EU cảnh báo hệ sinh thái tự nhiên đang xuống cấp trầm trọng
Chỉ 1/4 các loài sinh vật ở châu Âu đang được bảo tồn tốt. Chỉ có 47% số loài chim đang phát triển mạnh. Trong khi đó, 80% môi trường sống tự nhiên bị đánh giá là "tồi tệ".
Theo báo cáo "Tình hình môi trường EU từ 2013 – 2018" của Cơ quan Môi trường châu Âu công bố ngày 19/10, chỉ 1/4 các loài sinh vật ở châu Âu đang được bảo tồn tốt. Chỉ có 47% số loài chim đang phát triển mạnh. Trong khi đó, 80% môi trường sống tự nhiên bị đánh giá là "tồi tệ".
Tờ The Guardian dẫn lời ông Virginijus Sinkevicius, ủy viên EU về Môi trường, Đại dương và nghề cá, cho biết: "Điều này cho thấy rất rõ ràng rằng loài người đang đánh mất hệ thống hỗ trợ sự sống quan trọng. Chúng ta cần khẩn trương thực hiện các cam kết trong chiến lược đa dạng hóa các loài sinh vật của EU để đảo ngược sự suy giảm này".
Theo Chỉ thị về môi trường sống của Liên minh châu Âu, hiện đang có 233 kiểu sinh cảnh quan trọng, sống trên gần 1/3 diện tích đất của khối. Tuy nhiên, chỉ 15% trong số này được đánh giá là đang trong tình trạng tốt. Theo cơ quan giám sát môi trường châu Âu, các môi trường sống ven biển, đụn cát và vũng lầy, bùn lầy đang xuống cấp trầm trọng. Trong suốt thập kỷ vừa qua, có rất ít dấu hiệu cải thiện môi trường sống cho các sinh vật tự nhiên, bất chấp các mục tiêu chung của EU.
Ông Micheal O’Briain, phó trưởng đơn vị Bảo vệ thiên nhiên của Uỷ ban châu Âu cho biết: "Những áp lực đối với thiên nhiên đang lớn hơn nhiều những giải pháp của chúng ta đang giải quyết. Nông nghiệp vẫn đang gây áp lực lớn lên tự nhiên".
Con người đang phải hoàn toàn phụ thuộc vào các hệ sinh thái để tồn tại. Tuy nhiên, các hệ sinh thái đang ngày một bị con người xâm phạm không thương tiếc. Trên khắp thế giới, con người sử dụng quá mức và lạm dụng các hệ sinh thái quan trọng, từ các rừng mưa nhiệt đới cho tới các rạn san hô, đồng cỏ, thảo nguyên... đã gây suy thoái và phá huỷ nghiêm trọng các hệ sinh thái - nơi nuôi dưỡng của mọi loài. Điều đó đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống tự nhiên, được xác nhận bằng con số các loài bị đe doạ, đồng thời gây hại đến các lợi ích của con người qua việc làm cạn kiệt dòng tài nguyên mà chúng ta sống phụ thuộc.
Theo tổ chức Nông lương thế giới, trong 100 năm qua, hơn 90% các giống cây trồng đã biến mất khỏi các cánh đồng, trang trại. Một nửa số giống vật nuôi đã bị mất. Các hệ thống sản xuất thực phẩm truyền thống, bao gồm cả kiến thức bản địa và văn hóa truyền thống, với sự phong phú đa dạng ở các địa phương đang bị đe dọa.
Đầu tháng 9 vừa qua, Liên hợp quốc thông báo rằng thế giới đã không đạt được một mục tiêu duy nhất để làm chậm sự mất mát của thế giới tự nhiên trong thập kỷ thứ hai liên tiếp, bao gồm các mục tiêu bảo vệ các rạn san hô, bảo tồn môi trường sống tự nhiên và giảm chất thải nhựa và hóa chất xuống mức có thể không làm hỏng hệ sinh thái.
Đã có một loạt các báo cáo và nghiên cứu về tình trạng tự nhiên trên Trái đất trong những tuần gần đây, như báo cáo Sức sống hành tinh năm 2020 của WWF, trong đó phát hiện ra các quần thể động vật có vú, chim, cá, lưỡng cư và bò sát giảm trung bình 68% từ năm 1970 đến năm 2016.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do sự biến mất tự nhiên, khai thác quá mức; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa... và các loài xâm lấn. Trong đó, đô thị hóa, phá rừng, phát triển nông nghiệp là những nguyên nhân chính khiến gần 75% môi trường mặt đất bị biến đổi, làm các loài và hệ sinh thái suy giảm.
Biến đổi khí hậu cũng đẩy hàng nghìn loài động vật và thực vật ra khỏi môi trường sống của chúng. Các đợt nắng nóng, hạn hán gia tăng đã khiến nhiều nước phải hứng chịu hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng như ở Australia, Indonesia, Nga, Bồ Đào Nha, Mỹ và Hy Lạp.
Sự suy thoái và biến mất của nhiều loài sinh vật, thực vật đã khiến Liên Hợp Quốc phải xác định thập niên 2020 – 2030 là thập niên phục hồi hệ sinh thái. Và đây là thời điểm quan trọng để các nước cùng xây dựng một tầm nhìn mới cho những năm tiếp theo.
Nhật Hạ