Chủ nhật, 24/11/2024 23:53 (GMT+7)
Thứ tư, 02/02/2022 16:23 (GMT+7)

So với Mỹ, Trung Quốc, kinh tế Eurozone năm 2021 tụt hậu

Theo dõi KTMT trên

Nền kinh tế khu vực đồng Euro ghi nhận mức tăng trưởng chậm vào cuối năm 2021. Trước sức ép từ lạm phát giá năng lượng, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và làn sóng dịch do chủng Omicron gây ra.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu với dữ liệu từ ba trong số các được công bố cuối tháng 1/2022 cho thấy, nhiều nước trong khu vực vẫn tụt hậu so với trước đại dịch. Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận tăng trưởng trở lại từ giữa năm ngoái. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng nhanh chóng khôi phục tốc độ, dù gần đây tăng trưởng chậm lại vì thị trường bất động sản lao dốc.

So với Mỹ, Trung Quốc, kinh tế Eurozone năm 2021 tụt hậu - Ảnh 1
Đức, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đang ghi nhận GDP giảm 0,7% trong quý IV/2021. (Ảnh: AP)

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 19 quốc gia khu vực đồng Euro có khả năng tăng 1,6% trong quý IV/2021, giảm mạnh so với 9,1% quý trước đó, theo ước tính của ngân hàng Commerzbank dựa trên dữ liệu GDP của Đức, Pháp và Tây Ba Nha. Tại Mỹ, GDP tăng 6,9% trong quý trước. Trong khi đó, GDP Trung Quốc tăng 4%.

Khoảng cách giữa các khối kinh tế lớn nhất thế giới đang tạo ra những ý kiến trái chiều khiến nhà đầu tư băn khoăn, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương lớn có sự phân hóa về chính sách tiền tệ. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo về kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay và giảm nắm giữ trái phiếu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu lại báo hiệu rằng sẽ không tăng lãi suất và tiếp tục mua trái phiếu quy mô lớn ít nhất là đến tháng 10.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuần trước đã hạ lãi suất cho vay cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Sự suy thoái của Trung Quốc và các chính sách “Zero Covid” của nước này có tác động lớn đối với khu vực đồng Euro, nơi mà các nền kinh tế sản xuất lớn như Đức và Italy phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại quốc tế so với Mỹ - nơi dịch vụ chiếm phần lớn nền kinh tế.

Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg Bank, cho biết: "Nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng nhiều chính sách phong tỏa, các lệnh hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của Omicron thì tình trạng thiếu cung toàn cầu có thể trở nên trầm trọng hơn. Điều này có thể kìm hãm sự tăng trưởng của châu Âu".

So với Mỹ, Trung Quốc, kinh tế Eurozone năm 2021 tụt hậu - Ảnh 2
Nền kinh tế khu vực đồng Euro tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức tăng trưởng trong năm 2022. (Ảnh: Bloomberg)

Theo một cuộc khảo sát được Ủy ban châu Âu (EC) công bố gần đây cho thấy tâm lý kinh tế ở khu vực đồng Euro suy yếu trong tháng 1. Trong đó, các doanh nghiệp và hộ gia đình đang vật lộn để đối phó với làn sóng Omicron.

Dữ liệu của Berenberg cũng cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng ở khu vực đồng Euro, trong khi Mỹ và Anh đang ghi nhận số lượng giảm dần. Ngân hàng này cho biết, điều đó có thể khiến nhiều công nhân châu Âu chấp nhận bỏ việc, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động và đè nặng lên hoạt động kinh tế trong khoảng 4-6 tuần nữa.

Châu Âu cũng phải đối mặt với những thay đổi về lãnh đạo trong những tháng tới và có thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách kinh tế. Tại Pháp, cuộc bầu cử Tổng thống sẽ bắt đầu vào ngày 10/4 sắp tới. Một cuộc tổng tuyển cử cũng sẽ được tổ chức vào tháng 6 năm sau tại Italy để chọn tổng thống mới .

Theo cơ quan thống kê Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cường quốc xuất khẩu này ghi nhận GDP giảm 0,7% trong quý IV/2021 so với quý liền trước, thấp hơn khoảng 1,5% so với mức trước đại dịch. Đức đang bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc vào xuất khẩu, vốn đóng góp khoảng 30% việc làm của người dân. Thị phần xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất trong năm 2020, giảm khoảng 8% tháng 12 so với cùng kỳ, đạt 8,5 tỷ Euro (9,5 tỷ USD). Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng khoảng 18% lên 10,7 tỷ Euro (11,9 tỷ USD).

Tại Pháp và Tây Ban Nha, nền kinh tế ghi nhận mức tăng trong quý IV so với quý trước đó, dù với tốc độ chậm hơn. GDP Tây Ban Nha vẫn thấp hơn 4% so với quy mô trước đại dịch, trong khi nền kinh tế của Pháp chỉ cao hơn 0,9% so với mức đó.

Nền kinh tế ổn định của Pháp tạo ra động lực cho hy vọng tái đắc cử của Tổng thống Emmanuel Macron. Ông Macron, người đang đứng đầu trong các cuộc thăm dò cử tri, có chính sách mở cửa nền kinh tế bất chấp biến chủng Omicron của virus coronavirus tràn vào nước Pháp vào mùa đông năm nay. Ông cũng kêu gọi người dân tăng cường tiêm vaccine để phòng chống dịch bệnh.

Mặc dù vậy, lĩnh vực sản xuất của Pháp tiếp tục trì trệ, do tắc nghẽn và thiếu hụt trong chuỗi cung ứng đã kìm hãm hoạt động sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde tuần trước dự đoán, lạm phát khu vực đồng Euro sẽ giảm dần trong năm nay khi giá năng lượng và các nút thắt trong chuỗi cung ứng ổn định. "Chúng tôi khó có thể gặp phải tình trạng lạm phát tăng tốc như thị trường Mỹ. Lạm phát cơ bản ở Mỹ là 5,5% nhưng ở Eurozone chỉ là 2,6%", bà cho biết.

Theo dữ liệu đến tháng 9/2021 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đầu tư của các doanh nghiệp, hộ gia đình và chính quyền khu vực đồng Euro đã giảm khoảng 10% kể từ cuối năm 2019. Tại Mỹ, đầu tư tăng 4% so với cùng kỳ.

Ở châu Âu, thị trường lao động nhìn chung đã phục hồi mạnh mẽ do nhận được sự hỗ trợ bởi các kế hoạch duy trì việc làm lớn và tốn kém, thì phía đầu tư ghi nhận mức sut giảm. Điều này cho thấy châu Âu có thể không được hưởng lợi từ sự tăng năng suất – mà theo một số nhà kinh tế thì được coi là biện pháp hỗ trợ nền kinh tế sau hai năm kinh doanh bị gián đoạn.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết So với Mỹ, Trung Quốc, kinh tế Eurozone năm 2021 tụt hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới