Hoàn thành bản đồ chi tiết đầu tiên về san hô toàn cầu
Các nhà nghiên cứu đã hoàn thành bản đồ trực tuyến toàn diện về các rạn san hô trên thế giới bằng cách sử dụng hơn 2 triệu hình ảnh vệ tinh từ khắp nơi trên thế giới.
Tập bản đồ San hô Allen, được đặt theo tên người đồng sáng lập quá cố của Microsoft, Paul Allen, sẽ hoạt động như một tài liệu tham khảo cho việc bảo tồn rạn san hô, quy hoạch biển và khoa học san hô khi các nhà nghiên cứu cố gắng cứu những hệ sinh thái mong manh đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu này.
Nhóm nghiên cứu đã công bố hoàn thành tập bản đồ hôm thứ Tư và cho biết đây là bản đồ toàn cầu đầu tiên có độ phân giải cao. Nó cung cấp cho người dùng khả năng xem thông tin chi tiết về các rạn san hô địa phương, bao gồm các loại cấu trúc ngầm khác nhau như cát, đá, cỏ biển và tất nhiên có cả san hô.
Các bản đồ, bao gồm các khu vực sâu tới 50 feet (15 mét), đang được sử dụng để cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách về các khu bảo tồn biển, quy hoạch không gian cho cơ sở hạ tầng như bến tàu và tường chắn sóng và các dự án phục hồi san hô sắp tới.
Greg Asner, giám đốc điều hành Atlas và giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Khám phá Toàn cầu của Đại học Bang Arizona cho biết: “Đóng góp lớn nhất của chúng tôi trong thành tựu này là chúng tôi có một bản đồ thống nhất của toàn bộ quần xã rạn san hô”.
Asner cho biết họ dựa vào mạng lưới hàng trăm người đóng góp trên thực địa, những người đã cung cấp cho họ thông tin địa phương về các rạn san hô để họ có thể lập trình vệ tinh và phần mềm của mình để tập trung vào các khu vực phù hợp.
Tập bản đồ cũng bao gồm các hình ảnh san hô bị “tẩy trắng” do ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu và các yếu tố khác.
Asner cho biết khoảng 3/4 rạn san hô trên thế giới trước đây chưa được lập bản đồ chuyên sâu như vậy, và nhiều rạn san hô hoàn toàn không xuất hiện.
Dự án bắt đầu vào năm 2017 khi công ty của Allen, Vulcan Inc., đang làm việc với Ruth Gates, một nhà nghiên cứu Hawaii, người có ý tưởng tạo ra “siêu san hô” để phục hồi rạn san hô được tài trợ bởi quỹ từ thiện.
Allen cho biết ông muốn giúp cứu các rạn san hô trên thế giới, ý tưởng này sử dụng công nghệ để trực quan hóa dữ liệu, vì vậy Gates đã kết nối nhóm với một công ty vệ tinh có tên Planet, và Allen đã tài trợ cho dự án khoảng 9 triệu USD.
Đại học Queensland ở Úc đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu tham chiếu địa phương để tạo ra các lớp trên tập bản đồ. Bất kỳ ai cũng có thể xem bản đồ trực tuyến miễn phí.
Nguyên Đỗ (theo AP)