Thứ bảy, 27/04/2024 09:41 (GMT+7)
Thứ hai, 05/04/2021 16:30 (GMT+7)

Từ kinh nghiệm thế giới đến phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biễn ngày một phức tạp như hiện nay. Đây là xu thế tất yếu và là nội dung đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số quốc gia

Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên của nhân loại tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Còn theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hằng năm có khoảng 1/3 sản lượng nông sản của thế giới mất đi hoặc trở thành rác thải, gây lãng phí, tiêu tốn trung bình 260 nghìn USD/người/năm. Nếu chúng ta không có những giải pháp tiết kiệm trong sử dụng cũng như tái sử dụng tài nguyên thì trong tương lai không xa, Trái đất sẽ trở thành một bãi rác khổng lồ. Với quyết tâm bảo vệ sự tồn vong của nhân loại, thời gian qua, một số nước đã tiên phong trong việc tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn hoạt động dựa trên nguyên tắc: “Tái chế - Đa dạng - Sử dụng năng lượng xanh - Nền tảng sinh học”. Dựa trên nguyên tắc này, các sản phẩm tạo ra dễ dàng được tái sử dụng; có sự đa dạng và quan hệ tương hỗ giữa các doanh nghiệp, nhà nước và người dân; sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và tiến tới việc tạo ra nhiều sản phẩm từ nguyên liệu sinh học. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện thành công một số mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là cơ sở quan trọng cho Việt Nam nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, học tập, ứng dụng để xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới. Điển hình, phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua việc bảo vệ môi trường như ở Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Điển...

Chính phủ Malaysia lập kế hoạch sản xuất và tiêu thụ bền vững cho giai đoạn 2016 - 2030. Theo đó, tất cả các chất thải được quản lý toàn diện với cách tiếp cận mở rộng về vòng đời chứ không đơn thuần là xử lý chất thải (thải ra không sử dụng nữa), hướng đến mục tiêu không còn chôn lấp chất thải.

Singapore đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng từ năm 1979. Hiện nay, quốc gia này đã xây dựng được 4 nhà máy, xử lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác mỗi ngày. Công nghệ này được giải thích ngắn gọn là “nhiệt từ quá trình đốt sản sinh hơi, giúp đẩy máy phát tuốc-bin và tạo ra điện. Khói từ quá trình này sẽ được lọc kỹ để loại bỏ các chất gây hại trước khi xả ra ngoài”. Với 10% rác thải “cứng đầu” còn lại, Singapore đã sáng tạo biến chúng thành một hòn đảo rác, 20 năm sau (tính từ năm 1995) Semakau - “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên thế giới - đã ra đời. Những việc làm này của Chính phủ Singapore nhằm hướng đến một xã hội không còn rác thải, mọi thứ đều được tái chế, đúng theo một trong những nguyên tắc hàng đầu của kinh tế tuần hoàn.

Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì kinh tế tuần hoàn chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải.

Theo một hướng đi khác, ở Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã ban hành luật về loại bỏ chất thải thực phẩm, quy định cụ thể về tiêu chuẩn thu gom chất thải. Chất thải được bỏ vào các túi phân hủy sinh học hoặc bỏ trực tiếp vào các thùng kim loại có trang bị thanh đo và đầu đọc chíp nhận dạng tần số vô tuyến. Luật này cũng quy định người dân sẽ phải trả thêm tiền, nếu lượng chất thải này vượt quá khối lượng cho phép và 60% số tiền đó được Chính phủ sử dụng để chi trả chi phí cho việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh. Hiện nay, ở Hàn Quốc có tới 95% chất thải thực phẩm được tái chế thành phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón, còn lại chất lỏng sau khi ép ra từ rác thải được lên men thành khí hoặc dầu sinh học để sử dụng (2). Đây là chu trình khép kín từ thu gom, xử lý đến tái chế các sản phẩm theo hình thức “cộng sinh”.

Ở Thụy Điển, để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, Chính phủ đã chú trọng thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp song hành với việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải (khí carbon, chất thải nhựa…), ưu đãi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học… Nhờ đó, Thụy Điển đã tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Thụy Điển đã phát triển triết lý phát triển kinh tế tuần hoàn của mình lên tầm cao mới với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”.

Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam 'cánh cửa' phát triển bền vững

Trên thế giới, hiện nay kinh tế tuần hoàn được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hậu phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Trong xu thế chung đó, Việt Nam đang nỗ lực phát triền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển.

Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Trong những năm qua, mô hình sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng SXSH trở thành các mô hình điểm về áp dụng SXSH.

Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về SXSH nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Từ kinh nghiệm thế giới đến phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 1
Việt Nam đã manh nha nền kinh tế tuần hoàn.

Qua 10 năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn.

Phong trào Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai quy mô lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bình Thuận, Cần Thơ, Tiền Giang, Bắc Ninh.

Chúng ta cần chú trọng học tập kinh nghiệm từ việc vận dụng, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia trên thế giới, từ đó đề xuất những quyết sách mang tính chiến lược, gắn với điều kiện, bối cảnh đặc thù của nước ta để phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững. 

Thống nhất nhận thức phát triển kinh tế tuần hoàn; áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong phát triển kinh tế; xây dựng nền tảng kinh tế tuần hoàn trong các ngành kinh tế thải loại ra môi trường nhiều chất thải (như ngành thực phẩm, ngành nhựa, ngành xây dựng, ngành chế tạo…). Đồng thời, đánh thuế cao khi sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng sinh học và năng lượng có khả năng tái chế. Ứng dụng công nghệ, xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ biến rác thải thành năng lượng. Tận dụng lợi thế đi sau, đón đầu các công nghệ mới, hiện đại để ứng dụng trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

“Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống”.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Trong khi đó, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể đáp ứng được mục tiêu trên trong chủ trương chính sách của nước ta. Cùng với đó, các chính sách khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

"Để phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, theo các chuyên gia, cần sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội".

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Từ kinh nghiệm thế giới đến phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới