Thứ sáu, 11/10/2024 00:23 (GMT+7)
Thứ hai, 05/04/2021 11:08 (GMT+7)

Kinh tế tuần hoàn ‘cánh cửa’ đưa Việt Nam tới phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống, gắn với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Kinh tế tuần hoàn ‘cánh cửa’ đưa Việt Nam tới phát triển bền vững - Ảnh 1

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường. Ðây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường.

Xây dựng KTTH đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ông Trần Hồng Hà Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường nhấn mạnh: "KTTH đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt".

Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích hơn so với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống

Nếu như "kinh tế tuyến tính" chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ ra môi trường dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải lớn, cũng như khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thì KTTH lại chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín để tránh tạo ra chất thải.

Việc chuyển đổi sang KTTH cũng là cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường mà còn ứng phó biến đổi khí hậu (BÐKH) một cách hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết. Ðồng thời, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất để hỗ trợ thực hiện 100% tỉ lệ tái chế chất thải thành nguyên liệu và là con đường ngắn nhất hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, nhất là trong các ngành công nghiệp nặng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ riêng ô nhiễm nguồn nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP (năm 2019). Cùng với đó là tình trạng suy giảm tài nguyên, năng lượng, ô nhiễm đất và suy thoái đất, nhất là BÐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua. Trong khi đó, hoạt động kinh tế ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính, đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Tại Việt Nam, mặc dù chưa có những mô hình KTTH đầy đủ đúng nghĩa, nhưng thực tế đã có một số mô hình gần với KTTH xét theo từng lĩnh vực ngành, nghề, dịch vụ. Ðiển hình trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống đã sử dụng phế liệu, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất công nghiệp để sản xuất thép tái chế, sản xuất giấy tái chế, sản xuất đồ nhựa, ni-lông, thủy tinh tái chế… Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu mang lại lợi ích tài chính cho cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, mà chưa tính tới lợi ích kinh tế tổng thể. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường tại không ít địa phương hiện nay.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới

Đến nay, một số cơ chế, chính sách thúc đẩy KTTH đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như: Phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường...

Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của KTTH như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy,… trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi…, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù còn nhiều hạn chế, như còn gây ô nhiễm môi trường, nhưng các mô hình này cũng đã bước đầu tiếp cận với KTTH.

“Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển KTTH là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Xây dựng KTTH là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng vào việc tận dụng thành công các cơ hội và chuyển hóa được những thách thức để phát triển KTTH, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Để từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang KTTH, Việt Nam đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; đẩy mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó BÐKH và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện phát triển mô hình KTTH. Hiện Bộ TN và MT đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính sách, lộ trình tiến tới loại bỏ chất thải nhựa sử dụng và túi ni-lông không phân hủy; xây dựng mô hình hướng tới nền KTTH "nói không với rác thải nhựa và ni-lông không phân hủy", đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN và MT đối với công tác bảo vệ môi trường…

Kinh tế tuần hoàn ‘cánh cửa’ đưa Việt Nam tới phát triển bền vững - Ảnh 2
Kinh tế tuần hoàn - giải pháp bền vững giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. KTTH có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Ðáng mừng, thời gian gần đây ở nước ta đã xuất hiện một số mô hình mới tiến tới gần hơn với nền KTTH như mô hình khu công nghiệp sinh thái; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam… Mặc dù vậy, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực công nghệ, tái sử dụng. Người dân và cả doanh nghiệp còn thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong khi đó, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phát triển KTTH, thách thức này cần được khắc phục, nếu không việc thực hiện phát triển KTTH cũng chỉ là mang tính tự phát và chịu sự điều chỉnh của thị trường.

Ðồng quan điểm nêu trên, các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng Việt Nam cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển KTTH. Cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển KTTH từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, tiêu chí của mô hình, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.

Việc phát triển KTTH cần dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận KTTH, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực nhưng phải dựa trên các mô hình đã có như các mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải) được triển khai ở nước ta thời gian qua.

Tiếp tục đẩy mạnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công KTTH, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch và vận chuyển để đưa vào tái chế, nhất là việc phân loại rác tại nguồn phải trở thành yêu cầu bắt buộc, trở thành tiêu chí đánh giá văn hóa đối với mỗi người dân.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế tuần hoàn ‘cánh cửa’ đưa Việt Nam tới phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Long An: GDRP 9 tháng đầu năm 2024 đạt 6,82%
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDRP) trong 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Long An đạt 6,82%, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Tin mới

Hà Nội 70 năm chiến đấu, kế thừa và phát huy
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô và đất nước, đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam.