Thứ năm, 03/04/2025 05:23 (GMT+7)
Thứ năm, 20/01/2022 16:00 (GMT+7)

Mỹ: Khôi phục đầm lầy lớn nhất đất nước trước nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học

Theo dõi KTMT trên

Ngày 19/1, Nhà Trắng thông báo khoản đầu tư liên bang 1,1 tỷ USD cho việc triển khai dự án khôi phục vườn quốc gia Florida Everglades đồng thời là khu đầm lầy lớn nhất nước Mỹ, nhằm bảo vệ hệ sinh thái tại đây trước sự tác động của biến đổi khí hậu.

Tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh số tiền trên là khoản đầu tư lớn nhất cho vườn quốc gia Everglades trong lịch sử Mỹ và là một phần trong gói nâng cấp hạ tầng cơ sở trị giá 1.200 tỷ USD mà Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2021.

Chính phủ sẽ ủy quyền Công binh lục quân Mỹ phân bổ khoản ngân sách trên.
Theo Nhà Trắng, vườn quốc gia Everglades đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hơn 8 triệu người dân Florida khi đây là nguồn cung cấp nước sạch, góp phần hỗ trợ nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch trị giá 90 tỷ USD của bang này, đồng thời là nơi trú ngụ của hàng chục loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Vườn quốc gia Everglades là khu vực đầm lầy lớn nhất nước Mỹ, bao phủ trên diện tích hơn 607.000 hécta. Hiện khu vực này đang đối mặt với mối đe dọa từ những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu như mực nước biển tăng. Dòng nước mặn có thể gây tác động đến hệ thống nước ngầm tại đây, làm mất sự cân bằng sinh thái giữa thực vật và động vật.

Mỹ: Khôi phục đầm lầy lớn nhất đất nước trước nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học - Ảnh 1
Công viên quốc gia Everglades ở Florida, Mỹ. (Nguồn: Britannica.com)

Dự án khôi phục hệ sinh thái vườn quốc gia Everglades là một trong số kế hoạch bảo tồn hệ sinh thái lớn nhất thế giới. Chính phủ Mỹ có kế hoạch xây dựng hệ thống kênh, đập và máy bơm nhằm khôi phục dòng nước ngọt chảy qua vùng đầm lầy Everglades, vốn bị gián đoạn trong hàng chục năm qua do hoạt động của con người.

Hồi năm 2000, Quốc hội Mỹ đã thông qua kế hoạch liên bang do chính phủ tài trợ trị giá 7,8 tỷ USD để bảo vệ vườn quốc gia Everglades. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được triển khai.

Về tình trạng nguy cấp của hệ sinh thái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng kêu gọi các nước trên thế giới đồng thuận nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đe dọa cuộc sống loài người.

Tổng Thư ký Guterres cho rằng sau 2 thế kỷ sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, hủy hoại rừng, vùng hoang dã và đại dương, làm xói mòn đất đai, con người đã gây ra thảm họa sinh thái trên Trái Đất.

Ông kêu gọi các nước cần hành động mạnh mẽ hơn, ủng hộ quyền hợp pháp của tất cả mọi người trên thế giới trong đối phó với nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học, hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm cung cấp các nguồn tài chính quan trọng và chuyển giao công nghệ giữa các nước.

Ông Guterres mô tả sự can thiệp của con người đối với thiên nhiên là “cuộc chiến tự hủy hoại” và nhấn mạnh rằng chính con người đang thua trong cuộc chiến này. Theo đó, tỷ lệ các loài sinh vật biến mất cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với mức trung bình của 10 triệu năm trước và tỷ lệ này đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

Hơn 1 triệu loài thực vật, động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá và động vật không xương sống đang đối mặt với mối đe dọa.

Mỹ: Khôi phục đầm lầy lớn nhất đất nước trước nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học - Ảnh 2
Hơn 40% các loài lưỡng cư đang bị đe dọa. (Ảnh minh họa)

Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết thêm sự sụp đổ của hệ sinh thái có thể dẫn đến tổn thất khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030, đồng thời nhấn mạnh rằng các nước đang phát triển có nguy cơ đối mặt với những tác động lớn nhất từ sự suy thoái của đa dạng sinh học.

Theo báo cáo về tình hình đa dạng sinh học thế giới do Diễn đàn chính sách và khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học (IPBES) thực hiện, ước tính khoảng 1 triệu loài động thực vật đang gặp nguy hiểm trong những thập niên qua. Một số loài có nguy cơ tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Hơn 40% các loài lưỡng cư, 33% san hô và 1/3 các loài động vật có vú ở biển đang bị đe dọa.

Môi trường sinh thái đang ngày càng dễ bị tổn thương do sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt như hỏa hoạn, hạn hán, lũ lụt, góp phần làm xói mòn các hệ sinh thái, đe dọa kinh tế toàn cầu. Ông Yann Wehrling, cựu Đại sứ Pháp về đa dạng sinh học, cảnh báo: "Cần phải đẩy nhanh tiến trình bảo vệ đa dạng sinh học nếu chúng ta không muốn phải trả giá đắt."

Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ thiên nhiên cũng bày tỏ hy vọng chính phủ các nước sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.

Chủ tịch Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) Véronique Andrieux cho biết tổ chức này đã kêu gọi chấm dứt trợ cấp và ưu đãi thuế cho các hoạt động như nông nghiệp thâm canh, các dự án cơ sở hạ tầng neo đậu tàu thuyền trong không gian tự nhiên, công nghiệp khai thác khoáng sản... cho rằng đây là những hoạt động hủy hoại sinh thái.  WWF cũng kêu gọi tăng ngân sách dành cho đa dạng sinh học, đặc biệt coi đó như một phần của kế hoạch khôi phục hậu Covid-19.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Mỹ: Khôi phục đầm lầy lớn nhất đất nước trước nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa tích cực giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa
UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó có việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựạ.
Sắp áp hạn ngạch phát thải cho 150 doanh nghiệp lớn nhất
Chính phủ dự kiến phân bổ hạn ngạch khí nhà kính cho các cơ sở thuộc ba ngành: nhiệt điện, thép và xi măng, chiếm 40% tổng lượng phát thải toàn quốc. Cơ chế này nhằm thúc đẩy giảm phát thải và phát triển thị trường carbon trong nước.

Tin mới

Thay đổi công suất sản xuất và bổ sung sản phẩm: Dự án có phải xin cấp lại giấy phép môi trường?
Tình huống pháp lý của một công ty hoạt động sản xuất vật tư y tế đã được cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, nay có kế hoạch nhằm bổ sung thêm một mã sản phẩm mới, tăng công suất sản xuất lên 21% so với trước đây.
Vingroup tổ chức "Ngày hội Xanh 2025" tại Ocean City
Vingroup sẽ tổ chức Ngày hội Xanh thường niên 2025 tại Ocean City vào ngày 13/4/2025 với chủ đề “Kỷ nguyên Xanh - Kỷ nguyên vươn mình”, nhằm hưởng ứng Ngày Trái Đất và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...