Thứ năm, 18/04/2024 23:29 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/04/2022 12:00 (GMT+7)

Nhiều dự án tỷ đô dự kiến "cập bến", Quảng Trị muốn thành trung tâm năng lượng của miền Trung

Theo dõi KTMT trên

Tại Quảng Trị, một số lĩnh vực đầu tư như phong điện, điện khí, hạ tầng cảng biển… đang được các nhà đầu tư dự kiến rót hàng tỷ USD. Cùng với đó, Quảng Trị cũng đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Phát triển các dự án năng lượng khí, đầu tư điện gió

Mới đây, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị có cuộc làm việc với ông Alessandro Gelmetti, Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng ENI Việt Nam, để thảo luận cơ hội hợp tác phát triển các dự án năng lượng khí tại Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh này. Việc Quảng Trị và Công ty Năng lượng ENI Việt Nam có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện và hiệu quả.

“UBND tỉnh cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin, cập nhật tình hình và hỗ trợ ENI trong quá trình triển khai các công việc liên quan”, ông Hưng nhấn mạnh.

Nhiều dự án tỷ đô dự kiến "cập bến", Quảng Trị muốn thành trung tâm năng lượng của miền Trung - Ảnh 1
Quảng Trị cũng đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Ông Alessandro Gelmetti tại cuộc làm việc trực tiếp này đã đánh giá cao các hoạt động xúc tiến hợp tác thực tế, hiệu quả giữa tỉnh Quảng Trị và Công ty trong thời gian qua. Ông đặt vấn đề đến làm việc tại Quảng Trị vào tháng 4/2022 để ký kết khung thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh và Công ty trong việc triển khai dự án trồng rừng để giảm phát thải khí carbon. Đây được xem là bước khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai bên.

Việc ENI Việt Nam muốn phát triển các dự án năng lượng khí tại Quảng Trị không chỉ là mong muốn của địa phương; mà doanh nghiệp này đã “bắt tay” vào việc khảo sát, thăm dò 2 giếng trên thềm lục địa Việt Nam, cách tỉnh Quảng Trị khoảng 70 km và phát hiện trữ lượng sơ bộ rất tiềm năng. Năm 2021, ENI Việt Nam và đối tác đang trong quá trình thẩm lượng tổng thể mỏ Kèn Bầu làm cơ sở cho kế hoạch cung cấp khí tự nhiên, phát triển các dự án năng lượng tại Việt Nam, ông Hưng cho biết.

Ngày 26/3/2022, tại sự kiện “Gặp gỡ Quảng Trị” tại TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh, theo chủ trương của Chính phủ, Quảng Trị sẽ trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước trên cơ sở tiềm năng các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng khí tiềm năng từ mỏ Báo Vàng, mỏ Kèn Bầu.

Trong một diễn biến liên quan, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, ông vừa có buổi làm việc với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) để thống nhất địa điểm tổ chức khảo sát, lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị.

Thông tin cho biết, dự án điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị có quy mô công suất 1.000 MW, diện tích nghiên cứu 22.000 ha, diện tích chiếm mặt biển có thời hạn (bố trí trụ tua-bin) 350 ha, diện tích chiếm đất tạm thời 5 ha. Công suất tua-bin 6,25 MW, với tổng mức đầu tư khoảng 72.000 tỷ đồng.

Qua khảo sát bước đầu khu vực nghiên cứu dự án không chồng lấn vào vùng biển an ninh, quốc phòng, không chồng chéo khu vực nuôi trồng thủy sản của ngư dân và quy hoạch cảng Mỹ Thủy.

Hai phương án đấu nối điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị vào lưới điện quốc gia đã được nhà đầu tư đề xuất: đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 500 kV Vũng Áng đi Đà Nẵng, hoặc đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 500 kV Quảng Trạch đi Dốc Sỏi...

Ông Đồng cho hay: “Trước mắt, UBND tỉnh giao Sở Công thương làm cơ quan đầu mối hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan, dự thảo văn bản của UBND tỉnh gửi Chính phủ, Bộ Công thương xin bổ sung vào Quy hoạch Điện VIII trong thời gian sớm nhất”.

Ông Victor Lim, Giám đốc QTIP (Liên doanh các nhà đầu tư VSIP - Amata - Sumitomo) là một nhà đầu tư đang ngỏ ý muốn hợp tác toàn diện với Quảng Trị khuyến nghị: “Quảng Trị nên tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và gia tăng các ưu đãi hấp dẫn hơn về thuế để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Đặc biệt, cần có sự đồng hành và hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư”.

Cũng trong tháng 3/2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho biết mong muốn đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, cảng nước sâu, xây dựng nhà máy thép và sản phẩm sau thép và một số sản phẩm thế mạnh của Hòa Phát tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết: “Địa phương sẽ làm hết sức để tạo cơ hội cho các ‘sếu đầu đàn’ về Quảng Trị. Phải có những dự án động lực thì kinh tế địa phương mới phát huy xứng tầm được”.

Mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung

Thông tin được ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết tại Hội thảo “Gặp gỡ Quảng Trị” giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP.HCM.

Ông Hưng phát biểu tại Hội thảo, cho biết Quảng Trị đã có những bước tiến hết sức mạnh mẽ và tích cực, tăng trưởng kinh tế luôn nằm ở nhóm dẫn đầu miền Trung và cả nước.

Nhiều dự án tỷ đô dự kiến "cập bến", Quảng Trị muốn thành trung tâm năng lượng của miền Trung - Ảnh 2
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh những tiềm năng được tỉnh khai phá hiệu quả chưa từng thấy, thậm chí đã biến khó khăn, bất lợi thành tiềm năng. (Ảnh: Trọng Tín)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh những tiềm năng được tỉnh khai phá hiệu quả chưa từng thấy, thậm chí đã biến khó khăn, bất lợi thành tiềm năng, lợi thế . Dẫn chứng cụ thể nhất chính là hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời vận hành thương mại đem về hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách.

Một trong những lợi thế nổi bật của Quảng Trị được ông Hưng giới thiệu đến các nhà đầu tư đó là theo chủ trương của Chính phủ, Quảng Trị sẽ trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước trên cơ sở tiềm năng các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng khí tiềm năng từ mỏ Báo Vàng, mỏ Kèn Bầu.

Hiện tỉnh Quảng Trị có khoảng 377 MW các dự án năng lượng tái tạo đã phát điện. Bên cạnh đó, có 29 dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch và đang triển khai đầu tư với tổng công suất hơn 1.100 MW. Đồng thời, tỉnh có 52 dự án điện gió khác đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 2.764 MW; 8 dự án điện gió đang triển khai khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.670 MW.

“Quảng Trị phấn đấu đạt 8.000-10.000 MW/năm vào năm 2030”, ông Hưng nói và cho biết, để đạt được mục tiêu này, trước mắt tỉnh sẽ hỗ trợ Công ty Điện tực quốc tế Thái Lan (EGATI) và Công ty Gazprom International sớm hoàn tất thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 công suất 1.320 MW và nhà máy điện khí công suất 340 MW trong khu kinh tế Đông Nam.

Hỗ trợ nhà đầu tư các dự án điện gió, kêu gọi, thu hút các dự án nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời, nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng, thiết bị sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Ông Hưng cũng cho biết thêm, sân bay Quảng Trị cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và tỉnh Quảng Trị đang tập trung hoàn thiện các thủ tục, tiến tới khởi công sân bay Quảng trị vào đầu năm 2022, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động trong quý IV/2024.

Nhiều dự án tỷ đô dự kiến "cập bến", Quảng Trị muốn thành trung tâm năng lượng của miền Trung - Ảnh 3
Ông Victor Lim, Giám đốc QTIP (Liên doanh các nhà đầu tư VSIP - Amata - Sumitomo). Ảnh: Trọng Tín

Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư cũng đã chia sẻ về những lợi thế khi đầu tư tại Quảng Trị, song cũng kỳ vọng Quảng Trị tiếp tục đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng, giao thông, cảng biển, nâng cao trình độ nguồn nhân lực… để thu hút những “con sếu đầu đàn” và phát triển bền vững.

Theo ông Victor Lim, Giám đốc QTIP (Liên doanh các nhà đầu tư VSIP - Amata - Sumitomo) liên doanh này đang đầu tư khu công nghiệp Quảng Trị. Dự án có tổng diện tích 481,2 ha với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 349,18 ha; còn lại là khu vực hành chính, dịch vụ, khu xử lý nước thải, cấp diện…

Nói về lý do đầu tư tại Quảng Trị, ông Victor Lim cho hay, Quảng Trị có nhiều điều kiện thuận lợi như có giao thông thuận tiện, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây để giao thương với các nước trong khu vực. Đáng chú ý, Quảng Trị có nguyên vật liệu dồi dào, đáp ứng nhu cầu cho nhiều ngành sản xuất như gỗ, vật liệu xây dựng, titan, dầu mỏ với trữ lượng lớn…

“Quảng Trị là điểm đến hấp dẫn, cạnh tranh về chi phí sản xuất, chi phí lao động”, ông Victor Lim nói.

Để Quảng trị thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, ông Victor Lim cũng đề xuất địa phương nên tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tăng cường liên kết vùng và tăng sức cạnh tranh cho tỉnh; gia tăng các ưu đãi hấp dẫn hơn về thuế để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến với tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt, cần có sự đồng hành và hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư và cấp phép phê duyệt dự án kịp thời. “Tỉnh Quảng Trị nên bố trí mô hình dịch vụ một cửa tại khu công nghiệp để các nhà đầu tư thực hiện và theo dõi nhanh dự án đầu tư của họ”, ông Victor Lim đề xuất.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Nhiều dự án tỷ đô dự kiến "cập bến", Quảng Trị muốn thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới