Thứ hai, 25/11/2024 02:08 (GMT+7)
Thứ hai, 14/03/2022 20:00 (GMT+7)

Phục hồi đa dạng sinh học: Cần sự nỗ lực mạnh mẽ của 10 nước thành viên ASEAN

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học là một trong những thách thức môi trường lớn hiện nay. Vì vậy, để bảo vệ đa dạng sinh học của ASEAN, cần xây dựng chiến lược bảo vệ các hệ sinh thái đóng vai trò là nơi cư trú của động vật hoang dã.

4 điểm nóng về đa dạng sinh học

Hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á có lượng phát thải carbon đang tăng nhanh, dẫn đầu là Việt Nam, Indonesia, Philippines. Trong đó nguyên nhân tăng lượng phát thải chủ yếu là do hoạt động mở rộng sản xuất nhiệt điện than và giao thông vận tải dựa vào dầu mỏ. Hơn nữa, nạn phá rừng và cháy rừng thường xuyên cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu (do khí thải từ đất liền) và mất đa dạng sinh học vì chúng làm giảm sinh cảnh của nhiều loài động thực vật.

Do vậy, các quốc gia này hy vọng rằng những cơ chế tài trợ như REDD+ (khuyến khích bảo vệ rừng) và Quỹ Khí hậu xanh có thể được mở rộng và giúp khu vực đạt được các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, giới bảo vệ môi trường ngày càng lo sợ sự chậm trễ này có thể gây ra thảm họa.

Với Đông Nam Á còn có thêm mối lo khác. Thay vì nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải bảo vệ tốt hơn cảnh quan và dẹp bỏ nạn buôn bán động vật hoang dã, ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng đại dịch và hậu quả suy giảm kinh tế có thể dẫn đến sự tàn phá lớn hơn bởi cả hai yếu tố này đều tập trung vào phát triển trong khu vực và cũng làm gia tăng sức ép lên thiên nhiên do các cộng đồng nông thôn ngày càng nghèo đói hơn.

Phục hồi đa dạng sinh học: Cần sự nỗ lực mạnh mẽ của 10 nước thành viên ASEAN - Ảnh 1
Việc phục hồi đa dạng sinh học cần những hoạt động hợp tác mạnh mẽ giữa các bên liên quan của 10 nước thành viên ASEAN. (Ảnh minh họa)

Với chủ đề “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức”, năm Chủ tịch ASEAN 2022 nhằm nhấn mạnh việc phục hồi đa dạng sinh học cần những hoạt động hợp tác mạnh mẽ giữa các bên liên quan của 10 nước thành viên ASEAN và hơn thế nữa.

Khoảng 20% các loài động, thực vật có xương sống trên hành tinh chỉ được tìm thấy ở khu vực thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà không có nơi nào khác trên thế giới có được. ASEAN là khu vực có 4 điểm nóng về đa dạng sinh học, có mức độ đa dạng và phong phú về loại và tính đặc hữu rất cao. Hiện con số này có thể tiếp tục tăng lên. Giới chuyên gia cho biết, trong giai đoạn từ năm 1994 đến 2004, ASEAN đã có hơn 2.200 loài mới.

Là nơi sinh sống của đa dạng các loài động vật hoang dã, ASEAN đã và đang thu được nhiều lợi ích kinh tế nhờ các loài động vật hoang dã khỏe mạnh và phát triển tốt trong khu vực.

Theo đó, các ngành nông nghiệp và nghề trồng hoa tại ASEAN đang ngày càng phát triển nhờ vào gần 5.000 loài cây trồng quan trọng về kinh tế, trong đó có cây lương thực, cây thuốc và cây cảnh, tre, gỗ, cũng như nhiều loại cây khác. Sự xuất hiện của nhiều loài chính đã góp phần quan trọng vào sự phát triển trên, đặc biệt phải kể đến các loài thụ phấn và phân tán hạt giống, giúp khu vực này có thể nhân giống và mở rộng lớp phủ thực vật một cách tự nhiên.

Ngoài ra, động vật hoang dã bản địa cũng góp phần quan trọng cho bản sắc và văn hóa ASEAN. Mối liên hệ mật thiết của khu vực với thiên nhiên đã truyền cảm hứng cho sự hiểu biết chung về trách nhiệm chung.

