số trạm đo chất lượng không khí của Việt Nam tăng gần gấp đôi, từ 54 trạm ở 4 thành phố (năm 2019) lên 90 trạm ở 24 thành phố (năm 2020). Trong đó có mạng lưới theo dõi chất lượng không khí của các cơ quan chính phủ (67 trạm) lẫn tổ chức phi chính phủ (51 trạm).
“Có 118 trạm đã báo cáo dữ liệu trong năm nay. Số trạm đang hoạt động là 90 trạm”, đại diện của IQAir nói với Zing.
Trong báo cáo năm 2019, IQAir cũng đánh giá cao việc có nhiều cảm biến đo nồng độ bụi PM2.5 được các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam lắp đặt trong năm 2019, khiến số lượng máy đo PM2.5 trên cả nước “tăng gấp ba lần”.
Dù vậy, báo cáo nhận định dữ liệu ô nhiễm không khí ở Việt Nam vẫn còn thiếu, nhất là ở vùng nông thôn.
“Dù hệ thống theo dõi chất lượng không khí được cải thiện và nhận thức được nâng cao, hầu hết thành phố vẫn thiếu dữ liệu thời gian thực và công khai”, báo cáo viết. “Ở các vùng nông thôn, tác động của việc đốt rơm và các sinh khối khác để đun nấu đa phần chưa được giảm thiểu”.
Ô nhiễm không khí toàn cầu cũng giảm
Nếu tính tỉ lệ số ngày trong năm mà mức ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chuẩn “theo ngày” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 microgram/m3, Bến Cát, Hà Tĩnh và Hà Nội đều có tỉ lệ cao, lần lượt là 77%, 55,2% và 69,4%.
Ba thành phố còn lại có tỉ lệ số ngày vượt tiêu chuẩn thấp hơn: Huế (37,2%), TP.HCM (34,4%) và Đà Nẵng (6,6%).
Xét theo tháng, các thành phố trên đa phần có mức PM2.5 cao hơn vào các tháng mùa đông, chẳng hạn các tháng 11, 12, 1, 2 - điều này cũng được ghi nhận trong các báo cáo chất lượng không khí trước đây.
Trong xếp hạng các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, Delhi (Ấn Độ) và Dhaka (Bangladesh) đứng thứ nhất và thứ hai trong ít nhất ba năm liên tiếp, với mức PM2.5 năm 2020 gấp đôi Hà Nội. 22 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới là ở Ấn Độ.
Không chỉ Hà Nội hay Việt Nam, 84% số quốc gia được theo dõi trong báo cáo của IQAir, và 65% số thành phố, cũng ghi nhận chất lượng không khí được cải thiện, do tác động của các biện pháp chống dịch Covid-19.
Chẳng hạn, mức ô nhiễm ở Bắc Kinh giảm 11%, Chicago giảm 13%, Delhi giảm 15%, London 16%, Paris 17% và Seoul 16%.
Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động tới chất lượng không khí. Năm 2020 bằng với kỷ lục năm 2016 là năm nóng nhất được ghi nhận. Cháy rừng và bão cát - những thiên tai mà hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể đang làm trầm trọng hơn - dẫn đến mức ô nhiễm cao ở bang California (Mỹ), Nam Mỹ, Australia hay Serbia, theo báo cáo.
“Năm 2020, ô nhiễm không khí đã giảm một cách bất ngờ. Năm 2021, chúng ta nhiều khả năng sẽ thấy ô nhiễm không khí tăng trở lại do hoạt động con người”, Frank Hammes, CEO của IQAir, nói trong một thông cáo.
“Đô thị hóa nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế sẽ đóng góp vào nồng độ PM2.5 trong không khí. Nếu không có thêm chính sách can thiệp, nồng độ PM2.5 ở các thành phố ở Việt Nam có thể tăng khoảng 20-30% vào năm 2030”, báo cáo của IQAir viết, dẫn lại kết quả một nghiên cứu năm 2018.
Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra ô nhiễm không khí khiến khoảng 50.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm.
Công ty IQAir thu thập dữ liệu từ các trạm đo trên mặt đất, đo nồng độ bụi siêu mịn PM2.5.
Trọng Thuấn