Thứ sáu, 26/04/2024 20:11 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/02/2022 08:12 (GMT+7)

Nhằm mục tiêu dài hạn, Trung Quốc đổ hàng tỷ USD cho Olympic

Theo dõi KTMT trên

Ngay khi giành được quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh vào tháng 7/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu sẽ tạo ra một ngành du lịch mới ở nước này.

Nhằm mục tiêu dài hạn, Trung Quốc đổ hàng tỷ USD cho Olympic

Ngay khi giành được quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh vào tháng 7/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu sẽ tạo ra một ngành du lịch mới ở nước này.

Trung Quốc đang đặt ra mục tiêu dài hạn đối với phát triển ngành du lịch nghỉ dưỡng kết hợp các môn thể thao mùa đông với các khoản đầu tư khổng lồ cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

“Olympic sẽ truyền cảm hứng cho hơn 300 triệu người Trung Quốc tham gia vào các môn thể thao mùa đông nếu chúng ta giành được quyền đăng cai. Điều này cũng sẽ đóng góp to lớn vào sự phát triển của sự nghiệp Olympic quốc tế”, hãng tin Tân Hoa xã cho biết.

Nhằm mục tiêu dài hạn, Trung Quốc đổ hàng tỷ USD cho Olympic - Ảnh 1
Olympic Bắc Kinh 2022 được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh và tỉnh lân cận là Hà Bắc từ ngày 4-20/2 năm nay. (Ảnh: Olympics).

Trung Quốc ngoài việc đầu tư tốn kém cho cơ sở vật chất phục vụ sự kiện Olympic, nước này còn cho xây dựng các tuyến tàu cao tốc dành cho các vận động viên để giới thiệu các khu trượt tuyết mới bên ngoài Bắc Kinh. Đây là tổ hợp khu nghỉ dưỡng, trượt tuyết và các môn thể thao mùa đông ở khu vực Trương Gia Khẩu và Diên Khánh.

Song song đó, Trung Quốc đã đầu tư hơn 9 tỷ USD cho tuyến đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh với hai khu vực này. Dự kiến sau kết thúc Thế vận hội 2022, các tuyến tàu cao tốc sẽ được dùng để đưa đón khách du lịch trong nước và quốc tế đến các địa điểm này. Với các nhà chức trách, kế hoạch này nhằm tạo ra sự kết nối giữa giải trí, thể thao, du lịch và hệ thống giao thông nội địa Trung Quốc.

Các địa điểm thể thao được xây dựng cho Thế vận hội Mùa hè 2008 đã được thay thế phục vụ cho các hoạt động mùa đông. Trung tâm thể thao dưới nước (Water Cube) với thiết kế tích hợp các hoạt động bơi lội đa năng giờ đã được thay thế thành các Trung tâm thể thao băng tuyết.

Trung Quốc hiện có hơn 650 sân trượt băng và 800 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết. Con số này tăng lần lượt là 317% và 41% kể từ năm 2015.

Nhằm mục tiêu dài hạn, Trung Quốc đổ hàng tỷ USD cho Olympic - Ảnh 2
Mục tiêu của Trung Quốc là phát triển ngành du lịch đa năng, kết hợp giữa nghỉ dưỡng, trượt tuyết và các môn thể thao mùa đông. (Ảnh: AP)

Với Olympic Bắc Kinh, dịch bệnh là một thách thức

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Trung Quốc nhận định thu lợi nhuận từ Thế vận hội Mùa đông 2022 không phải là ưu tiên hàng đầu của nước này. Dịch bệnh xuất hiện khiến dự báo doanh thu từ Thế vận hội trở nên khiêm tốn hơn, do các chuyến đi của khách du lịch nội địa và quốc tế không thể thực hiện.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho hay, không bán được vé cho người dân Trung Quốc đồng nghĩa với việc lấy đi một nguồn thu nhập khác cho Thế vận hội. Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đạt mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, Trung Quốc vừa quyết định hủy kế hoạch bán vé cho công chúng tới tham dự trực tiếp Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 sẽ khai mạc vào đầu tháng 2 tới.

Trước đó, do yêu cầu cách ly nghiêm ngặt, ban tổ chức Olympic Bắc Kinh 2022 cho biết các khán giả quốc tế sẽ không được phép tới tham dự và xem các trận đấu, nhưng khán giả nội địa vẫn sẽ được phép tới xem với điều kiện đảm bảo đẩy đủ các điều kiện phòng dịch.

Mặt khác, chỉ 3 tuần trước khi Thế vận hội chính thức được khai mạc, Trung Quốc ghi nhận 223 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng – số lượng ca nhiễm cao kỷ lục kể từ tháng 3/2020. Bối cảnh này đã khiến nước chủ nhà Trung Quốc quyết định cấm nốt các khán giả nội địa tới theo dõi các trận thi đấu.

Thông báo của IOC khẳng định Ban tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 đã nêu những nguyên tắc về duy trì "sự kiện thể nào này an toàn và thành công như dự kiến". Thông báo cũng thừa nhận những thất vọng về việc không thể đón khán giả vào sân như dự kiến. Trong lịch sử Olympic, doanh thu bán vé Thế vận hội mùa đông cao nhất là 250 triệu USD tại Olympic Vancouver 2010 (Canada), khi đã bán được 1,5 triệu vé.

Cùng với thu nhập từ bán vé, các ủy ban tổ chức Olympic tại thành phố đăng cai còn nhận lợi nhuận khủng từ các hợp đồng tài trợ trong nước và quốc tế. Trên trang web của Ủy ban tổ chức Olympic Bắc Kinh 2022 hiện liệt kê 44 đối tác thương mại, gần như tất cả đều là các doanh nghiệp Trung Quốc, ở 4 cấp bao gồm các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Trong 11 đối tác hàng đầu bao gồm Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) và Hãng hàng không quốc tế Trung Quốc (Air China).

Ngoài ra, doanh thu bán các mặt hàng như găng tay, linh vật và các đồ lưu niệm cũng góp phần tăng thu nhập cho các đơn vị tổ chức. Có thể kể đến doanh thu bán hàng tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 (Hàn Quốc) khi đạt mốc 79 triệu USD.

Tuy nhiên, với Olympic Bắc Kinh 2022, mục tiêu quan trọng nhất mà Trung Quốc đặt ra kể từ thời điểm năm 2015 đã chính thức đạt được. Theo Cục Thống kê Quốc gia cho biết, trong tháng 1/2022, Trung Quốc đã thu hút 300 triệu người tham gia các môn thể thao mùa đông.

Nhằm mục tiêu dài hạn, Trung Quốc đổ hàng tỷ USD cho Olympic - Ảnh 3
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bắc Kinh quyết định thắt chặt các quy định phòng dịch để đảm bảo Thế vận hội Mùa đông diễn ra an toàn. (Ảnh: Reuters)

IOC cũng thu lợi nhuận khủng

Đối với Ủy ban Olympic quốc tế, cơ quan này nhận được hàng tỷ USD từ các đài truyền hình trên khắp thế giới và từ các nhà tài trợ nhận được độc quyền toàn cầu.

Bắc Kinh là hợp đồng đầu tiên trong con số 7,75 tỷ USD của đài truyền hình Mỹ NBC, thỏa thuận cho 6 kỳ Thế vận hội đến năm 2032. Hợp đồng được ký kết cách đây 8 năm có giá trị tổng cộng 2,5 tỷ USD cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022 và Thế vận hội Paris 2024.

Thế vận hội mùa hè mang lại lợi nhuận gấp đôi so với Thế vận hội mùa đông. IOC hiện có 13 nhà tài trợ cấp cao nhất, bao gồm các công ty Trung Quốc Alibaba và Mengniu, nằm trong danh mục nước giải khát cùng với Coca-Cola. Sochi và Rio de Janeiro là hai mùa Olympic có tổng doanh thu tiền mặt và dịch vụ lên tới 1 tỷ USD.

IOC đang chi 880 triệu USD cho chi phí của các nhà tổ chức ở Bắc Kinh. Con số này chỉ ít hơn vài triệu USD so với số tiền mà ban tổ chức Pyeongchang nhận được cách đây 4 năm.

Cơ quan này cũng chia sẻ 215 triệu USD từ doanh thu Olympic 2018 cho bảy cơ quan quản lý các môn thể thao của Thế vận hội mùa đông. Trong năm 2020, IOC đã tài trợ Liên đoàn Trượt tuyết Quốc tế (FIS) là 13 triệu USD và Liên đoàn Trượt băng Quốc tế (ISU) là 11 triệu USD.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhằm mục tiêu dài hạn, Trung Quốc đổ hàng tỷ USD cho Olympic. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới