Thứ năm, 18/04/2024 09:37 (GMT+7)
Thứ năm, 27/08/2020 06:00 (GMT+7)

Những người lính ngày đêm giữ rừng nguyên sinh trên đỉnh Sam Síp

Theo dõi KTMT trên

Mỗi khi đi tuần, các cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La (Sơn La) chỉ mang theo chiếc balô đựng gạo, nước và đến khu vực nào ngủ lại thì nấu rau rừng ăn cùng cơm.

Những người lính ngày đêm giữ rừng nguyên sinh trên đỉnh Sam Síp - Ảnh 1
Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động, thực vật quý, hiếm. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Các cán bộ, viên chức tại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, tỉnh Sơn La, là những người có thời gian ăn, ngủ ở rừng trên đỉnh Sam Síp, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) nhiều hơn ở nhà.

Họ đang ngày đêm canh giữ màu xanh cho những cánh rừng nguyên sinh nơi đây.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La nằm ở sườn Đông Nam của dãy Hoàng Liên Sơn, có tổng diện tích quy hoạch là hơn 15.806ha, thuộc địa phận ba xã là Hua Trai, Ngọc Chiến và Nặm Păm (huyện Mường La, Sơn La), trong đó diện tích đất rừng trên 12.000ha.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La có ba phân khu chức năng gồm khu bảo vệ nghiêm ngặt; khu phục hồi sinh thái; khu dịch vụ hành chính.

Địa hình nơi đây cao, dốc, mức độ chia cắt mạnh và có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000m dọc theo dãy núi Sam Síp; trong đó cao nhất là đỉnh Sam Síp với 1.924m, độ dốc bình quân 30 độ và nhiều nơi độ dốc trên 40 độ. Cùng với đó, nơi đây có nhiều khe sâu và hẹp, nghiêng dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

Bởi vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng và bảo tồn, phát triển nguồn gen động, thực vật quý hiếm, đa dạng sinh học của cán bộ, viên chức tại Ban Quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, cho biết: "Do địa bàn quản lý rộng, đi lại khó khăn nên trong quá trình tuần tra, kiểm soát, cán bộ, viên chức của Khu bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi đi tuần, chúng tôi chỉ mang theo chiếc balô đựng gạo và nước. Đến khu vực nào ngủ lại thì nấu rau rừng ăn cùng cơm. Ở khu vực giáp với tỉnh Yên Bái, lực lượng chức năng mỗi lần thực hiện nhiệm vụ tuần tra phải mất vài ngày và phải ăn, ngủ tại rừng. Có những người lần đầu tiên đi rừng bị kiệt sức, trật cổ chân, đồng nghiệp phải cõng về."

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La hiện có 20 cán bộ, viên chức được chia thành ba tổ bảo vệ rừng, đóng trên địa bàn các xã Ngọc Chiến, Nặm Păm và Hua Trai.

Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về giá trị của động, thực vật quý hiếm đang sinh sống tại Khu bảo tồn.

Ban Quản lý Khu bảo tồn phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát rừng; ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với các hộ gia đình thuộc các xã xung quanh khu vực.

Những người lính ngày đêm giữ rừng nguyên sinh trên đỉnh Sam Síp - Ảnh 2
Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động, thực vật quý, hiếm. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ban Quản lý Khu bảo tồn cũng triển khai các chương trình dự án hỗ trợ sản xuất như cấp phát giống cây ăn quả, cây công nghiệp cho các hộ dân sống xung quanh vùng đệm, nhờ đó đã góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, Ban Quản lý còn phối hợp với Tổ chức FFI (Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế) ký hợp đồng với người dân tại ba xã Ngọc Chiến, Nặm Păm và Hua Trai để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, theo dõi và cập nhật các đặc tính, tình hình sinh trưởng, phát triển của loài vượn đen tuyền; phối hợp với một số trường đại học, trung tâm nghiên cứu thực hiện các cuộc điều tra chuyên đề, từ đó xác định được các loài động, thực vật quý hiếm và đưa ra các giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Ông Hoàng Trọng Thắng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, thông tin thời gian qua, cán bộ, viên chức của đơn vị thường xuyên xuống tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân bản Ít, xã Nặm Păm. Đây là một trong những bản luôn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Từ khi thành lập Khu bảo tồn đến nay, tại bản Ít chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra và người dân không săn bắt động vật hoang dã.

Ông Lường Văn Hặc, Trưởng bản Ít chia sẻ bản có 15 thành viên nằm trong Đội quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và được giao quản lý hơn 834ha rừng. Những tháng cao điểm, các thành viên thường xuyên cùng cán bộ Kiểm lâm địa bàn tham gia tuần tra rừng. Nhờ đó công tác tuyên truyền, vận động, ý thức bảo vệ rừng của người dân đã nâng lên rất nhiều.

Những người lính ngày đêm giữ rừng nguyên sinh trên đỉnh Sam Síp - Ảnh 3
Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuyên truyền, vận động người dân bản Ít, xã Nặm Păm tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Cũng theo ông Hặc, vừa qua, toàn bản được chi trả hơn 407 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Bởi vậy, các hộ dân trong bản đều có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, gần chục năm nay không xảy ra tình trạng cháy rừng, xâm hại rừng. Nhờ đa dạng sinh học được duy trì và bảo vệ nên vẫn còn nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Anh Cà Văn Văn ở bản Ít bộc bạch, số tiền được chi trả từ dịch vụ môi trường rừng là động lực để người dân giữ rừng tốt hơn. Không những thế, người dân còn được Nhà nước hỗ trợ cây giống như xoài, mận về trồng, không xâm hại đến rừng và động vật hoang dã. Từ đó, diện tích rừng được giao cho bản bảo vệ ngày càng phát triển tốt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong bản ngày một cải thiện và nâng cao.

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được tốt hơn nữa, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La kiến nghị, thời gian tới, các cấp có thẩm quyền quan tâm, bảo đảm chế độ, chính sách cho viên chức của đơn vị khi chuyển từ ngạch Kiểm lâm viên sang ngạch Kỹ sư hoặc ngạch khác theo quy định của Chính phủ; trang bị thêm các phương tiện, công cụ hỗ trợ, ôtô chuyên dụng; bổ sung kinh phí cho công tác cứu hộ động vật hoang dã...

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La được thành lập theo Quyết định 511/QĐ-UBND, ngày 7/3/2016 của UBND tỉnh Sơn La. Nơi đây hiện có 622 loài thực vật thuộc 130 họ của năm ngành thực vật bậc cao có mạch; trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ thế giới IUCN 2010, Khu bảo tồn cũng có 323 loài động vật thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp như thú, chim, bò sát, lưỡng cư; trong đó có 51 loài quý hiếm...

Quang Quyết

Bạn đang đọc bài viết Những người lính ngày đêm giữ rừng nguyên sinh trên đỉnh Sam Síp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới