Dọn rác thải nhựa, làm sạch san hô để cứu hệ sinh thái biển
Rác thải nhựa làm “ngập” các đại dương, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái biển, tẩy trắng các rạn san hô và bào mòn môi trường sống các loài động vật biển. Dọn rác thải nhựa, làm sạch san hô là nhu cầu cấp bách tại nhiều vùng biển trên thế giới.
Thế giới có tới hơn 275 triệu người có cuộc sống phụ thuộc vào các rạn san hô khi hoạt động trong các lĩnh vực bao gồm thực phẩm, bảo vệ bờ biển, du lịch và văn hóa… Hiện nay, hầu hết các rạn san hô đều đang bị đe dọa bởi rác thải nhựa.
Theo các số liệu thống kê, có tới 11 tỉ món đồ nhựa đã được tìm thấy trên một phần ba các rạn san hô ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến hơn 15 tỉ vào năm 2025.
Sự ảnh hưởng của rác thải nhựa tới hệ sinh thái biển ngày càng thấy rõ. Với nhựa, sẽ làm tăng gấp 20 lần nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên các rạn san hô. Khi rạn san hô bị phá hủy sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy, đặc biệt sẽ làm mất đi môi trường sống của các loài cá,…
Làm sạch đã trở thành nhu cầu cấp bách tại nhiều khu vực trên thế giới khi tỷ lệ các rạn san hô bị “tẩy trắng” ngày càng nhiều và nhanh.
Các thợ lặn ở Philippines đã có những nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ làm sạch rạn san hô qua các chiến dịch thường xuyên nhằm làm nổi bật tác động của chúng đối với môi trường.
Trong năm nay, chiến dịch được thực thi vào thứ Bảy tuần qua thuộc khu vực biển và bờ biển tỉnh Bantagas nước này.
Khoảng một chục thợ lặn đã nỗ lực dọn rác khỏi rạn san hô và các bãi biển gần đó khi họ đánh dấu Ngày làm sạch thế giới. Bantaga là một địa điểm nổi tiếng để du lịch lặn biển ở phía nam thủ đô Manila.
Nhà tổ chức Carmela Sevilla nói với Reuters: "Đối với mỗi dây câu hoặc lưới mà bạn gỡ bỏ, bạn thực sự có thể ngăn một con rùa chết do mắc vào lưới hoặc ăn phải túi nhựa". Trên tay Carmela là một túi lưới chứa đầy rác.
Philippines, một quần đảo gồm hơn 7.600 hòn đảo với gần 36.300 km (22.555 dặm) bờ biển, là một trong những quốc gia giàu tài nguyên biển nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà vận động cho rằng tài nguyên biển của Philippines đang bị đe dọa do chính quyền địa phương lơ là và việc thực thi luật môi trường lỏng lẻo.
Một người khác trong số những người tham gia dọn dẹp, Haley Osbourne, 35 tuổi, người Canada đã sống ở Philippines 5 năm, cho biết tất cả các thợ lặn nên làm việc của mình bằng cách nhặt bất kỳ rác nào họ bắt gặp khi ở dưới nước.
Hầu hết rác nhựa làm tràn ngập các đại dương trên thế giới đến từ các con sông và bờ biển.
Theo báo cáo năm 2021 của Our World in Data, một ấn phẩm khoa học trực tuyến thì trong tổng số 81% rác thải nhựa ước tính đến từ châu Á thì có tới 1/3 có nguồn gốc từ Philippines.
Ngày Làm sạch Thế giới được tổ chức hàng năm vào thứ Bảy của tuần thứ ba của tháng Chín là một nỗ lực để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân toàn cầu, chống lại những tác hại của biến đổi khí hậu.
Nguyên Đỗ