Phụ nữ đang cho con bú có nên tiêm vaccine phòng Covid-19?
Hỏi: Tôi đang nuôi con nhỏ 4 tháng tuổi bằng sữa mẹ, vậy tôi có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 được không?
Trả lời:
Theo Quyết định 3802/QĐ-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19 ban hành ngày 10/8/2021 có bổ sung, điều chỉnh một số nhóm đối tượng trong khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Trong đó, các đối tượng cần khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng trước khi tiêm chủng bao gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính;
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi;
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu;
- Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần;
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống như:
- + Nhiệt độ <35, 5oC và >37,5 oC;
- + Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút;
- + Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế);
- + Nhịp thở > 25 lần/phút.
Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng bao gồm: Những người có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; Đang mắc bệnh cấp tính; Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Như vậy, phụ nữ đang cho con bú không thuộc nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng, cũng không thuộc nhóm phải thận trọng.
Theo Bộ Y tế, phụ nữ đang cho con bú hoàn toàn có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 mà không cần ngưng sữa mẹ, không cần cai sữa cho con sớm.
Tuy nhiên, quyết định 3802/QĐ-BYT kể trên cũng nêu rõ phụ nữ đang mang thai và cho con bú chống chỉ định với vaccine Sputnik V.
Trường hợp của bạn đang nuôi con 4 tháng tuổi bằng sữa mẹ hoàn toàn có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 (trừ vaccine Sputnik V). Cũng như các đối tượng khác, bà mẹ đang cho con bú cần khám sàng lọc kỹ lưỡng để phát hiện các bất thường (nếu có) trước khi tiêm chủng để có phương án tiêm phòng vaccine Covid-19 phù hợp.
Thanh Nga (t/h)