Ô nhiễm không khí Hà Nội tiếp tục kéo dài
Sáng nay (8/12), hơn 20 điểm quan trắc ở Hà Nội đồng loạt nằm ở mức kém. Chuyên gia cũng dự báo từ ngày mai (9/12), mức độ ô nhiễm ở Hà Nội tăng cao hơn và đến ngày 12/12 chỉ số AQI lên mức 194.
Theo ghi nhận lúc 7h ngày 8/12, các điểm quan trắc không khí trong khu vực nội thành của Sở TN&MT Hà Nội hiển thị chỉ số ở mức kém (AQI từ 101-150); một số nơi ngoại thành ở mức trung bình; không có điểm chỉ số không khí tốt.
Trong đó, hai điểm công viên hồ Thành Công (Đống Đa) và trụ sở Công an phường Hàng Mã (Hoàn Kiếm) không khí ở mức xấu (AQI trên 150).
Còn tại điểm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại quận Hai Bà Trưng cho chỉ số AQI là 155; Đại sứ quán Pháp trên phố Trần Hưng Đạo là 145.
Điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) ghi nhận không khí lúc 8h ở mức trung bình, sáng sớm nay mức kém.
Cùng lúc này, trang Airvisual xếp Việt Nam nằm trong top nhóm 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI trên 150. Trang này cũng dự báo từ ngày mai (9/12), mức độ ô nhiễm ở Hà Nội tăng cao hơn và đến ngày 12/12 chỉ số AQI lên mức 194.
Hệ thống quan trắc Pamair phủ một màu cam, đỏ biểu thị cho ô nhiễm không khí ở mức kém và xấu. Riêng điểm quan trắc tại Vân Côn (Hoài Đức) AQI là 214, tương đương mức rất xấu. Hai điểm tại khu công nghệ cao Hoà Lạc (Thạch Thất) và huyện Quốc Oai mặc dù xa trung tâm nhưng chỉ số ô nhiễm vẫn ở mức 199.
Theo một số chuyên gia, ô nhiễm không khí ở Hà Nội được nhận định do nhiều nguyên nhân cộng hưởng như từ hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất, các hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rác…
Bên cạnh đó, vào mùa đông khi hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra khiến các chất ô nhiễm sẽ đọng lại và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Bộ Y tế và Bộ TN&MT cũng khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra đường khi chất lượng không khí ở ngưỡng xấu trở lên. Trong những ngày ô nhiễm không khí ở mức màu đỏ, nên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý thường xuyên, nhất là khi ra đường. Đồng thời, cần tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.
Trong những ngày chất lượng không khí không đảm bảo, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm ô nhiễm không khí. Nên trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.
Hoài Thu