Tuy vậy, các loài quan trọng này và môi trường sống của chúng phải chịu áp lực lớn do các mối đe dọa ô nhiễm và săn bắt gia tăng. Theo báo cáo hợp tác năm 2019 về Chấm dứt các loài tuyệt chủng trong khu vực ASEAN, nhiều loài ở đây đang bị đe dọa hơn so với các khu vực khác là cảnh báo từ Báo cáo do Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) và Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên của Ủy ban Hành động vì các loài châu Á (ASAP) thực hiện.

Xây dựng chiến lược bảo vệ hệ sinh thái

Báo cáo trên cũng cho thấy, các quốc gia đang thực hiện các sáng kiến để cứu động vật hoang dã. Tuy vậy, trên hết, vẫn cần bảo tồn khoảng 45% các loài động vật có xương sống ở đất liền và trong môi trường nước ngọt ở Đông Nam Á. Đồng thời, cần tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài quan trọng này, từ đó đảm bảo hợp tác xuyên ngành và xuyên biên giới.

Để bảo vệ đa dạng sinh học của ASEAN, cần xây dựng chiến lược bảo vệ các hệ sinh thái đóng vai trò là nơi cư trú của động vật hoang dã. Chiến lược này sẽ bao gồm việc đảm bảo quản lý và điều hành hiệu quả các khu vực bảo tồn mà Chương trình Vườn Di sản ASEAN (AHP) đang thực hiện. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa luật pháp, đặc biệt là buôn bán động vật hoang dã và thực hiện Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Tuy nhiên, việc bảo vệ các loài động vật hoang dã quan trọng đòi hỏi sự đầu tư và nghiên cứu sâu về bảo vệ thực địa, chống buôn bán động vật hoang dã, cũng như giảm nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Trước đó, trong một báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho biết, nước biển dâng không phải là mối đe dọa duy nhất mà Đông Nam Á phải đối mặt. Nhà khoa học khí hậu Winston Chow, một trong những tác giả liên quan đến báo cáo IPCC nhận định, châu Á đã và đang phải chịu nhiều tác động liên quan đến biến đổi khí hậu, như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng đô thị cũng như mất đa dạng sinh học và môi trường sống.

Đối diện với tình trạng đáng báo động này, IPCC nhấn mạnh rằng để giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với xã hội, việc thích ứng phải đi đôi với nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng. IPCC cho biết: "Muốn thích ứng thành công đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp, tham vọng hơn và tăng tốc, đồng thời cắt giảm nhanh và sâu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Lượng khí thải giảm càng nhanh, càng xa, con người và thiên nhiên càng có nhiều phạm vi thích ứng".

Được biết, Đông Nam Á sở hữu 1/3 các cảnh quan nhiệt đới và đa dạng sinh học quan trọng của thế giới, cùng với Amazon ở Nam Mỹ và Congo ở châu Phi. Đây cũng được xem là ngôi nhà của 20% các loài thực vật và động vật có xương sống trên hành tinh. So với các điểm nóng khác, Đông Nam Á có mật độ dân cư đông đúc hơn nhiều với dân số hơn 800 triệu người – nhiều hơn cả Amazon và Congo cộng lại.

“Cộng đồng toàn cầu phải đầu tư nhiều hơn nữa và tăng cường quy mô cũng như tốc độ thực hiện các cam kết bảo vệ thiên nhiên và ngăn ngừa mất mát các loài”, một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Là một trong những quốc gia tích cực tham gia các công ước quốc tế về đa dạng sinh học, Việt Nam nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, từ đó đóng góp vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ Cam kết của các nhà Lãnh đạo về thiên nhiên nhân Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học trong khuôn khổ Khoá 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc và đã đóng góp vào việc thực hiện Kế hoạch chiến lược đa dạng sinh học 2011-2020, Các Mục tiêu Aichi và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với Khung đa dạng sinh học toàn cầu.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phục hồi đa dạng sinh học: Cần sự nỗ lực mạnh mẽ của 10 nước thành viên ASEAN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới