Phát triển kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ môi trường
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên bậc nhất đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Môi trường ngày càng "suy thoái" nghiêm trọng
Sau 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; trong đó kinh tế tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe được tăng cường; quốc phòng, an ninh được củng cố và ổn định; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả,...
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động phát triển; đa dạng sinh học và chất lượng rừng suy thoái đến mức báo động, nguồn gen bị thất thoát; hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng; sự cố môi trường xảy ra nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề môi trường cấp bách này đã trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Ô nhiễm nước mặt các lưu vực sông, đặc biệt là sông Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải, Cầu, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai - Sài Gòn diễn ra nghiêm trọng và tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Lượng nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết không qua xử lý, xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nguồn nước mặt đã hết khả năng tiếp nhận chất thải, trong khi hàng ngày đang phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải. Nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch và bị biến thành nơi dẫn, tiêu thoát và chứa nước thải.
Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5) đang trở thành vấn đề báo động ở Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây tâm lý bất an và lo lắng cho nhân dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng do gia tăng các chất ô nhiễm từ hoạt động kinh tế; chất lượng không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư (nhất là tại TP.Hà Nội, TP.HCM) đã suy giảm nghiêm trọng. Tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, khi gia tăng các nguồn phát thải vào không khí kết hợp với các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù đã làm cho tình trạng ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn.
Ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề ở mức đáng lo ngại. Cchất thải rắn đang là vấn đề nóng, mang tính cấp bách cần được ưu tiên đầu tư giải quyết ở Việt Nam hiện nay, với hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại, rác thải nhựa phát sinh mỗi năm. Trong khi đó, hầu hết chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom còn nhiều hạn chế, phần lớn chất thải rắn được xử lý theo hình thức chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây phát tán mùi ra các khu dân cư, gây bức xúc trong nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Nguyễn Thế Phương cho rằng, trước thực trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang đe dọa tăng trưởng kinh tế, cần phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn.
“Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững. Việc xem xét, đánh giá tác động của yếu tố môi trường đến sự phát triển của kinh tế xã hội cần được thực hiện một cách nghiêm túc, trên cơ sở khoa học để đưa ra những dự báo, cảnh báo sớm, phục vụ công tác hoạch định, xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nêu rõ.
Ô nhiễm trên biển Đông diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp ứng phó hiệu quả, trong đó có vấn đề rác thải nhựa, nạo vét nhận chìm vật liệu nạo vét. Các sự cố môi trường biển có xu hướng gia tăng, nổi lên là ô nhiễm dầu từ các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí, giao thông vận tải biển; sự cố tràn dầu trên biển Đông đã ảnh hưởng lớn đến các vùng ven biển ở nước ta. Các chất có nguồn gốc từ đất liền thải ra đã và đang gây ảnh hưởng tới chất lượng nước biển ven bờ.
Đến nay, Việt Nam còn nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chưa được di dời. Tình trạng suy giảm nghiêm trọng sức khỏe và sức sản xuất của đất nông nghiệp do xói mòn, rửa trôi ở các khu vực đồi núi; ô nhiễm môi trường đất và thoái hóa đất do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học và các loại chất thải tiếp tục diễn biến phức tạp và gia tăng. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục ra tăng về tần suất, quy mô và mức độ ảnh hưởng. Công tác quản lý, khai thác và ô nhiễm môi trường môi trường nước của hệ thống sông xuyên biên giới diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và khó kiểm soát.
Các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và rất nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, sức khỏe của người dân, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và là bài học đắt giá cho đất nước ta về việc phát triển kinh tế thiếu bền vững, thiếu quan tâm đầu tư thỏa đáng cho công tác cải thiện và bảo vệ môi trường.
Cần thay đổi hướng đi mới cho nền kinh tế
Trên thế giới, hiện nay kinh tế tuần hoàn được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Trong xu thế chung đó, Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển. Phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những hướng đi được ưu tiên lựa chọn để góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững, đặt yếu tố bảm bảo môi trường lên hàng đầu.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt, phát triển kinh tế không thể đơn thuần mà phải gắn với bảo vệ môi trường, để cho cuộc sống của mỗi người dân được tốt lên. Phải phấn đấu làm sao để "kinh tế xanh" thay cho "kinh tế nâu" đây cũng chính là thông điệp mà Chính phủ đang hướng tới.
Việt Nam cũng đang có rất nhiều nỗ lực để phát triển bền vững một cách hài hòa giữa kinh tế và môi trường. Lấy ví dụ đơn giản, kinh tế tuần hoàn là việc chất thải của nhà máy này lại là nguyên liệu của nhà máy khác... Kinh tế tuần hoàn là sử dụng một cách hiệu quả, dần tiến tới không phát sinh chất thải. Cơ chế chính sách đều hướng tới phát triển bền vững.
"Sự phát triển bền vững hình thành dựa trên nền kinh tế xanh. Trong đó, kinh tế xanh có nhiều định nghĩa khác nhau, tuy nhiên cùng chung mục tiêu hướng đến một nền kinh tế không có chất thải. Để hướng đến kinh tế xanh, các nước đi một bước trung gian là kinh tế tuần hoàn. Và đương nhiên, kinh tế tuần hoàn lấy càng ít nguyên nhiên vật liệu từ tài nguyên càng ít càng tốt, quay vòng quy trình sản xuất và tiêu dùng, quay lại quy trình sản xuất càng nhiều càng tốt. Đó được hiểu là nền kinh tế tuần hoàn" - PGS.TS Trương Mạnh Tiến lý giải.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến cũng cho biết, về mặt pháp luật, các yếu tố manh nha của kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện từ Luật Bảo vệ môi trường 1993, đó là vấn đề giảm thiểu thu gom, phân loại, tái chế tái sử dụng chất thải…, của tất cả các chất thải khác nhau ở tất cả các ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Việc đưa vào trong quy định của pháp luật khái niệm này thì đến năm 2020 mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 tại Điều 142, sắp tới mới có hiệu lực và quy định nhiều công đoạn khác nhau từ thiết kế sản phẩm trong quá trình sản xuất cho đến tiêu dùng.
Trên thế giới có nhiều hình thức phát triển kinh tế tuần hoàn, nhưng với trình độ phát triển hiện nay và vấn đề bức xúc về mặt môi trường cần giải quyết thì chúng ta đặt mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trên cơ sở những yếu tố cấu thành của nó và Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định để xây dựng các yếu tố cấu thành của kinh tế tuần hoàn.
"Tôi hi vọng sau khi Luật này được ban hành và triển khai trong thời gian không xa khoảng 5-10 năm thì chúng ta có hình hài của kinh tế tuần hoàn của Việt Nam", ông Tiến nói.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại đến 5% GDP hàng năm. Trong khi đó, kết quả tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng tiêu dùng bình quân mỗi năm giảm 0,1%; tăng trưởng tổng đầu tư toàn xã hội và việc làm sẽ bị giảm trung bình mỗi năm tương ứng khoảng 1,2 và 0,08%.
Hoài Thu