Thứ tư, 24/04/2024 23:31 (GMT+7)
Chủ nhật, 27/09/2020 05:59 (GMT+7)

Đa dạng sinh học đang suy giảm nghiêm trọng

Theo dõi KTMT trên

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ, có xu hướng gia tăng theo mức phát triển kinh tế-xã hội.

Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 07 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260 ha).

Đến nay, nước ta có 9 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000 ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha; có 09 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha.

Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 4 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu.

Với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, nhất là trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đa dạng sinh học đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng.

Đa dạng sinh học đang suy giảm nghiêm trọng - Ảnh 1
Số lượng sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim đã giảm từ 1.000 cá thể năm 1980 xuống còn 11 cá thể năm 2018. (Ảnh minh họa)

Từ năm 2005 đến năm 2017, diện tích rừng đã tăng từ 34,6% đến 41,45% do trồng rừng và cải tạo tự nhiên. Tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên lại giảm từ 12 triệu ha (1945) còn 2,8 triệu ha (2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém.

Trong giai đoạn 2012 – 2017, diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá rừng trái phép chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Trung bình mỗi tháng, cả nước ghi nhận khoảng 806 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên ở Việt Nam cũng có xu hướng suy giảm diện tích như: rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi vùng gian triều, rừng tràm, hồ tự nhiên. Tuy vậy, các kiểu đất ngập nước nhân tạo lại có chiều hướng gia tăng diện tích như: hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, ao xử lý nước thải…

Theo dự báo của Viện Khoa học Khí tượng – Thủy văn và BÐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm của nước ta tăng khoảng 2, 3oC; mực nước biển có thể dâng từ 75 cm đến 1 m so với trung bình thời kỳ từ 1980 đến 1999.

Do vậy, nếu theo dự báo thì khoảng 20% đến 38% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 11% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập nước. Cũng với kịch bản này, sẽ có 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng (27%), 46 khu bảo tồn (33%), chín khu vực ÐDSH có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia và quốc tế (23%) và 23 khu có đa dạng quan trọng khác (21%) ở Việt Nam bị tác động nghiêm trọng…

Ðáng chú ý, nhiệt độ trung bình tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần thể sinh vật của nhiều HST. Các nhà khoa học đã chứng minh được sự di cư của một số loài do sự ấm lên của Trái đất.

Để chủ động ứng phó với sự suy thoái ÐDSH, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ÐDSH, các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu và chủ động đề xuất các giải pháp giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo số liệu thống kê về đa dạng sinh học cho thấy, Việt Nam đã phát hiện được gần 12.000 loài thực vật, trong đó khoảng 2.300 loài được sử dụng làm lương thực, khoảng 3.300 loài được sử dụng làm dược liệu, thức ăn gia súc, lấy gỗ, lấy dầu và nhiều sản phẩm quý khác.

Về hệ động vật, Việt Nam có khoảng 310 loài thú; 840 loài chim; 296 loài bò sát; 162 loài ếch nhái; 2.472 loài cá (trong đó có 472 loài cá nước ngọt) và hàng chục nghìn loài động vật không xương sống ở cạn, ở nước và trong đất…

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Đa dạng sinh học đang suy giảm nghiêm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới