Thứ sáu, 26/04/2024 17:20 (GMT+7)
Thứ tư, 19/01/2022 14:10 (GMT+7)

Cơ hội - thách thức đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam cần phải xác định được những cơ hội và thách thức để có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện về mặt chính sách phục vụ quản lý nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng.

Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam cần phải xác định được những cơ hội và thách thức để có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện về mặt chính sách phục vụ quản lý nhằm thực hiện các chủ trương lớn của Đảng về phát triển kinh tế biển xanh lam (Blue Economy) hướng đến thực hiện những cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam với quốc tế đến năm 2030. Vấn đề cần được nhìn nhận và phân tích thấu đáo.

Cơ hội - thách thức đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam - Ảnh 1

Về cơ hội

  • Một là, Hợp tác, hội nhập quốc tế.

            Việt Nam là một trong 178 nước thành viên đã ký cam kết tham gia thực hiện các mục tiêu phát triên bền vững (SDGs). Ngày 10 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam - VSDGs, trong đó lĩnh vực phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển. Đáng chú ý có SDGs 14 liên quan trực tiếp đến bảo tồn hệ sinh thái biển.

  • Hai là, công tác bảo vệ môi trường (BVMT), bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) luôn được quan tâm.

Đảng và Nhà nước Việt Nam rất chú trọng tới công tác BVMT, bảo tồn ĐDSH, trong đó có nội dung về BVMT và ĐDSH biển thể hiện qua việc rất nhiều chủ trương, định hướng và văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cơ hội - thách thức đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam - Ảnh 2

Đối với pháp luật, việc sửa đổi Luật BVMT 2014, ban hành Luật BVMT 2020 có hiệu lực từ tháng 1/2022 là cơ hội để thực thi BVMT, phục hồi và làm giàu hệ sinh thái biển.

  • Ba là, nguồn lực tài chính cho ngành tài nguyên và môi trường dần được cải thiện.

Chi ngân sách cho BVMT đã có những chuyển biến tích cực, với tổng chi tăng dần qua các năm từ 9.772 tỷ đồng năm 2013 (tương đương 0,898% chi ngân sách và 0,273% GDP) lên 20.442 tỷ đồng năm 2019 (tương đương 1,252% tổng chi ngân sách). Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường biển và đất ngập nước theo quy định của luật BVMT 2020 thực thi sẽ tăng nguồn lực tài chính cho BVMT và đa dạng sinh học biển.

  • Bốn là, tổ chức quản lý.

Bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển đã được hình thành từ cấp trung ương xuống địa phương theo hướng tiếp cận tổng hợp, hiệu quả. Theo quy định mới của luật BVMT 2020 vai trò của địa phương được nâng cao, cộng đồng dân cư là chủ thể trong BVMT. Cách tiếp cận mới phù hợp với thực tiễn đã và đang diễn ra.

  • Năm là, sự phát triển của khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Với sự phát triển của KHCN và chuyển đổi số như hiện nay và dự kiến trong tương laic cho kế hoạch 5 năm và định hướng 10 năm tới, việc quản lý tài nguyên và BVMT biển sẽ đảm bảo tính hiệu quả, thông tin và xử lý kịp thời với những sự cố môi trường biển, xác lập rõ ràng và giám sát các khu bảo tồn biển.

Thách thức đối với BVMT, ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam

  • Thứ nhất, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học chưa được ngăn chặn.

            Ô nhiễm môi trường, suy giảm ĐDSH biển vẫn là thách thức lớn đối với môi trường biển, nhất là chất thải nhựa, dầu tràn và nguồn thải từ đất liên của hoạt động sản xuất xả ra sông suối đổ ra biển. Đa dạng sinh học vùng bờ, hệ sinh thái rừng ngập mặn và đất ngập nước chưa được phục hồi hoặc phục hồi chậm.

Cơ hội - thách thức đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam - Ảnh 3
  • Thứ hai, nguồn lực phục vụ công tác BVMT, bảo tồn ĐDSH, hệ sinh thái vẫn chưa đủ đáp ứng đủ, nhất là nguồn lực tài chính.

