Thứ bảy, 23/11/2024 01:33 (GMT+7)
Thứ năm, 10/12/2020 14:13 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù những ngày qua chất lượng không khí Hà Nội xấu đi, nhưng theo Tổng cục Môi trường, tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Sáng nay (10/12), hai ứng dụng quan trắc không khí là Airvisual và PamAir đều đánh giá chất lượng không khí ở Hà Nội ở ngưỡng có hại cho sức khỏe.

Cụ thể, lúc 7h, AQI ở các điểm đồng loạt cảnh báo "tím" với chỉ số ô nhiễm dao động 200 - 280 đơn vị.

Theo ứng dụng PamAir, khu vực ô nhiễm nhất nằm ở quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Long Biên. Tại Ngọc Thụy (Long Biên), chỉ số AQI cao nhất là 421 đơn vị, mức ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng.

Lúc 8h, AirVisual xếp hạng Hà Nội đứng thứ 14 trong số những thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới với AQI trung bình đạt 169 đơn vị. Tình trạng này diễn ra suốt hai ngày qua.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019 - Ảnh 1
Chất lượng không khí Hà Nội xấu đi trong những ngày gần đây. (Ảnh: Người đưa tin)

Những ngày qua, chất lượng không khí Hà Nội liên tục ở mức xấu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí tại Hà Nội trở nên nghiêm trọng do tác động của hiện tượng nghịch nghiệt.

Cụ thể, thời tiết trong hai ngày qua tương đối lặng gió, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch nhau lớn, các chất bụi bẩn có trong không khí khó khuếch tán lên cao nên người dân dễ dàng cảm thấy không khí rất nặng nề vào ban đêm hoặc sáng sớm.

Dù vậy, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc trong những tháng qua giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị bụi lơ lửng tại các điểm quan trắc giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Y tế khuyến cáo, những ngày chất lượng không khí lên ngưỡng xấu, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, đi tập thể dục, làm việc ngoài trời, cần vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.

Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.

Người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí tại Hà Nội có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới