Những người bình thản đối diện với nguy cơ lây nhiễm
Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh những nơi tụ tập đông người - đó là những khuyến cáo y tế để đối phó với dịch Covid-19. Thế nhưng trong khi người người khẩu trang, nhà nhà đóng cửa, thì vẫn có những người chấp nhận ngày ngày đối diện trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm. Đơn giản vì đó là công việc của họ.
Động tác ấn vào vòi chai nước rửa tay khô, xoa xoa lòng bàn tay cho thật sạch, TS.BS Lương Đức Dũng đã lặp đi lặp lại chừng 50 lần có lẻ. Cũng như vậy, những chiếc khẩu trang y tế được thay mới 5-6 lần mỗi khi BS Dũng ra vào khu cách ly khám lâm sàng cho những bệnh nhân nguy cơ cao.
“Những người chủ động phòng vệ không đáng sợ. Người không được phòng vệ mới đáng sợ…” – BS Dũng nói. Vừa khám cho bệnh nhân số 355, anh vừa cởi mở chia sẻ công việc của mình trong những ngày “bão” Corona rình rập khắp toàn cầu. Nụ cười vẫn luôn thường trực giữa không gian bệnh viện sặc mùi bông cồn, thuốc men cùng dãy dài bệnh nhân đông đúc bên ngoài phòng khám Nội Dị ứng Miễn dịch.
Là một bác sĩ chuyên khoa với kinh nghiệm 20 năm “chiến đấu” với đủ các loại dịch cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, đến dịch Covid-19 lần này, BS Dũng là một trong những bác sĩ “tiền tiêu” ở BV Xanh pôn khám sàng lọc cho những bệnh nhân có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Đó là tất cả những bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, cúm… được BV Xanh pôn sàng lọc ngay ở cổng 59 Trần Phú.
Theo đó, bệnh nhân chỉ được vào bệnh viện 1 cổng và đi ra 1 cổng, không được phép đi ngược chiều. Tất cả phải tuân thủ chỉ dẫn 100%, bất cứ người có triệu chứng sốt, triệu chứng sẽ được chuyển sang khu khám riêng biệt ở cổng số 4 để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khác.
Ngoài triệu chứng, họ sẽ bị điều tra kỹ càng từ quê quán đến công việc, đi đâu trong 14 ngày qua, lịch sử tiếp xúc với người nước ngoài hay không, thậm chí BS phải gọi điện với người đã tiếp xúc với bệnh nhân đó để xác minh lại. Công việc của những BS những ngày chống dịch chẳng khác gì cán bộ xã hội học đi điều tra dân số… Sàng lọc kĩ để không bỏ sót.
Nhóm khám lâm sàng có khoảng gần 20 bác sĩ, trong đó có BS Lương Đức Dũng, tăng cường trực cả ngày lẫn đêm. Từ đầu mùa dịch, BS Dũng chưa nghỉ hôm nào.
- Anh có đọc những thông tin rất xấu về an nguy của các y bác sĩ ở Vũ Hán không?
- Có chứ - bác sĩ Dũng cười - Thậm chí đọc liên tục, đọc rất nhiều. Nhưngbác sĩ như người cầm súng ra trận, đã ra trận thì không ngại. Bác sĩ sợ thì ai sẽ là người chăm sóc bệnh nhân?!
Nói rồi anh lại chăm chú vào hồ sơ bệnh án, không chút hoang mang, lo sợ. Sự bình thản đó thực chẳng dễ dàng gì khi đặt trong bối cảnh suốt hơn một tháng qua, dịch “viêm phổi Vũ Hán" do chủng Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, lây lan sang hơn 30 quốc gia trên thế giới đã cướp đi biết bao sinh mạng. Hàng trăm bác sĩ ở Vũ Hán đã nằm xuống.
Nghề y chưa bao giờ nguy hiểm đến thế, họ là người chấp nhận rủi ro lớn nhất và hiểu rõ tình hình nhất. Nói không sợ hãi là nói dối, nhân viên y tế ít nhiều đều lo lắng, nhưng họ biết, bệnh nhân rất cần họ. Biết rõ sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng những người khoác áo blouse trắng vẫn xông lên, ưu tiên hàng đầu là cứu người, dốc toàn lực cứu người bệnh khi sự sống và cái chết chỉ tính bằng ngày bằng tháng.
Đó là điều mà không chỉ các bác sĩ ở Trung Quốc trải qua. Tại Việt Nam, đội ngũ y bác sĩ đã và đang quyết liệt với các phương án toàn diện, sẵn sàng phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị, dập dịch. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dù loại virus mới này chưa có vắc-xin cũng như thuốc đặc hiệu, nhưng Việt Nam tự tin có thể điều trị được dịch bệnh do virus Corona gây ra.
Đó là nhờ lòng nhiệt huyết, sự vào cuộc chủ động của tất cả y bác sĩ ở 700 huyện, 1.300 bệnh viện trên toàn quốc và những biện pháp "chưa từng có tiền lệ" được áp dụng. Không chỉ các bác sĩ ở BV Xanh pôn, mà ở tất cả các bệnh viện trên cả nước, họ đều đang căng mình đối phó, phòng dịch.
Trong thời gian tới, Việt Nam rất có thể xuất hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với Covid-19, song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, ngành y tế Việt Nam tự tin sẽ đủ khả năng đối mặt với dịch bệnh này.
Covid-19 rình rập khắp nơi, Hà Anh – một chuyên gia make up có tiếng gửi lại đứa con mới 8 tháng tuổi cho ông bà tận Hà Giang để tiện công việc. Cô đã gắn bó với mảnh đất Hà Thành được hơn 5 năm. Càng làm càng lên tay, số khách hàng thân thiết tin tưởng tìm đến Hà Anh trong những ngày trọng đại cứ xếp lịch dày lên mỗi ngày.
Ái ngại nhất giữa mùa dịch là tất cả các thao tác trong quá trình make up 45-60 phút, Hà Anh đều tiếp xúc sát mặt khách hàng. Người ta thì không thể đeo khẩu trang khi trang điểm, dù họ húng hắng ho hay hắt hơi bất ngờ. Chưa kể sự mệt mỏi khi có lúc Hà Anh phải vẹo xương sườn cả tiếng đồng hồ, thức đêm dậy sớm đi make up trong những ngày mùa đông giá rét chỉ muốn chui vào chăn… Ai chẳng muốn nghỉ khi dịch bệnh rình rập.
"Nhưng tính chất nghề này không nghỉ được chị ạ. Có những lịch họ đặt trước từ lâu rồi, hoặc khách quen thường xuyên, cô dâu trong ngày cưới trọng đại… đã đặt lịch từ trước Tết không thể hủy lịch. Khách tìm đến mình là tin tưởng mình, mình không thể phụ lòng" - Hà Anh tâm sự.
Với mức giá 1,3-2 triệu đồng/lần make up, thu nhập trung bình của Hà Anh dao động khoảng 50-70 triệu một tháng, công việc make up đã giúp cô gái gốc Hà Giang có một cuộc sống yên ổn ở thành phố đắt đỏ, tất nhiên phải trừ chi phí mua sắm mỹ phẩm cao cấp, có thương hiệu “đắt xắt ra miếng” để phục vụ khách hàng khó tính nhất.
Để yên ổn làm việc giữa mùa dịch, trước và sau khi trang điểm, cô luôn vệ sinh sạch tay, các thao tác dứt khoát và tỉ mỉ. Lúc nào cũng phải rửa tay sạch sẽ trước khi sờ vào mặt người khác – đó là thói quen mà Hà Anh thực hiện cả trước khi có dịch bệnh. Chỉ khác là, bây giờ, cô có thêm bước rửa tay bằng cồn sát trùng và đeo khẩu trang.
Ca làm việc của chị Minh bắt đầu từ 3 giờ chiều tới 10 giờ tối, đó là lý thuyết, còn thực tế, mỗi ngày chị đều phải tất tả chuẩn bị từ trưa để kịp giờ làm. Ra tới bãi tập kết, chị chọn chiếc xe đẩy sơn rõ tên mình rồi đi dọc các cung đường, len lỏi vào những con hẻm nhỏ để thu gom rác.
"Công việc của tôi đúng là 7 tiếng một ngày nhưng có khi nửa đêm mới xong vì phải đợi xe tải đến gom rác mình mới được về nhà. Mỗi ngày phải đẩy 6-7 xe rác cao quá đầu người. Đợt này tôi có nghe qua về dịch bệnh nhưng mà việc mình vẫn phải làm chứ không thể nghỉ được" - chị Minh nói.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi gia tăng, đẩy những nhân viên vệ sinh như chị vào cảnh tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh.
“Khẩu trang thì họ vứt rất nhiều ra ngoài đường nhiều, chẳng có bọc hay gói vào túi gì cả, chúng tôi cũng không được nắm được cảnh báo về tác hại nên cứ thu gom cho vào xe như các loại rác bình thường”, người phụ nữ cho biết.
Trực tiếp đối đầu với mầm bệnh, nhưng “trang phục bảo hộ” của chị Minh khi làm việc chỉ là một đôi găng tay cao su, một chiếc khẩu trang vải lớn đủ che kín mặt cùng một chiếc nón lá. “Nghĩ tới bệnh tật cũng sợ, cũng lo chứ, chẳng may bệnh tật nó vận vào người thì chẳng biết làm thế nào. Nhưng mà làm công việc này nếu không may dính phải thì cũng chịu, không đi làm cuộc sống sao đủ đầy…” - giọng chị chùng xuống.
Tuần tự mỗi sáng, nha sĩ Tiến sẽ bắt đầu ngày mới bằng cách lau chùi các dụng cụ, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn, sau đó lấy khăn phủ, quần áo bảo hộ từ trong lò hấp.
"Việc chuẩn bị để mở cửa phòng khám những ngày này rất bận rộn do công đoạn chuẩn bị tốn thêm nhiều thời gian cho nhiệm vụ sát trùng, khử khuẩn" - anh Tiến chia sẻ - Hàng ngày chúng tôi phải tiếp xúc với khoảng 20 bệnh nhân, đối với những nha sĩ thì việc tiếp xúc trực tiếp với khoang miệng là điều không thể tránh khỏi và luôn ẩn chứa nguy cơ phơi nhiễm với virus Corona bởi chúng có thể phát tán qua không khí hoặc trong các dịch tiết.
Theo nha sĩ Tiến, sau khi Việt Nam công bố dịch Covid-19, toàn bộ nhân viên phòng khám đã có một buổi họp để thống nhất các quy định vệ sinh nhằm phòng tránh nguy cơ phơi nhiễm.
“Hàng tuần chúng tôi đều phun khử trùng toàn bộ cơ sở, ngoài ra phòng khám luôn được mở cửa để môi trường thông thoáng, sử dụng hệ thống đèn tia cực tím kết hợp với nước sát khuẩn chuyên dụng để đảm bảo chất lượng vệ sinh. Toàn bộ nhân viên phòng khám đều phải đeo khẩu trang trong lúc tiếp xúc với bệnh nhân, sử dụng mũ đội đầu và kính bảo hộ hai lớp.
Đối với khách hàng, tôi luôn nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh từ những bước nhỏ nhất như tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng, sử dụng thường xuyên xà phòng và cồn để vệ sinh tay. Trong những ngày giá cả tăng đột biến, phòng khám cũng sẵn sàng cung cấp khẩu trang cho các bệnh nhân tới thăm khám. Tuy chưa thể phổ biến triệt để tới mọi khách hàng, nhưng các bước phòng dịch đầu tiên đã được chúng tôi làm đúng, an toàn và phù hợp”, nha sĩ này cho biết.
Theo lời của vị nha sĩ, anh đã từng gặp hai trường hợp tới khám có biểu hiện ho, sốt nhẹ. “Ngay lập tức, chúng tôi phải xin phép bệnh nhân để kiểm tra thân nhiệt. Dù chỉ là kiểm tra sơ bộ nhưng tôi và các đồng nghiệp đều hết sức thận trọng, sau đó khuyến cáo họ tới khám tại các cơ sở y tế nhằm có kết quả chính xác nhất”, anh Tiến nhớ lại.
Kết thúc mỗi ngày làm việc, anh Tiến sẽ xịt các dung dịch khử khuẩn lên người trước khi về nhà để đảm bảo an toàn cho gia đình. “Khi xác định làm ngành y, tôi luôn chủ động trước mọi tình huống tai biến trong công việc, trách nhiệm của chúng tôi là luôn tiếp nhận bệnh nhân bất cứ lúc nào, dù có dịch hay không” - anh Tiến nhấn mạnh.
Huy Vũ - Việt Đan