Mặc dù những năm gần đây, nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT, phục hồi hệ sinh thái nói riêng có xu hướng tăng, tuy nhiên so với thực tiễn yêu cầu vẫn chưa đáp ứng đủ, nhất là nguồn lực đầu tư cho phục hồi hệ sinh thái biển và rừng ngập mặn ven biển.

  • Thứ ba, công tác quản lý bảo tồn ĐDSH còn nhiều bất cập.

   Hiện nay, ở nước ta chưa có một thể chế điều phối thống nhất về bảo tồn ĐDSH. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH được chia sẻ giữa Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, còn tồn tại chồng chéo và xung đột. Trong xã hội, ý thức về bảo tồn và nhận thức được giá trị thực sự của ĐDSH còn hạn chế, trách nhiệm của chính quyền địa phương, ý thức người dân còn thấp.

  • Thứ tư, hệ thống thông tin, dữ liệu còn thiếu, cơ sở vật chất chưa đầy đủ.

Thực tế hiện nay nguồn thông tin/dữ liệu điều tra cơ bản phục vụ quản lý, đặc biệt là các thông tin, dữ liệu về diễn biến chất lượng môi trường, ĐDSH biển chưa đáp ứng yêu cầu cho hoạch định chính sách và phục vụ công tác quản lý.

Đề xuất các quan điểm và chính sách BVMT, ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái biển ở Việt Nam2.1. Về quan điểm

BVMT, duy trì, phục hồi, làm giàu ĐDSH và tăng cường dịch vụ hệ sinh thái biển là cơ sở tiền đề cho phát triển kinh tế biển xanh hướng đến phát triển bền vững

2.2. Các chính sách BVMT, ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái biển cần được xem xét.

-  Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT, ĐDSH và hệ sinh thái biển.

Nâng cao nhận thức là yều tố đầu tiên cần thực hiện để BVMT, ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái biển, nhất là những đối tượng hoạt động kinh tế trên biển và người dân ven biển gắn sinh kế với dịch vụ cung cấp từ môi trường biển.

- Tăng cường nguồn lực BVMT, bảo tồn và phục hồi các loại hình dịch vụ hệ sinh thái biển.

Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách về tăng cường nguồn lực bao gồm nguồn lực con người, nguồn lực cơ sở vật chất trang thiết bị và nguồn lực tài chính. Đối với nguồn lực tài chính thực hiện và triển khai tốt quy định mới về chi trả dịch vụ môi trường biển và hệ sinh thái đất ngập nước đã quy định trong Luật BVMT 2020.

Cơ hội - thách thức đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam - Ảnh 4

- Sớm hoàn thiện qui hoạch không gian biển và qui hoạch vùng bờ.

Việc sớm hoàn thiện qui hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng cho công tác BVMT, ĐDSH biển. Đây là căn cứ để thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương và giữa các ngành kinh tế biển.

- Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế biển bền vững như mô hình kinh tế biển xanh, mô hình carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn trong môi trường không gian biển và ven bờ.

-  Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy chiều dọc và chiều ngang, cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với địa phương để hình thành nên một bộ máy tổ chức đủ mạnh, hiệu quả để điều phối tổng thể các hoạt động trên biển trong công tác BVMT, ĐDSH.

Cơ hội - thách thức đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam - Ảnh 5

- Thực hiện tốt với các quốc gia có vùng biển tiếp giáp với biển biển Việt Nam theo quy ước của quốc tế mà Việt Nam tham gia với trách nhiệm cao trong BVMT, ĐDSH.

-  Phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong BVMT, ĐDSH và dịch vụ môi trường biển hiệu quả.

Cần đầu tư KHCN trong việc kết hợp Viễn thám, GIS và phần mềm xử lý thông tin và quản lý chuyên dụng về môi trường, hệ sinh thái biển. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường, ĐDSH và hệ sinh thái biển để khẳng định chất lượng môi trường, hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái biển của Việt Nam.

PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh; TS.Lại Văn Mạnh; Ths.Nguyễn Thế Thông

Bạn đang đọc bài viết Cơ hội - thách thức đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới