Phát triển các sản phẩm chủ lực từ nguồn gien quý, hiếm
Với diện tích rộng nhất cả nước, có nhiều tiểu vùng sinh thái phong phú đã tạo cho Nghệ An có nhiều nguồn gien cây, con quý, hiếm.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc lưu giữ các nguồn gien, tỉnh đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn và khai thác nguồn gien hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế.
Nghệ An là một trong những địa phương có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam cũng như khu vực. Miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, với diện tích lên tới 1,3 triệu héc-ta rừng. Sự đa dạng về nguồn gien giống cây, con bản địa đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Nghệ An, như: Cam Vinh, gà đồi Thanh Chương, vịt Bầu Quỳ, trâu Na Hỷ… góp phần phát triển kinh tế, du lịch của địa phương. Nhiều cây dược liệu quý, hiếm có thể phát triển thành sản phẩm hàng hóa góp phần chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế cho người dân.
Thực tế, các nguồn gien bản địa có nhiều ưu điểm như phẩm chất tốt, khả năng chống chịu dịch bệnh, khí hậu khắc nghiệt. Ðây chính là nguồn nguyên liệu quý để chọn tạo và cải tiến các giống cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, số lượng cá thể của các loài động vật, thực vật đặc sản, quý, hiếm ở Nghệ An đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các giống bản địa đang bị mất dần do thay đổi cơ cấu cây trồng, du nhập của các giống mới, động, thực vật ngoại lai hoặc do khai thác quá mức.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và lưu giữ các nguồn gien, Nghệ An đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn và khai thác nguồn gien phục vụ phát triển kinh tế.
Theo kết quả điều tra nguồn gien trong Ðề án khung các nhiệm vụ quỹ gien giai đoạn 2014 - 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tiến hành mới đây đã xác định được 40 nguồn gien về cây, con nông nghiệp, dược liệu quý, hiếm cần được bảo tồn và phát triển.
Vì nhiều lý do khác nhau, trong số này mới chỉ có 18 nguồn gien quý, hiếm được ưu tiên bảo tồn, phục tráng trong giai đoạn này, như: sâm Puxailaileng, trà Hoa vàng, đẳng sâm, giảo cổ lam, bảy lá một hoa, hà thủ ô đỏ, cây quế Quỳ, ba kích tím; các giống lúa: Nếp Rồng, Khẩu cháo hom; trâu Thanh Chương... Một số nguồn gien quý đã được các doanh nghiệp tiếp nhận để khởi nghiệp và phát triển thành các sản phẩm OCOP như các loại trà: Hoa vàng, giảo cổ lam, dây thìa canh; cao đương quy, đẳng sâm; rượu Mú Tửn... Trong đó phải kể đến Tập đoàn TH đã xây dựng khu bảo tồn giống dược liệu quý ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn); tổ chức trồng cây dược liệu dưới tán rừng; Công ty cổ phần Dược liệu Phù Mát đã trồng và sản xuất nhiều sản phẩm dược liệu được khách hàng tin dùng...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, các nguồn gien quý, hiếm, đang bị đe dọa đã được bảo tồn, khai thác phát triển còn quá ít so với số lượng các nguồn gien cần bảo tồn. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, lưu giữ và bảo tồn nguồn gien trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng công tác bảo tồn và khai thác nguồn gien...
Ðể đẩy mạnh công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn gien có giá trị ở tỉnh Nghệ An và thực hiện chủ trương của Bộ Khoa học và Công nghệ về nhiệm vụ quỹ gien, Nghệ An tiếp tục xây dựng Ðề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gien cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Ðề án là căn cứ để xây dựng và lựa chọn các nhiệm vụ quỹ gien cho kế hoạch hằng năm nhằm bảo tồn, phát triển bền vững nguồn gien, nguồn tài nguyên đặc sản, quý, hiếm của Nghệ An.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Ðình Long cho biết: Ðể bảo tồn, khai thác hiệu quả nguồn gien quý, hiếm có giá trị, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng, mức độ đe dọa của nguồn gien đặc hữu, có giá trị, hoặc có tiềm năng để khai thác phát triển thành sản phẩm hàng hóa, từ đó đề xuất hình thức bảo tồn hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2025, bổ sung từ 25 đến 30 nguồn gien đặc hữu, quý, hiếm mới trên địa bàn tỉnh vào danh mục các loài cần bảo tồn, khai thác phát triển.
Cùng với đó, tiếp tục bảo tồn an toàn nguồn gien đã được đưa vào danh mục bảo tồn của tỉnh, nhất là các nguồn gien ở miền núi phía tây Nghệ An, ở khu dự trữ sinh quyển của thế giới, kết hợp bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ. Liên kết các mạng lưới bảo tồn nguồn gien quốc gia để bảo tồn vật liệu di truyền các nguồn gien của địa phương và chia sẻ thông tin, nguồn gien phục vụ công tác lai tạo, chọn giống. Ðến năm 2025, Nghệ An sẽ đánh giá sơ bộ được giá trị các nguồn gien đang bảo tồn về mặt khoa học, y tế, kinh tế; đánh giá chi tiết các nguồn gien có tiềm năng phát triển thành các sản phẩm hàng hóa, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Tiếp tục bảo tồn, duy trì, khai thác và phát triển nguồn gien đã được đưa vào danh mục, bảo đảm cung cấp vật liệu khởi đầu cho công tác nghiên cứu di truyền và chọn tạo giống. Bên cạnh đó, phải ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn gien trong tự nhiên cũng như trong sản xuất.
Tỉnh Nghệ An cũng sẽ chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp khai thác và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn gien của địa phương, tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực, các sản phẩm OCOP, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, du lịch văn hóa. Trong đó có việc phục tráng các nguồn gien quý đã đưa vào sản xuất, nhưng có dấu hiệu thoái hóa, suy giảm chất lượng giống. Phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ bảo tồn, khai thác nguồn gien với các Ðề án phát triển vật nuôi, thủy sản đặc sản và Quy hoạch phát triển vùng dược liệu của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ðến năm 2025, phấn đấu khai thác và phát triển, sản xuất thử từ 10 đến 12 nguồn gien có giá trị phục vụ sản xuất, tạo các sản phẩm hàng hóa. Thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng công viên lưu giữ, bảo tồn, khai thác nguồn gien tại Trạm Nghiên cứu và ươm tạo công nghệ cao, thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tại thị xã Thái Hòa; kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất, chế biến sâu, tạo các sản phẩm thương mại từ các nguồn gien quý tại Nghệ An.
Thành Châu